Xung quanh việc đề nghị tăng lương tối thiểu vùng năm 2015

Lương tối thiểu vùng phải tăng lên 3,4 triệu đồng, người lao động mới đủ sống

Đa số công nhân, người lao động, cán bộ công đoàn cơ sở đề khẳng định mức lương tối thiểu vùng như hiện nay không đảm bảo mức sống tối thiểu. Việc điều chỉnh tăng lương tối thiểu vùng theo định kỳ cho năm sau cần phải căn cứ vào đời sống thực tiễn của người lao động để có mức tăng hợp lý.

NLĐ rất cần mức lương tối thiểu tăng ở mức 3,4 triệu đồng/tháng.
 NLĐ rất cần mức lương tối thiểu tăng ở mức 3,4 triệu đồng/tháng.

Tăng đồng nào, tốt cho NLĐ đồng đó

Theo ông Nguyễn Văn Sang, Chủ tịch CĐ các KCN tỉnh Bình Phước thì khi NLĐ ký HĐLĐ thường ở mức từ 3 triệu – 3,1 triệu đồng/tháng, còn thu nhập thực tế của NLĐ, theo báo cáo của các CĐCS thì đạt từ 3,8 triệu đến 4,2 triệu đồng/tháng, vì DN trả thêm các khoản khác như tiền chuyên cần, cơm, xăng xe, nhà trọ…

Về giá cả sinh hoạt, cũng không có sự chênh lệch nhiều giữa hai vùng này, thậm chí có khi giá sinh hoạt tại thị xã Đồng Xoài, thuộc vùng III, còn đắt hơn tại huyện Chơn Thành. Theo quan điểm của tôi, tiền lương tối thiểu ở vùng II, vùng III năm 2015 phải đạt mức 3 triệu đến 3,1 triệu đồng/tháng, có như thế mới đáp ứng nhu cầu của NLĐ.

Ông Củ Phát Nghiệp, Chủ tịch CĐ Cty Pou Yuen (TPHCM) cho biết: Bình quân thu nhập của hơn 83.000 LĐ trong Cty đã đạt mức trên 4 triệu đồng/người/tháng. Năm nay, theo tôi, mức lương tối thiểu vùng cũng phải tăng ít nhất thêm từ 17%, có nghĩa là phải đạt mức 3,15 triệu đồng/tháng. Lý do, do kinh tế đã có những dấu hiệu hồi phục, giá cả sinh hoạt cũng tăng và đặc biệt, do trình độ tay nghề của NLĐ ngày càng được đào tạo nhiều hơn và có tiến bộ.

Mặt khác, phải nghĩ đến chuyện lâu dài, tăng lương tối thiểu để tăng lương hưu về sau này cho NLĐ.

Hiện nay, số lượng CNLĐ tại các KCN-CX Hà Nội có khoảng 140.000 người, trong đó đoàn viên CĐ là 102.000 người. Chủ tịch CĐ các KCN-CX Hà Nội Đinh Quốc Toản cho rằng: “Lương tăng đồng nào, tốt cho NLĐ đồng đó”. Theo tham khảo của các cấp CĐ KCN-CX Hà Nội hiện nay hầu hết tại các DN hoạt động trong KCN-CX Hà Nội đang trả lương cho NLĐ cao hơn mức lương tối thiểu do nhà nước quy định (2,7 triệu đồng/tháng) đạt 2,8-3,2 triệu đồng/tháng.

Lý do mà chủ DN trả cao hơn mức lương sàn là họ đã tham khảo ý kiến của tổ chức CĐ, NLĐ và tìm hiểu mức chi tiêu hàng ngày của NLĐ. Mặc dù chủ DN đã trả mức lương tối thiểu cao hơn so với quy định và có nhiều khoản hỗ trợ cho NLĐ, tuy nhiên phần lớn NLĐ vẫn gặp rất nhiều khó khăn trong cuộc sống, nhất là những gia đình CNLĐ có con nhỏ, bởi NLĐ phải chi rất nhiều khoản: Tiền thuê nhà, phí điện, nước, tiền gửi trẻ…

