Tăng lương năm 2016: DN muốn gắn năng suất lao động và trượt giá

(Dân trí) - “Cần điều chỉnh thời gian làm thêm, căn cứ để tính lương tối thiểu vùng, điều chỉnh phụ cấp và lương để tính bảo hiểm xã hội, tính toán lại trợ cấp thôi việc…Đây là kiến nghị khẩn thiết của doanh nghiệp trong buổi đối thoại về chính sách lao động, tiền lương và BHXH”.

Doanh nghiệp quan tâm tới tăng lương và tăng năng suất lao động
Doanh nghiệp quan tâm tới tăng lương và tăng năng suất lao động

Cuộc “Đối thoại với doanh nghiệp về chính sách lao động tiền lương và bảo hiểm xã hội” do Phòng Công nghiệp và Thương mại VN (VCCI), Bộ LĐ-TB&XH tổ chức ngày 3/7 tại Hà Nội đã thu hút nhiều ý kiến của doanh nghiệp đứng trên góc độ người sử dụng lao đông.

Bà Vi Thị Hồng Minh, Phó giám đốc Văn phòng Giới sử dụng lao động (VCCI), thay mặt cộng đồng doanh nghiệp công bố tập hợp ý kiến về chính sách tiền lương, lao động và bảo hiểm xã hội.

Đề cập tới chính sách tiền lương, bà Vi Thị Hồng Minh cho biết, nhiều doanh nghiệp phản ánh tình trạng phải thực hiện thang bảng lương cao hơn 7% so với mức lương tối thiểu vùng cho tất cả người lao động trong DN, nếu không sẽ bị phạt. “Trong khi đó, Nghị định 103/2014/NĐ-CP quy định về lương tối thiểu năm 2015 chỉ yêu cầu doanh nghiệp trả lương cao hơn 7% so với lương tối thiểu với lao động đã qua đào tạo” - Bà Vi Thị Hồng Minh cho biết.

Về thời gian nghỉ ngơi, đại diện Văn phòng giới chủ cho rằng việc quy định “người lao động làm việc trên 10 giờ 1 ngày bao gồm cả thời gian làm thêm giờ thì có ít nhất 30 phút nghỉ thêm nữa và thời gian nghỉ ngơi được tính là thời gian làm việc” (theo khoản 2, Điều 5, Nghị định 45/2013/NĐ-CP) chỉ nên áp dụng cho đối tượng là lao động trực tiếp chứ không cần áp dụng với tất cả người lao động.

“Việc xác định tăng lương tối thiểu, giới chủ đề xuất cần dựa theo các yếu tố như: Bù đủ trượt giá năm 2015 dự kiến 5%/năm, tăng theo mức tăng năng suất lao động khoảng 3%/năm để cải thiện tiền lương của NLĐ, tăng thêm ở mức hợp lý để thực hiện lộ trình bảo đảm nhu cầu sống tối thiểu của người lao động (có tính đến tình trạng thiếu việc làm, thất nghiệp)” - theo VCCI.

Bà Vi Thi Hồng Minh giải thích thêm: “Đối với các đối tượng đặc thù như lái xe, nghiên cứu, chuyên viên phân tích nên có quy định riêng bởi số lượng doanh nghiệp yêu cầu các đối tượng này làm thêm 2 giờ/ngày không nhiều và tổng số giờ làm thêm/năm đã phải tuân thủ quy định của pháp luật rồi”.

Ý kiến của cộng đồng giới chủ cho rằng, quy định: “DN được phép làm thêm đến 200 giờ trong 1 năm trong trường hợp: xử lý sự cố sản xuất, giải quyết công việc cấp bách không thể trì hoãn,….” (tại Khoản 1, Điều 3, dự thảo Thông tư hướng dẫn thực hiện chế độ thời giờ làm việc, nghỉ ngơi) là chưa hợp lý.

Bởi, quy định này đi ngược lại so với quy định tại điểm b, khoản 2, điều 106, Luật Lao động và điều 4, NĐ 45/2013/NĐ-CP (không quy định về điều kiện làm thêm 200 giờ, chỉ quy định điều kiện làm thêm từ 200 - 300 giờ trong năm).

Giới hạn làm thêm giờ của Việt Nam được đại diện VCCI so sánh với các nước khác, ví dụ: Nhật Bản quy định 360 giờ làm thêm/năm, Malaysia 104 giờ/tháng, Đài Loan 46 giờ/tháng…"Việc này sẽ làm giảm tính cạnh tranh của Việt Nam và khiến Việt Nam không thể phát triển các ngành công nghiệp, chế tạo".

