Lương tối thiểu năm 2016: Khoảng 10% doanh nghiệp tăng lương thực tế

(Dân trí) - Kết quả vừa được Tổng LĐLĐ VN khảo sát tại 59 doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động trên địa bàn 8 tỉnh, thành phố của 4 vùng lương cho thấy, khoảng 90 % doanh nghiệp (có tổ chức công đoàn) thuộc diện tăng lương tối thiểu 2016 nhưng chỉ khoảng 10 % tăng lương thực tế tương ứng.


Cuộc họp của Hội đồng Tiền lương Quốc gia hôm 20/7 tại Đồ Sơn, Hải Phòng. (Ảnh: TL)

Cuộc họp của Hội đồng Tiền lương Quốc gia hôm 20/7 tại Đồ Sơn, Hải Phòng. (Ảnh: TL)

Trước đó, kết quả đàm phán lương tối thiểu vùng năm 2016 là căn cứ để Chính phủ ban hành Nghị định 122/2015/NĐ-CP về điều chỉnh tiền lương tối thiểu vùng trong các doanh nghiệp năm 2016. Theo đó, tỉ lệ tăng tiền lương tối thiểu bình quân các vùng năm 2016 là 12,4% so với năm 2015.

Các doanh nghiệp được khảo sát thuộc lĩnh vực dệt may, giày da, chế biến nông lâm thủy sản, dịch vụ - thương mại, giao thông vận tải, cơ khí, điện tử.

Theo ông Lê Đình Quảng - Phó Trưởng Ban Quan hệ lao động (Tổng LĐLĐ VN), qua báo cáo và khảo sát trực tiếp tại các doanh nghiệp cho thấy, phần lớn người sử dụng lao động đều nhận thấy yêu cầu tăng lương tối thiểu vùng là cần thiết để giúp đảm bảo cuộc sống của người lao động được tốt hơn.

Về phía doanh nghiệp, kết quả khảo sát cho thấy, tính đến hết tháng 4/2016, có khoảng 90% số doanh nghiệp (có tổ chức công đoàn) thuộc diện phải điều chỉnh đã thực hiện theo Nghị định 122/2015/NĐ-CP. Nhưng tỷ lệ tăng tiền lương thực tế tương ứng của người lao động trong các doanh nghiệp chỉ khoảng 10%.

“Đối với người lao động, mức tăng 12,4% là chưa đáp ứng được kỳ vọng của người lao động và chưa bảo đảm mức sống tối thiểu của người lao động. Tiền lương cơ bản tăng giúp họ yên tâm làm việc, góp phần ổn định cuộc sống và tăng năng suất lao động. Tiền lương theo hợp đồng tăng, đồng nghĩa với mức đóng BHXH tăng, góp phần bảo đảm an sinh xã hội lâu dài cho người lao động” - theo kết quả khảo sát.

Lý giải điều này, Tổng LĐLĐ VN cho rằng, việc thực hiện tiền lương tối thiểu vùng đã được các doanh nghiệp thực hiện tương đối tốt, hầu hết các doanh nghiệp đều có thông báo điều chỉnh, xây dựng kế hoạch cân đối nguồn tài chính và áp dụng mức lương tối thiểu vùng theo quy định.

Đặc biệt, việc điều chỉnh tiền lương tối thiểu vùng năm 2016 không gây đột biến về chi phí cho doanh nghiệp.

Khảo sát của Tổng LĐLĐ VN cho rằng, đa phần các doanh nghiệp thực hiện điều chỉnh tiền lương tối thiểu vùng từ 01/01/2016 theo đúng quy định. Một bộ phận doanh nghiệp ngoài nhà nước thực hiện việc điều chỉnh tiền lương tối thiểu vùng từ tháng 3/2016. Bởi thời điểm thực hiện tăng lương tối thiểu vùng sát với thời điểm thực hiện các chế độ thưởng Tết cho người lao động.

Theo ông Lê Đình Quảng, hầu hết các doanh nghiệp FDI đã thực hiện điều chỉnh mức lương tối thiểu vùng, có 70 - 80% số người lao động được điều chỉnh, với mức trung bình từ 250.000 - 400.000 đồng. Nhiều doanh nghiệp điều chỉnh đồng loạt cho tất cả các đối tượng làm việc trực tiếp với mức Nhà nước quy định, đồng thời tính thêm 7% qua đào tạo cho mức điều chỉnh tăng thêm.

Khảo sát cũng cho thấy, các doanh đều cho rằng việc tăng mức tiền lương tối thiểu năm 2016 không ảnh hưởng nhiều đến sản xuất kinh doanh và sẽ chấp hành nghiêm khi nhà nước công bố mức lương tối thiểu của năm 2017.

Tuy nhiên, số liệu qua khảo sát cũng phản ánh thực tế, trong quá trình triển khai Nghị định 122/2015/NĐ-CP vẫn có một số doanh nghiệp thực hiện không đúng, dẫn đến tranh chấp lao động, đình công.

Trong quý I năm 2016, cả nước xảy ra 94 cuộc đình công, ngừng việc tập thể (trong đó các doanh nghiệp FDI chiếm tới 76,6% số cuộc). Nguyên nhân cơ bản là do nhiều doanh nghiệp chưa tuân thủ đúng tinh thần của Nghị định 122/2015/NĐ-CP về tăng lương tối thiểu vùng; trả lương chậm, giảm chi phí thưởng, phụ cấp...

Hôm 20/7, tại cuộc họp của Hội đồng tiền lương Quốc gia, Tổng LĐLĐ VN đã đề xuất mức trung bình tăng lương tối thiểu vùng năm 2017 là 11,11 %. Mức tăng này tương ứng từ 250.000 - 400.000 đồng cho 4 vùng. Theo đó, vùng 1 dự kiến tăng thêm 400.000 đồng, vùng 2: 350.000 đồng, vùng 3: 300.000 đồng và vùng 4: 250.000 đồng. Trong đó, mức tăng ở vùng 1 đáp ứng cao nhất nhu cầu sống tối thiểu với 92,85 %, mức tăng vùng 3 đáp ứng thấp nhất nhu cầu sống tối thiểu với 88,5%.

Dự kiến, cuộc họp tiếp theo của Hội đồng tiền lương Quốc gia về tăng lương tối thiểu vùng 2017 sẽ diễn ra vào đầu tháng 8 và địa điểm tổ chức sẽ không tại Hà Nội.

Hoàng Mạnh