Theo tìm hiểu của CĐ các KCN-CX HN thì thực tế mức LTT mới chỉ đáp ứng 60% nhu cầu tối thiểu của NLĐ. Do đó, tại mỗi kỳ nhà nước điều chỉnh lương tối thiểu, NLĐ đều mong rằng mức lương tối thiểu tăng càng nhiều càng tốt, vì họ cho rằng “tăng đồng nào, tốt cho NLĐ đồng đó” và nhà nước cần kiểm soát chặt chẽ giá thuê nhà trọ và quản lý tốt giá tiêu dùng. Bởi khi mới “ngửi” thấy “mùi tăng” lương thì giá sinh hoạt đã “leo trước”!

Ông Phạm Văn Trước – Chủ tịch CĐ Cty Samsung Electronics VN (KCN Yên Phong, Bắc Ninh) cho rằng: “Tăng lên mức 3,4 triệu đồng/người/tháng, NLĐ mới chỉ đủ sống”. Ông Trước cho biết thêm, thực tế CNLĐ ở các KCN còn phải chi phí rất nhiều vào việc thuê nhà ở và phải chịu các khoản tiền điện, tiền nước… những thứ thiết yếu phục vụ cuộc sống với mức giá cao hơn giá quy định chung.

Vì thế, nếu điều chỉnh lương tối thiểu cho NLĐ lên mức 3,4 triệu đồng như đề xuất của Tổng LĐLĐVN, hầu hết CNLĐ vẫn chỉ đủ sống, thậm chí chi tiêu tằn tiện mới đủ sống. Mức thu nhập đó khiến CNLĐ còn nhiều khó khăn và không thể có tích lũy để có thể lo toan cho cuộc sống của bản thân và gia đình.

Thực tế, tại Cty Samsung Electronics VN, DN đã chi trả mức lương tối thiểu cho CNLĐ ở mức cao hơn so với quy định chung, nhưng về cơ bản NLĐ vẫn khó khăn bởi giá cả liên tục leo thang như thời gian qua.

“Mong rằng thu nhập từ lương đủ sống”

Là tâm sự của CN Đỗ Ngọc Dũng (KCN Mê Linh, Hà Nội). Hiện nay, mức lương tối thiểu của Dũng được Cty chi trả là 3 triệu đồng/tháng, mặc dù mức lương này đã cao hơn mức lương tối thiểu do nhà nước quy định nhưng trong cuộc sống, sinh hoạt hàng ngày, Dũng còn gặp nhiều khó khăn.
Mức lương tối thiểu như hiện nay khó có thể đáp ứng mức sống tối thiểu của NLĐ. Ảnh: H.A
 Mức lương tối thiểu như hiện nay khó có thể đáp ứng mức sống tối thiểu của NLĐ. Ảnh: H.A

Dũng chia sẻ: “Tiền thuê nhà, điện, nước – chủ nhà trọ đã thu 700.000 đồng/tháng; 2 bữa ăn hàng ngày tốn khoảng 60.000-70.000đ/ngày… do đó, để duy trì cuộc sống, tôi gắng hết sức mình để đảm bảo hoàn thành định mức công việc ở Cty và bắt buộc phải đăng ký làm thêm giờ… để có thêm thu nhập từ các khoản: Chuyên cần, làm thêm giờ…

Theo tôi, việc tăng lương tối thiểu rất cần thiết với NLĐ, tuy nhiên trước khi quy định mức trần thì các cơ quan nhà nước cần tìm hiểu sát với thực tế mức thu nhập, chi tiêu của NLĐ để đưa ra được mức lương “gần” đáp ứng nhu cầu sống tối thiểu của NLĐ”.

Theo CN Nguyễn Thanh Hải (Cty ống thép Hòa Phát, Hưng Yên), để đảm bảo cuộc sống, ngoài việc dựa vào thu nhập từ lương thì NLĐ phải “căn cơ” trong chi tiêu. Hiện nay, mức lương tối thiểu vùng tại Hưng Yên là 1,8 triệu đồng/tháng, tuy nhiên khi trả lương cho NLĐ, tại NM ống thép Hòa Phát, lãnh đạo DN đã trả cho NLĐ (khi ký hợp đồng LĐ có thời hạn với Cty) được trả từ 2,5-2,75 triệu đồng/tháng (tùy theo vị trí công việc).