Liên quan tới chính sách bảo hiểm xã hội, bà Vi Thị Hồng Minh cho rằng, quy định Tiền lương làm căn cứ đóng BHXH là tiền lương và phụ cấp lương (Điều 89, Luật BHXH 2014), Tiền lương làm căn cứ đóng BHXH là tiền lương, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác (Từ 1/1/2016 - 1/1/2018) là chưa hợp lý.

Nguyên nhân bởi phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác sẽ thay đổi phụ thuộc vào chất lượng công việc, năng suất lao động của người lao động, tình hình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Điều này gây khó khăn để tính toán mức đóng.

Điều chỉnh để hội nhập

Ông Nguyễn Xuân Dương, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Hưng Yên, trăn trở với vấn đề giờ làm thêm trong bối cảnh Việt Nam đang hội nhập.

“Nhật Bản có hơn 300 giờ làm thêm/năm. Trong khi thu nhập bình quân của người Nhật Bản là hơn 40.000 USD/năm. Chúng ta chỉ có mức thu nhập 1.000 USD/người. Chúng ta đã nghèo và đang đi làm thuê, muốn xuất khẩu thì phải cạnh tranh. Nhưng nếu cứ quy định và trả lương vậy thì người lao động bỏ việc”.

Nhiều ý kiến về lao động, tiền lương và BHXH được chia sẻ tại Hội nghị
Nhiều ý kiến về lao động, tiền lương và BHXH được chia sẻ tại Hội nghị

Ông Nguyễn Xuân Dương cho biết thêm, doanh nghiệp nào không cho phép làm thêm thì mức lương của người lao động chỉ 3-4 triệu đồng/tháng, còn làm thêm thì bình quân 7 triệu đồng/tháng.

Theo đại diện Hiệp Hội dệt may VN, ngành này đang thu hút trên 2 triệu lao động làm việc, trong đó có 70% nữ. Lao động ngành dệt may nghỉ rất nhiều sau 15-20 năm làm việc. Đại diện này cảnh báo tình trạng người lao động lựa chọn thôi việc doanh nghiệp này chuyển sang doanh nghiệp khác.

Điều này giúp người lao động vừa có lương cao hơn, vừa được hưởng trợ cấp thôi việc khi đóng bảo hiểm trước năm 2009. Trong khi đó, doanh nghiệp vừa mất lao động vừa mất tiền trợ cấp.

Đại diện Hiệp hội dệt may VN đề suất nên trả trợ cấp thôi việc khi được chủ doanh nghiệp đồng ý. Lao động đóng bảo hiểm từ 20 năm trở lên, nếu giám định mất sức trên 61% sức lao động để hưởng lương hưu. Nên người lao động đủ 20 năm xin nghỉ để hưởng lương hưu và được hưởng trợ cấp thôi việc. Người lao động đăng ký như vậy nhưng doanh nghiệp lập danh sách và đưa đi giám định, buộc phải nghỉ thì không được trợ cấp thôi việc.

Đại diện một doanh nghiệp nước ngoài phản ánh. Tiền lương với lao động qua đào tạo nghề quy định cao hơn mức lương tối thiểu là 7%. Nhưng có nhiều công nhân qua trường đào tạo nghề nhưng không đảm bảo yêu cầu tối thiểu nhất của công việc. Công ty phải đào tạo lại, vừa mất chi phí và phải trả thêm mức chênh 7%! Đây là một gánh nặng.

Trong khi đó, quá trình hội nhập sẽ khiến nhiều lao động nước ngoài có tay nghề tới VN gây ra sự cạnh tranh.

Theo Hiệp hội xuất khẩu thủy sản VN, mức đóng và hưởng BHXH hiện còn chưa tương xứng: Tiền đóng tối đa là 62 triệu đồng, nhưng mức hưởng thất nghiệp cao nhất chỉ 15,7 triệu đồng. Cả doanh nghiệp và người lao động đều thấy bất cập giữa mức thu và hưởng. Nên cần cho hưởng bảo hiểm thất nghiệp theo mức người lao động đã tham gia bảo hiểm thất nghiệp.

- Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Phạm Minh Huân: Bộ LĐ-TB&XH ghi nhận những đề xuất kéo dài thời gian làm thêm. Trên cơ sở đó, Bộ sẽ tham mưu với Chính phủ để có tờ trình để Quốc hội quyết định việc này. Về tăng lương tối thiểu, trên cơ sở định hướng của Quốc hội, còn lại VCCI, Tổng LĐLĐ VN và Bộ LĐ-TB&XH sẽ cùng bàn để cân đối, thúc đẩy thương lượng hài hòa ở mức chấp nhận được. Đây là vấn đề khó giữa câu chuyện tăng năng suất, đời sống công nhân và giá cả thực tế…

- Ông Lê Đình Quảng - Phó trưởng Ban Quan hệ lao động (Tổng LĐLĐ VN). Khảo sát 10 tỉnh của Tổng LĐLĐ VN cho thấy,  người lao động có thu nhập từ 3-4 triệu đồng/tháng chiếm 32%, từ 4-5 triệu đồng/tháng chiếm 26%, dưới 3 triệu đồng/tháng chiếm 19 %. Lương mới đáp ứng 60 % mức sống tối thiểu của người lao động. Tăng lương mới đáp ứng nhu cầu sống. Trong 235 cuộc ngưng việc của năm 2015 chủ yếu đều có mục đích đòi tăng lương và cải thiện điều kiện làm việc, nhiều cuộc phản đối tăng ca của chủ sử dụng lao động.

- Ông Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Phòng Công nghiệp và Thương mại VN: Người lao động là tài sản quý nhất của doanh nghiệp. Người lao động và doanh nghiệp đang cùng đi trên một con thuyền. Doanh nghiệp đều hiểu người lao động là tài sản quý giá, hành động của doanh nghiệp cũng đều vì người lao động. Tôi không đồng ý với quan điểm cho rằng tăng giờ làm việc tức là giới chủ bóc lột, doanh nghiệp tư nhân kết hợp người nông dân thì hợp tác xã sẽ bị tư nhân ăn hết.

Hoàng Mạnh
 

TIN LIÊN QUAN:

Tổ chức Phiên GDVL lưu động tại quận Nam Từ Liêm

Ngày 23/5, tại Trung tâm hướng nghiệp và dạy nghề (quận Nam Từ Liêm, thành phố Hà Nội), Phiên giao dịch việc làm lưu động thu hút 45 doanh nghiệp với hơn 1.200 chỉ tiêu tuyển dụng, 300 chỉ tiêu tuyển sinh, tập trung vào các nhóm ngành như: thương mại, dịch vụ, thợ nghề, lao động phổ thông…

Tăng lương năm 2016: DN muốn gắn năng suất lao động và trượt giá - 1

Đây là hoạt động phối hợp giữa Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội và Phòng LĐ-TB&XH quận Nam Từ Liêm. Theo Ban tổ chức, trong số các doanh nghiệp tham gia phiên giao dịch việc làm lưu động tại quận Nam Từ Liêm có 5 doanh nghiệp gửi tới 37 chỉ tiêu tuyển lao động là người khuyết tật, 10 chỉ tiêu tuyển sinh…Tổng hợp nhanh kết quả phiên giao dịch, Phiên GDVL đã có 678 lao động được tham gia phỏng vấn, trong đó 226 lao động được tuyển dụng trực tiếp, 151 lao động được hẹn phỏng vấn lần 2, 45 lao động đăng ký học nghề tại các đơn vị.

P.M

Gần 150 vị trí tuyển dụng người khuyết tật

Ngày 25/6, Trung tâm DVVL Hà Nội (Sở LĐ-TB&XH Hà Nội) đã tổ chức Phiên giao dịch việc làm lồng ghép tuyển dụng lao động dành cho người khuyết tật với hơn 150 chỉ tiêu việc làm cho người khuyết tật.

Tăng lương năm 2016: DN muốn gắn năng suất lao động và trượt giá - 2

Tham gia phiên giao dịch việc làm có 43 doanh nghiệp, đơn vị với gần 600 chỉ tiêu tuyển dụng, tuyển sinh. Trong đó, 15 doanh nghiệp, cơ sở dạy nghề có sử dụng lao động là người khuyết tật với 150 chỉ tiêu tuyển dụng, tuyển sinh, là cơ hội cho người khuyết tật trên địa bàn thành phố lựa chọn và tìm kiếm việc làm phù hợp. Các chỉ tiêu của phiên giao dịch việc làm lồng ghép tập trung chủ yếu vào các lĩnh vực: công nghệ thông tin, dịch vụ, nhà hàng - khách sạn, may mặc, lao động phổ thông, thủ công mỹ nghệ…Theo Ban tổ chức, kết thức chương trình đã có 353 lao động được phỏng vấn (lao động khuyết tật là 51 người), tổng số lao động được tuyển dụng trực tiếp tại phiên là 141 người (lao động khuyết tật được tuyển dụng là 16 người) và 13 người khuyết tật được tuyển sinh vào các trung tâm dạy nghề từ thiện tại Hà Nội.

H.T