PhotoStory

"Ma trận cọc" trên đầm phá lớn nhất Đông Nam Á

Thực hiện: Vi Thảo

(Dân trí) - Nò sáo là một nghề khai thác thủy sản truyền thống, có từ lâu đời của ngư dân vùng đầm phá Tam Giang - Cầu Hai (Thừa Thiên Huế), sử dụng nguyên lý bẫy để đưa tôm cá vào và không thoát ra được.

Ma trận cọc trên đầm phá lớn nhất Đông Nam Á - 1

Hệ đầm phá Tam Giang - Cầu Hai được hợp thành từ 3 phần khác nhau theo tên gọi của địa phương, gồm: phá Tam Giang rộng 52km2, đầm Sam và Thủy Tú rộng 60km2, đầm Cầu Hai rộng 104km2.

Hệ đầm phá lớn nhất Đông Nam Á này lưu giữ một nguồn gen khá phong phú gồm hơn 600 loài, trong đó có 43 loài rong, 12 loài tôm, 18 loài cua và nhiều loài thân mềm có giá trị khác. Hơn 200 loài cá, trong đó có đến 23 loài có giá trị thương phẩm cao như: cá dầy, cá đối mục, cá dìa, cá mòi cờ chấm, cá sạo chấm, cá dù bạc, cá nâu,...

Hằng năm, trung bình tại đầm phá Thừa Thiên Huế, người dân khai thác 2.500-3.000 tấn thủy sản cá, tôm, cua các loại. Ngoài ra người dân còn khai thác vài trăm tấn rau câu và khoảng 15.000 tấn rong tươi làm phân bón. 

Ma trận cọc trên đầm phá lớn nhất Đông Nam Á - 2

Ước tính, nguồn lợi thủy sinh dồi dào của đầm phá Tam Giang - Cầu Hai đã tạo nguồn sinh kế bền vững cho hơn 400.000 cư dân ở 33 xã ven phá của tỉnh Thừa Thiên Huế. 

Từ xa xưa, người dân đã sáng tạo ra nhiều phương thức nhằm khai thác thủy sản trên vùng đầm phá, trong đó nghề nò sáo (nghề đăng) là phổ biến nhất.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Thừa Thiên Huế, tính đến nay, toàn tỉnh có trên 1.500 trộ nò sáo. Nguyên lý hoạt động của nghề này là lợi dụng tập tính sinh học của tôm, cá và dòng chảy tự nhiên để bẫy cá đi vào mà không thoát ra được.

Ma trận cọc trên đầm phá lớn nhất Đông Nam Á - 3

Bên cạnh đặt nò sáo để khai thác tôm, cá tự nhiên, người dân còn chắn sáo để nuôi trồng thủy sản, chủ yếu tập trung tại khu vực đầm Sam Chuồn thuộc các địa phương như: thị trấn Thuận An (thành phố Huế), xã Phú Mỹ, Phú Xuân, Phú An (huyện Phú Vang). 

Tổng diện tích nuôi chắn sáo, kết hợp khai thác bằng nò sáo là hơn 1.357ha, trong đó gần 310ha ở xã Phú An đã cho người dân thuê để nuôi trồng thủy sản, kết hợp khai thác bằng nò sáo.

Ma trận cọc trên đầm phá lớn nhất Đông Nam Á - 4

Bên cạnh khu vực nò sáo đã được cấp phép, quy hoạch, theo phản ánh của một số địa phương, tình hình lấn chiếm diện tích mặt nước để nuôi chắn sáo kết hợp khai thác nò sáo còn diễn ra.

Theo cơ quan chức năng, việc quản lý khai thác và nuôi trồng thủy sản trên phá Tam Giang - Cầu Hai hiện nay đã được phân cấp cho huyện, xã thực hiện. Tuy nhiên, việc phát triển nuôi trồng thủy sản nhất là nuôi tôm chắn sáo trong thời gian qua quá ồ ạt, chưa thực hiện nghiêm túc công tác đánh giá tác động môi trường.

Số lượng sáo dày đặc, giăng kín mặt nước sẽ hủy diệt thảm cỏ thủy sinh bên dưới và gây suy giảm động lực dòng chảy, ảnh hưởng đến giao thông thủy.

Ma trận cọc trên đầm phá lớn nhất Đông Nam Á - 5

Ngư dân xã Quảng Lợi (huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế) kiểm tra nò sáo của gia đình trên phá Tam Giang.