Ngoài lương, NLĐ còn có thêm thu nhập từ làm thêm giờ, vượt mức khoán sản phẩm, tiền ăn ca… do đó trung bình mỗi CN tại Cty thu nhập khoảng 3-3,5 triệu đồng/tháng. Với mức thu nhập trên thì NLĐ chỉ đáp ứng được phần nào cuộc sống, bởi họ phải chi tiêu quá nhiều khoản.

Anh Nguyễn Văn Hải – CN Cty TNHH hệ thống dây dẫn Sumi VN (KCN Đồng Văn, Hà Nam): “Phải tăng khoảng 20%, đời sống CN mới tạm ổn”. Khu vực Cty tôi đang làm việc nằm trong vùng III, theo quy định hiện nay thì lương tối thiểu chỉ khoảng 2,6 triệu đồng/người/tháng. Hầu hết các DN bám vào quy định này để trả lương cho CN ở mức đó hoặc cao hơn không đáng kể.

Cộng thêm các khoản phụ cấp khác, tổng thu nhập của NLĐ chỉ đạt khoảng 3 triệu đồng/tháng, không thể đủ chi tiêu phục vụ cuộc sống trong điều kiện giá cả như hiện nay. Đa số CNLĐ đang làm việc ở đây đều rất khó khăn và chúng tôi cố gắng bám trụ, giữ việc làm để hy vọng được tăng lương, có cuộc sống đầy đủ hơn. Với đồng lương như hiện tại, hầu như không có CN nào đủ điều kiện đi mua sắm vào cuối tuần dù trong các ngày làm việc có cố sức tăng ca”.

Anh Nguyễn Mạnh Dũng - CN đơn vị 1 (Cty CP Trà Than Uyên, tỉnh Lai Châu): Tôi nghĩ rằng, NLĐ nào ở các DN cũng đều cảm ơn tổ chức CĐ đã quan tâm đề xuất tăng lương tối thiểu cho các vùng để đời sống được dễ thở hơn. Với mức lương tối thiểu vùng như hiện nay thì NLĐ ở vùng nào cũng “khó sống”, chứ không riêng gì NLĐ ở vùng 4 chúng tôi (vùng 4, mức lương tối thiểu là 1.900.000 đồng).

Tuy nhiên, tăng lương tối thiểu vùng là tốt nhưng Nhà nước cũng cần có biện pháp làm sao để giá cả thị trường đừng tăng theo. Có như thế, việc tăng lương tối thiểu vùng mới có hiệu quả.

Chị Lường Thị Nhuần - CN Vườn ươm (Xí nghiệp Lâm nghiệp huyện Chợ Đồn, tỉnh Bắc Kạn): Việc tăng lương tối thiểu vùng là cần thiết. Ở vùng 4 như huyện Chợ Đồn (tỉnh Bắc Kạn), lương tối thiểu vùng là 1.900.000 đồng như hiện tại là quá thấp, nói thật là NLĐ không đủ sống. Giả sử Nhà nước có tăng lương tối thiểu vùng lên 20% nữa cũng vẫn là thấp so với đời sống tối thiểu hiện nay.

NLĐ trực tiếp ở xí nghiệp tôi lâu nay đã hưởng theo lương khoán. Thu nhập tùy thuộc theo làm dự án nên hàng tháng NLĐ tạm ứng lương, cuối năm mới thanh toán lương chính thức.

 Những năm trước, thu nhập bình quân của tôi được khoảng hơn 3 triệu đồng/tháng. Năm nay, do tỉ lệ dân trồng cây giảm nên thu nhập chỉ còn khoảng 60%. Với mức lương đó, phải tằn tiện chi tiêu mới sống được. Hiện nay, vùng nào cũng có nhiều NLĐ đang gặp rất nhiều khó khăn, thu nhập quá thấp nên chúng tôi rất vui về việc tổ chức CĐ đề nghị tăng mức lương tối thiểu cho các vùng.
Theo Báo Lao Động

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm