Tất bật ngày Tết, chủ vườn mai thở phào vì hết cảnh "há miệng chờ sung"
(Dân trí) - Mặc dù tình hình kinh doanh vẫn chưa phục hồi hoàn toàn như trước, nhiều chủ vườn mai tại TPHCM vẫn cảm thấy mãn nguyện vì công sức chăm bón cả năm được đền đáp xứng đáng.
Tìm mọi cách vượt qua khó khăn
Chiều 23 tháng Chạp, các nhân công tại vườn mai Chí Công (TP Thủ Đức, TPHCM) mỗi người phụ nhau một tay, thay phiên kéo những chậu mai to lớn ra xe, để kịp vận chuyển cho khách.
Anh Nguyễn Văn Chí Công (50 tuổi), chủ vườn mai, bận rộn nghe điện thoại, chốt đợt đặt hàng những chậu mai cuối cùng còn lại trong vườn. Anh Công bộc bạch, dù tất bật, không có thời gian nghỉ ngơi, vợ chồng anh vẫn không thấy mệt mà ngược lại còn hạnh phúc.
Bởi chủ vườn năm nay không còn chịu cảnh "há miệng chờ sung" như năm ngoái, công việc kinh doanh cũng dần ổn định trở lại.
"700 chậu mai tại vườn đến nay đã cho thuê gần hết, chủ yếu là khách từ Hà Nội và một số tỉnh, thành lân cận. Mặc dù tình hình kinh doanh vẫn chưa phục hồi như trước, nhưng tôi cảm thấy rất vui khi vườn vẫn được khách hàng ủng hộ. Để đẩy mạnh sức mua, tôi sẽ mang ra đường Phạm Văn Đồng để bày bán", anh Công nói.
Chia sẻ về khó khăn, chủ vườn nhận định thời tiết năm nay ảnh hưởng nhiều đến quy trình trồng và chăm sóc cây mai.
"Hơn 20 năm theo đuổi nghề này, đây là lần đầu tiên tôi chứng kiến thời tiết thất thường đến thế. Tháng vừa rồi, thành phố ít nắng, trời cứ mù mịt, không giống như thời tiết những tháng cận Tết như thường lệ. Điều này khiến hoa nở chậm, một số chủ vườn khác phải đến đây ngỏ lời thuê lại mai của tôi để có hàng cung cấp cho thị trường. Nhưng tôi cũng gặp khó nên đành từ chối", anh Công cho hay.
Để đối phó với khó khăn, anh Công đã vận dụng kinh nghiệm nhiều năm trồng mai, dự đoán thời tiết để điều chỉnh thời gian lặt lá cho hợp lý. Bởi chỉ cần lặt lá sớm hoặc muộn hơn 1 ngày, chủ vườn có thể sẽ mất trắng công sức nuôi trồng cả năm.
Không những vậy, vì tình hình kinh tế đang có nhiều biến động, sức mua giảm, 3 năm qua anh Công không lên giá mai, thậm chí còn giảm 20-30% giá cũ. Trong khi đó, các chi phí như nhân công, mặt bằng, điện nước… tăng cao, "ngốn" hàng trăm triệu đồng của đôi vợ chồng.
"Thời điểm này ai cũng khó khăn nên chúng tôi chấp nhận gồng gánh, cố gắng đảm bảo công việc cho 20 nhân công tại vườn", anh Công nói.
Cố gắng để "bánh chưng có thịt"
Có mặt tại chợ hoa Tết từ ngày 19 tháng Chạp, anh Lữ Hán Quê (36 tuổi), tiểu thương kinh doanh chậu mai, cho hay chỉ trong 1 tháng, riêng chi phí nhân công đã lên đến gần 100 triệu đồng.
Năm nay, thời tiết thất thường nên hoa không nở rộ như ý muốn. Vì thế, khách lui tới đa phần chỉ hỏi rồi rời đi, hiếm khi "chốt" ngay.
"Thời điểm này nhiều năm trước, chợ hoa kín người qua lại, tiểu thương bán không kịp nghỉ ngơi, 23 tháng Chạp là tôi đã bán hết mấy trăm chậu. Nhưng giờ đây, sức mua khá chậm, đến giờ tôi vẫn còn tồn nhiều chậu mai trong vườn. Khách hàng chủ yếu đến hỏi thuê, còn mua thì hiếm lắm", anh Quê chia sẻ.
Theo nghề trồng mai hơn 3 năm, nam tiểu thương bộc bạch công việc này lúc nào cũng "dằm mưa dãi nắng" nhưng chủ yếu lấy công làm lãi. Mọi thành quả lao động của chủ vườn chỉ có thể trông chờ vào vài tháng cuối năm.
Để vợ con có cái Tết ấm no, nam tiểu thương chia sẻ anh sẽ túc trực ở khu chợ đến đêm giao thừa, hi vọng có thể cho thuê và bán hết số chậu mai còn lại, rồi mới về nhà nghỉ ngơi.
Anh Nguyễn Tấn Phước (44 tuổi, ngụ tại TP Thủ Đức, TPHCM) tranh thủ những tháng cuối năm, xin vào vườn mai để làm thời vụ, kiếm khoảng 500.000 đồng/ngày, tích cóp mua áo mới cho con.
"Nhờ có công việc này mà vợ chồng tôi chu toàn được nhiều chi phí dịp Tết. Chủ vườn làm ăn được, chúng tôi mới còn việc để làm. So với năm ngoái, Tết năm nay, mọi thứ cũng đỡ phần vất vả, khó khăn hơn. Tôi hi vọng năm sau kinh tế sẽ phục hồi, để ai cũng yên tâm lo cho gia đình mình", anh Phước bộc bạch.