Được biết, trước đây, sáo chủ yếu được làm bằng tre, nhưng sau cơn bão lớn năm 1985, ngư cụ loại này bị tàn phá. Nghề sáo mùng (vật liệu tổng hợp) được thay thế và phát triển rầm rộ trên hầu hết các khu vực đầm phá.

Ma trận cọc trên đầm phá lớn nhất Đông Nam Á - 6

Để cố định cánh sáo, người dân sẽ đóng cọc bằng tre hoặc gỗ sâu xuống dưới lòng phá. Chiều dài và độ dày của cột tùy thuộc vào độ nông - sâu và độ chảy của dòng nước.

Ma trận cọc trên đầm phá lớn nhất Đông Nam Á - 7

Cánh sáo cao hay thấp cũng tùy thuộc vào độ sâu nước mặt nơi đặt trộ sáo.

Ma trận cọc trên đầm phá lớn nhất Đông Nam Á - 8
Ma trận cọc trên đầm phá lớn nhất Đông Nam Á - 9
Ma trận cọc trên đầm phá lớn nhất Đông Nam Á - 10

Ma trận cọc sáo trên hệ đầm phá Tam Giang - Cầu Hai.

Ma trận cọc trên đầm phá lớn nhất Đông Nam Á - 11

Ngư dân xã Quảng Lợi (huyện Quảng Điền) mưu sinh quanh nò sáo trên phá Tam Giang.

Ma trận cọc trên đầm phá lớn nhất Đông Nam Á - 12

Những loại tôm có giá trị thương phẩm cao được ngư dân khai thác từ vùng đầm phá Tam Giang - Cầu Hai.

Hệ đầm phá Tam Giang - Cầu Hai trải dài 68km thuộc 4 huyện: Phong Điền, Quảng Điền, Phú Vang, Phú Lộc và thị xã Hương Trà với diện tích 22.000ha, là đầm phá nước lợ lớn nhất Đông Nam Á.

Năm 2018, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành Thông tư 19/2018/TT-BNNPTNT, trong đó nghề đáy và nò sáo thuộc danh mục bị cấm. Tuy nhiên, do đây là những nghề tạo sinh kế chính cho người dân, nếu bị cấm sẽ có nguy cơ bất ổn xã hội.

Do đó, Hội nghề Cá Việt Nam đã kiến nghị không cấm nghề đáy, nò sáo trên vùng đầm phá nói chung, đồng thời giao UBND tỉnh Thừa Thiên Huế quy hoạch lại những nghề này; có quy định và hướng dẫn người dân tổ chức hoạt động khai thác thủy sản một cách hiệu quả, giúp bảo vệ môi trường đầm phá.

Theo Tiến sĩ Nguyễn Quang Vinh Bình, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh Thừa Thiên Huế, xã hội càng hiện đại, nhu cầu thủy sản ngày càng lớn, nhất là thủy sản đầm phá luôn tươi sống hơn hẳn thủy sản biển. Nguồn lợi thủy sản đầm phá như một "sân sau" của ngành thủy sản Thừa Thiên Huế, nếu tổ chức sản xuất khai thác hợp lý, quản lý tốt là nguồn lực vô cùng mạnh mẽ cho sự phát triển thủy sản.

Vấn đề môi trường và giao thông thủy cần được giải quyết quan trọng nhất ở khoảng cách bố trí các hàng sáo, nhằm dành hành lang giao thông xương cá và thông thoáng môi trường. Như thế, quy định khoảng cách tối thiểu từ nò của hàng trên với cánh của hàng dưới và khoảng cách giữa hai cánh sáo liền kề là "quy phạm then chốt" trong quản lý nghề cá đầm phá.

Ông Bình cho rằng, nghề nò sáo xứng đáng được duy trì, tôn tạo và là nghề của tương lai do tính chất "thu hoạch" của nó. Mọi đối tượng khai thác được đều còn sống nguyên, không xây xát và việc thả lại các đối tượng chưa đủ kích thước quy định cho phép khai thác là thói quen của ngư dân các nước tiên tiến.

Việc cải tiến vật liệu có mắt lưới lớn hơn cũng là mấu chốt của hiện đại hóa bản thân nghề nò sáo.

Cũng theo ông Bình, bước quan trọng nhất của việc tập trung hóa nghề nò sáo là việc sắp xếp lại toàn bộ ngư cụ sản xuất trên đầm phá bảo đảm tính quy mô, hiệu quả sản xuất đồng thời bảo đảm quan hệ tổng hợp vùng bờ.

Việc điều chỉnh mối quan hệ giữa quyền lợi và nghĩa vụ, quyền hạn và trách nhiệm của các cộng đồng ngư dân trong đầm phá cần được đặt lên hàng đầu.