1. Dòng sự kiện:
  2. Thực hành chữ "S" trong ESG

Lương tối thiểu vùng: Mức tăng 14,3 % của năm 2015 không gây đột biến

(Dân trí) - Trong đề xuất tăng lương tối thiểu vùng năm 2016, Tổng LĐLĐ VN cho rằng mức tăng áp dụng cho năm 2015 dù tới 14,3 % nhưng thực tế không gây đột biến về chi phí cho doanh nghiệp. Mức đề xuất của năm 2016 được tổ chức đại diện người lao động đưa ra từ 15-16%.

Tăng lương tối thiểu liên quan tới mức đóng BHXH.

Tăng lương tối thiểu liên quan tới mức đóng BHXH.

Trước đó, việc Chính phủ thông qua đề xuất mức tăng tiền lương tối thiểu vùng năm 2015 của Hội đồng tiền lương Quốc gia là cơ sở để hình thành nên NĐ 103/2014/NĐ-CP có hiệu lực từ 1/1/2015.

Cụ thể, mức tiền lương tối thiểu 4 vùng được tăng trong phạm vi từ 250.000 -400.000 đồng/vùng cho người lao động làm việc ở doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, trang trại, hộ gia đình, cá nhân và các cơ quan, tổ chức có thuê mướn lao động theo hợp đồng lao động theo quy định của Bộ luật Lao động.

Không đột biến

Qua thời gian triển khai, Tổng LĐLĐ VN đánh giá có 85 - 90% số doanh nghiệp (có công đoàn) thuộc diện phải điều chỉnh đã thực hiện điều chỉnh mức tăng này.

Theo ông Mai Đức Chính - Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ VN: “Tỉ lệ tăng tiền lương tối thiểu bình quân các vùng năm 2015 là 14,3% so với năm 2014, nhưng tỉ lệ tăng tiền lương thực tế tương ứng của NLĐ trong các doanh nghiệp chỉ khoảng 12%. Và việc tăng tiền lương tối thiểu không gây đột biến về chi phí cho doanh nghiệp”.

Mức lương tối thiểu vùng năm 2015 áp dụng ở 4 vùng là: Vùng I: 3.100.000 đồng/tháng; vùng II: 2.750.000 đồng/tháng; vùng III: 2.400.000 đồng/tháng; vùng IV: 2.150.000 đồng/tháng. Mức lương này cao hơn mức lương tối thiểu vùng năm 2014 từ 250.000-400.000 đồng/vùng.

Khảo sát mới đây của Tổng LĐLĐ VN tại 60 doanh nghiệp cho thấy, các doanh nghiệp (đặc biệt là các doanh nghiệp FDI có hạch toán từ công ty mẹ ở nước ngoài) đều cho rằng việc tăng mức tiền lương tối thiểu năm 2015 không ảnh hưởng nhiều đến sản xuất kinh doanh.

Thậm chí, các doanh nghiệp trên còn cam kết chấp hành nghiêm khi Nhà nước công bố mức lương tối thiểu của năm 2016. Với mức tăng của năm 2015, nhiều doanh nghiệp đã điều chỉnh đồng loạt cho tất cả các đối tượng làm việc trực tiếp.

Đối với các doanh nghiệp ngoài Nhà nước, tỉ lệ người lao động được điều chỉnh lương tối thiểu không nhiều. Nhiều doanh nghiệp chỉ điều chỉnh cho người lao động có mức lương thấp hơn mức lương tối thiểu vùng theo quy định.

Tuy nhiên, việc tăng lương tối thiểu tại khu vực tư nhân còn chưa thể theo dõi kỹ được. Ông Mai Đức Chính cho rằng: Các doanh nghiệp tư nhân, hộ gia đình, tỉ lệ điều chỉnh tiền lương tối thiểu rất khó kiểm soát, vì nhiều doanh nghiệp không đăng ký thang lương, bảng lương, không tham gia bảo hiểm xã hội cho người lao động.

Người lao động hưởng lợi

Với mức tăng 14,3 % của năm 2015, Tổng LĐLĐ VN cho rằng mức tăng lương tối tuy chưa đáp ứng được kỳ vọng và bảo đảm mức sống tối thiểu của của người lao động, nhưng đã giúp người lao động, nhất là ở các doanh nghiệp khu vực tư nhân và FDI được hưởng lợi hơn.

Theo Tổng LĐLĐ VN, các doanh nghiệp Nhà nước và doanh nghiệp cổ phần hoá đang áp dụng thang bảng lương theo Nghị định 205/2004/NĐ - không điều chỉnh mức tiền lương tối thiểu vì hệ số tính theo mức lương cơ sở (1.150.000 đồng). Nhưng thực tế, tiền lương của người lao động ở khu vực này hầu hết đã cao hơn mức lương tối thiểu vùng.

Tiền lương cơ bản tăng giúp người lao động yên tâm làm việc, góp phần ổn định cuộc sống và tăng năng suất lao động.

Theo ông Mai Đức Chính, tiền lương theo hợp đồng tăng, đồng nghĩa với mức đóng bảo hiểm xã hội tăng, góp phần bảo đảm an sinh xã hội cho người lao động. Do trên thực tế, nhiều doanh nghiệp FDI trả lương theo thời gian, chỉ trả lương cho người lao động theo hợp đồng cao hơn khoảng 10 - 12% lương tối thiểu vùng.

Trao đổi với báo chí, Vũ Quang Thọ - Viện trưởng Viện Công nhân Công đoàn, thành viên Hội đồng Tiền lương Quốc gia - cho rằng, người lao động cần lưu ý việc tăng lương tối thiểu sẽ giúp họ có lương hưu đảm bảo cuộc sống sau này.

Ông Vũ Quang Thọ chỉ ra thực tế, lương tối thiểu vùng còn thấp khiến nhiều người lao động coi làm thêm là cách tăng thu nhập và để ổn định cuộc sống. Tuy nhiên, lương tối thiểu được tăng ở mức đáp ứng được nhu cầu sống tối thiểu thì việc làm thêm sẽ không còn nhiều.

Theo Tổng LĐLĐ VN, việc tăng lương tối thiểu vùng năm 2016 dựa vào nguyên tắc sau.

Căn cứ vào quy định của pháp luật để điều chỉnh: Điều 91 của Bộ luật Lao động quy định, mức lương tối thiểu vùng được điều chỉnh căn cứ vào nhu cầu sống tối thiểu của người lao động và gia đình họ; điều kiện kinh tế - xã hội và mức tiền lương trên thị trường lao động. Tăng thêm ở mức hợp lý để thực hiện lộ trình đến năm 2017, mức lương tối thiểu phải bảo đảm nhu cầu sống tối thiểu của người lao động và gia đình họ.

Đồng thời, Tổng LĐLĐ VN cũng căn cứ vào Luật BHXH 2014 (Điều 89). Theo đó, từ ngày 1/1/2018 trở đi, tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội của người lao động là mức lương, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác theo quy định của pháp luật về lao động.

Hoàng Mạnh