"Mặc áo" cho giống bưởi tiến vua, nông dân thu lãi hàng trăm triệu đồng

Hạnh Linh

(Dân trí) - Nhờ "mặc áo" chống nắng, tránh côn trùng đốt cho giống bưởi tiến vua, nhiều nông dân ở xã Thọ Xương, huyện Thọ Xuân, Thanh Hóa thu lãi hàng trăm triệu đồng mỗi năm.

Vụ này, vườn bưởi đỏ (bưởi Luận Văn) của gia đình anh Phạm Văn Thuận (35 tuổi), thôn 8, xã Thọ Xương, huyện Thọ Xuân, Thanh Hóa trĩu quả và được bọc bởi túi nilon.

Anh Thuận cho biết, từ xa xưa, đây là giống bưởi quý dùng để tiến vua, nổi tiếng ở quê hương anh. Ngày nay, giống bưởi này được người dân săn tìm làm quà biếu trong mỗi dịp Tết.

Mặc áo cho giống bưởi tiến vua, nông dân thu lãi hàng trăm triệu đồng - 1

Anh Thuận chăm sóc vườn bưởi (Ảnh: Hạnh Linh).

Theo anh Thuận, gia đình anh có thâm niên 15 năm trồng giống bưởi đỏ và luôn kín đơn đặt hàng vào mỗi dịp cuối năm.

"Khách hàng ưa chuộng bưởi Luận Văn không chỉ bởi vị ngọt thanh đặc trưng mà còn bởi hình dáng, màu sắc độc đáo, đỏ từ ngoài vỏ đến múi", anh Thuận nói.

Ông chủ vườn bưởi cho hay, bưởi Luận Văn vốn đã có hương vị đặc trưng, nhưng quá trình trồng đòi hỏi phải có kỹ thuật. Thông thường, mỗi khi bưởi vào vụ kết trái, anh Thuận áp dụng kỹ thuật bọc thêm túi nilon để bảo vệ quả bưởi khỏi sâu bệnh, đạt năng suất cao.

"Khi quả đạt đường kính khoảng 10cm, tôi bắt đầu "mặc áo" nilon. 1ha sẽ bọc hết khoảng 10 triệu đồng tiền túi. Việc bọc nilon cho quả bưởi tuy tốn kém, mất thời gian nhưng lại giúp bưởi tránh nắng, chống tia cực tím, ngăn chặn côn trùng đốt, sản lượng ở vườn tăng lên gấp đôi", anh Thuận chia sẻ.

Mặc áo cho giống bưởi tiến vua, nông dân thu lãi hàng trăm triệu đồng - 2

Người dân "mặc áo" chống nắng cho bưởi tiến vua (Ảnh: Hạnh Linh).

Nhờ bí quyết đó mà mỗi năm gia đình anh Thuận thu gần 5.000 quả/2ha. Với giá bán 100.000-120.000 đồng/quả, thu lãi hơn 300 triệu đồng sau khi trừ hết các chi phí.

Cũng có thu nhập "khủng" từ vườn bưởi như anh Thuận, bà Nguyễn Thị Lượng (59 tuổi) cho biết, đầu tư 1ha bưởi Luận Văn hết khoảng 70 triệu đồng. Bưởi trồng 3 năm sẽ cho quả, mỗi năm thu hoạch một lần vào dịp cuối năm.

Theo kinh nghiệm trồng bưởi của bà Lượng, quá trình chăm sóc bưởi cần lưu ý bón phân sinh học đủ hàm lượng, đúng thời điểm để cây phát triển, nuôi quả. Bên cạnh đó, cần bổ sung lượng phân chuồng phù hợp sau mỗi vụ thu hoạch.

"Bưởi trồng lâu năm múi càng dày, tép mọng nước, hương thơm hơn. Với 2ha bưởi, tôi thu lãi hơn 300 triệu đồng/năm, tạo việc làm thời vụ cho 5 lao động ở địa phương", bà Lượng nói.

Mặc áo cho giống bưởi tiến vua, nông dân thu lãi hàng trăm triệu đồng - 3

Những quả bưởi Luận Văn có vỏ rất đẹp (Ảnh: Tâm Tuyền).

Ông Mã Văn Chúc, Trưởng thôn 8, xã Thọ Xương cho biết, khoảng 5 năm trở lại đây, thấy hiệu quả từ việc bọc túi nilon cho bưởi, nhiều người dân địa phương đã áp dụng để chăm sóc bưởi Luận Văn. Nhờ đó mà những vườn bưởi trên địa bàn có năng suất cao, bán được giá.

"Bình quân 1ha bưởi cho lãi gần 200 triệu đồng, gấp đôi cây lúa. Nhờ trồng bưởi, người dân trong thôn có của ăn, của để, đóng góp tích cực vào xây dựng nông thôn mới", ông Chúc nói.

Bà Lê Thị Dung, Phó Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Thọ Xuân cho biết, toàn huyện có gần 60ha bưởi Luận Văn. Trong đó, xã Thọ Xương là "thủ phủ" của loài bưởi quý này, với hơn 30ha.

Những vườn bưởi ở địa phương còn tạo việc làm, thu nhập tốt cho hàng trăm lao động, mức lương hơn 6 triệu đồng/người/tháng.

Bà Dung cho biết, thực hiện mục tiêu "kép", vừa phát triển kinh tế, vừa bảo tồn, khai thác các nguồn gen hiếm của loài bưởi quý, UBND tỉnh Thanh Hóa đã có quyết định phê duyệt đề án cải tạo và phát triển giống bưởi Luận Văn.

Đề án hướng đến phát triển bưởi Luận Văn tạo ra hiệu quả kinh tế, bảo vệ môi trường sinh thái, hỗ trợ du lịch, tạo cơ hội phát triển cho các ngành chế biến, logistics của địa phương.

"Tầm nhìn đến năm 2040, tại huyện Thọ Xuân sẽ có khoảng 150ha bưởi đỏ Luận Văn, vùng trồng chủ yếu ở các xã Thọ Xương, Xuân Bái và thị trấn Lam Sơn (huyện Thọ Xuân)", bà Dung cho hay.