Lý do nhà thiết kế áo dài mini nhất định không bán bộ sưu tập có giá
(Dân trí) - Bằng tình yêu sâu sắc dành cho áo dài, chị Lâm Thị Xuân Liễu đã biến tấu thành những chiếc áo dài phiên bản thu nhỏ cuốn hút.
Cử nhân kế toán chuyển hướng làm thời trang
Cầm tấm bằng cử nhân kế toán, chị Lâm Thị Xuân Liễu (40 tuổi, ở Cần Thơ) rẽ lối sang lĩnh vực thời trang - thiết kế áo dài mini. Với công việc này, chị tìm thấy niềm đam mê và cơ hội lan tỏa văn hóa dân tộc.
Bước ngoặt cuộc đời bắt nguồn từ tại một lớp dạy may áo dài mà người phụ nữ theo học. Từ đây, chị nhen nhóm ý tưởng làm áo dài phiên bản thu nhỏ. Từ một thử nghiệm thú vị, chị Liễu nhìn ra con đường hoàn toàn mới, nơi những chiếc áo dài mini có thể trở thành cầu nối giữa truyền thống và hiện đại, giữa quá khứ và tương lai.
Không dừng lại ở những thiết kế thông thường, chị đưa vào áo dài mini những nét văn hóa đặc trưng của Cần Thơ như chợ nổi Cái Răng, đình Bình Thủy, nhà cổ, chùa Nam Nhã… Mỗi họa tiết, mỗi đường thêu đều là một câu chuyện mang hơi thở của quê hương.
Để làm ra một chiếc áo dài mini hoàn chỉnh không hề đơn giản. Thực tế, kích thước chỉ bằng 1/4 áo dài bình thường nhưng mọi công đoạn từ phác thảo, cắt may đến là ủi đều đòi hỏi sự tỉ mỉ.
"Đường kim mũi chỉ phải thật chuẩn, mết cổ dùng lưới, tà áo lúc nào cũng phải thẳng như cách may áo dài lớn. Nếu không làm tỉ mỉ, chiếc áo sẽ mất đi hồn cốt", chị Liễu tâm huyết.
Chất liệu được chị ưu tiên là tơ tằm nha xá - một loại vải truyền thống của Việt Nam. Đặc biệt, chị còn tận dụng vải thừa từ những chiếc áo dài lớn để sản xuất, giảm thiểu rác thải, vừa bảo vệ môi trường, vừa giúp mỗi chiếc áo mini mang theo hơi thở của những tà áo dài nguyên bản.
Trong quá trình thử nghiệm, chị đã làm hai kiểu dáng chính: Áo dài ly vuông mini và áo suông mini. Bộ sưu tập áo dài di sản mini chính là sản phẩm mà chị tâm đắc nhất.
May áo dài mini có ra tiền không?
Với chị, may áo dài mini không chỉ là một công việc mà còn là một hành trình gìn giữ văn hóa. Chị Liễu muốn đưa áo dài mini đến với mọi người theo cách trực quan nhất bằng cách tổ chức workshop (hoạt động trao đổi) trải nghiệm.
Tại đây, các em nhỏ, học sinh, sinh viên hay cả khách du lịch quốc tế có thể tự tay khâu, vẽ, trang trí áo dài, từ đó cảm nhận sâu sắc hơn về vẻ đẹp của áo dài Việt.
"Có khách hàng chia sẻ niềm vui khi tự tay làm ra một chiếc áo dài mini. Chiếc áo dài để trưng bày, lưu niệm đó là món quà ý nghĩa, giúp họ mang một phần Việt Nam về nhà. Đó chính là niềm hạnh phúc lớn nhất của tôi", chị chia sẻ.
Sau mùa cao điểm Tết, chị dự định hợp tác với các nhà hàng, khách sạn lớn - những địa điểm thu hút đông đảo du khách quốc tế - để trưng bày và ký gửi áo dài mini, qua đó lan tỏa rộng rãi hơn hình ảnh áo dài Việt Nam đến bạn bè quốc tế.
Chị bộc bạch, hành trình đưa áo dài mini đến công chúng không phải lúc nào cũng dễ dàng. Chị từng đối mặt với ý kiến trái chiều, có người bảo: "Làm cái này có ra tiền không?", chị cũng trăn trở khi dành quá nhiều thời gian cho áo dài mini mà việc may áo dài lớn bị đình trệ. Nhưng cuối cùng, tình yêu với tà áo dài và khát vọng lan tỏa văn hóa đã giúp chị kiên trì đến cùng.
"Mọi người nói làm cái này không ra tiền, nhưng tôi tin rằng điều mình làm sẽ mang lại giá trị lâu dài, đặc biệt là cho thế hệ trẻ", chị Liễu chia sẻ.
Những chiếc áo dài mini được bán với giá từ 100.000 đến 150.000 đồng - mức giá hợp lý để ai cũng có thể sở hữu hoặc trải nghiệm. Nhưng với bộ sưu tập áo dài di sản mini có giá trị lớn nhất chị Liễu nhất định không bán. Chị muốn dành tặng toàn bộ bộ sưu tập này cho bảo tàng Cần Thơ để lưu giữ và tôn vinh.
Dù sản phẩm chưa mang lại nguồn thu quá lớn, nhưng chị tin rằng giá trị văn hóa được lan tỏa quan trọng hơn cả tiền bạc, lợi nhuận. Nhờ đó, chị cũng có cơ hội thu hút thêm khách hàng cho dịch vụ may áo dài truyền thống, mở ra những tiềm năng phát triển nghề nghiệp trong tương lai.