Lương tối thiểu vùng 2017: “Sẽ quyết liệt vì mâu thuẫn chi phí và lợi nhuận”
(Dân trí) - Dự báo về tính cam go trong đàm phán tăng lương tối thiểu vùng các năm tới, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Phạm Minh Huân cho rằng các bên cần tính tới các yếu tố năng suất lao động, cạnh tranh quốc gia trong bối cảnh hội nhập. Chưa kể mâu thuẫn giữa chi phí và lợi nhuận ngày càng tăng.
Thưa ông, năm 2015, Hội đồng tiền lương Quốc gia cho rằng mức tăng lương tối thiểu vùng 2016 là 12,4 % là kết quả với sự đồng thuận cao. Tuy nhiên ngay sau đó lại xuất hiện nhiều ý kiến về việc cần điều chỉnh thêm. Nhằm tránh tình trạng trên vào đợt tăng lương 2017, ông có ý kiến gì?
- Tính toán về lương tối thiểu không hề đơn giản. Ban đầu khi nghiên cứu và xây dựng Bộ Luật Lao động, chúng ta cũng đề xuất tới việc đưa mức lương tối thiểu phải đảm bảo nhu cầu sống tối thiểu.
Nhưng hiện nay trong quá trình hội nhập, các tổ chức quốc tế còn đưa thêm một khái niệm mới, là: Lương theo năng suất và chỉ số giá cả. Đây đang là vấn đề có mâu thuẫn với nhau.
Do đó, việc điều chỉnh lương các năm sắp tới sẽ khó khăn hơn nhiều. Đặc biệt khi chúng ta hội nhập. Đơn cử khi nghiên cứu quan hệ lao động tại quốc gia Indonexia. Chúng tôi nhận thấy, họ cũng từng thực hiện việc tăng lương tối thiểu để đáp ứng mức sống tối thiểu.
Nhưng để đảm bảo tính cạnh tranh quốc gia, chính phủ Indonexia cũng quay sang việc tính lương theo năng suất lao động và chỉ số giá cả. Điều này dẫn tới việc tăng lương tối thiểu với mức thấp hơn cách tính theo nhu cầu sống tối thiểu.
Tôi cho rằng trong bối cảnh này, các bên cần tăng cường thảo luận và đối thoại để tìm ra giải pháp hài hòa. Một mặt nâng dần đời sống của người lao động, mặt khác tính tới yếu tố khả năng thực tế doanh nghiệp. Thậm chí, chúng ta phải tính thêm cả yếu tố cạnh tranh quốc gia.
Nếu chúng ta hội nhập khu vực và quốc tế mà năng suất lao động quá thấp thì rất nguy hiểm, là bài toán luẩn quẩn. Hội đồng tiền lương quốc gia rất trăn trở về thực tế này.
Tới giai đoạn năm 2017-2018, từng có quan điểm đề xuất cho rằng việc tăng lương tối thiểu phải hoàn thiện việc đáp ứng được mức sống tối thiểu của người lao động. Vậy thời gian trên đã tới gần, ông nhìn nhận vấn đề này ra sao?
- Cách đây 5-7 năm trước, một lộ trình mong muốn như trên đã được đề ra. Nhưng trong cả quá trình thực tế, trong cuộc cạnh tranh và hội nhập như hiện nay, những vấn đề đặt ra khiến chúng ta phải suy nghĩ.
Chúng ta không thể lấy tư duy của 5-7 năm trước, lúc đó chúng ta hội nhập chưa sâu, cạnh tranh chưa quyết liệt. Hiện nay, chúng ta đẩy chi phí đầu vào của doanh nghiệp quá lớn thì rõ ràng sẽ ảnh hưởng tới sự cạnh tranh. Trong khi đó, năng suất lao động của VN vẫn còn thấp, giá thành hàng hóa và dịch vụ của chúng ta cạnh tranh với quốc tế còn rất khó khăn.
Đó chính là những vấn đề cần tính toán thêm.
Bàn tới năng suất lao động trong việc tăng lương, quan điểm của một số chuyên gia về lao động vẫn cho rằng: Chỉ khi mức lương tối thiểu đáp ứng được mức sống tối thiểu của người lao động, lúc đó mới có thể tính tới chuyện tăng suất suất lao động, ông có quan điểm gì về vấn đề này?
Tôi rất hiểu quan điểm đảm bảo quyền lợi của người lao động. Nhưng khi tính toán bài toán tổng thể, Nhà nước phải tính tới bài toán tổng thể gồm lợi ích người lao động và quốc gia để tính toán. Mục tiêu không khác nhau, nhưng lộ trình có thể khác nhau.
Trong lộ trình tăng lương tối thiểu vùng năm 2017, Hội đồng tiền lương sẽ thực hiện những bước đi gì để đảm bảo chất lượng cũng như sự đồng thuận tốt hơn trong đàm phán, thưa ông?
Dự kiến cuối tháng 3 hoặc đầu tháng 4, Hội đồng tiền lương Quốc gia sẽ có chương trình khảo sát đánh giá cho mùa tăng lương 2017. Cụ thể, Hội đồng sẽ khảo sát đánh giá các yếu tố để tính mức sống tối thiểu của người lao động, khảo sát thực tế tình hình thu nhập của người lao động, đánh giá tác động của chính sách tiền lương đối với cuộc sống người lao động.
Bên cạnh đó, Bộ LĐ-TB&XH đang phối hợp với Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội để tìm hiểu những tác động của việc tăng lương tối thiểu tới các doanh nghiệp. Đặc biệt là những doanh nghiệp sử dụng đông lao động và hoat động trong những lĩnh vực gia công may mặc, da giày, chế biến thủy sản…
Xin cảm ơn ông
Mâu thuẫn chi phí - lợi nhuận có thể là nguyên nhân dẫn tới gần 50 cuộc đình công trong 2 tháng đầu năm 2016.
Theo Thứ trưởng Phạm Minh Huân, mâu thuẫn trong việc giải bài toán về chi phí và lợi nhuận có thể là nguyên nhân dẫn tới gần 50 cuộc đình công thời gian qua.
“Theo đó, quy định điều chỉnh lương tối thiểu và thực hiện việc tính BHXH thêm phần phụ cấp từ 1/1/2016 tạo sức ép không nhỏ tới doanh nghiệp. Doanh nghiệp phải tính toán chi phí trong điều kiện hội nhập, như giá cả sản phẩm vốn đã được ấn định trước đó trên thị trường. Chi phí “đầu vào” tăng lên mà không tăng được chi phí “đầu ra” thì nhiều doanh nghiệp lựa chọn việc có lợi nhuận.
Một số doanh nghiệp phải tính tới bài toán “cắt giảm” lợi nhuận và ảnh hưởng tới quyền lợi của người lao động. Đây là một mâu thuẫn lớn giữa chi phí và lợi nhuận. Một mặt, chính sách nhằm điều chỉnh theo hướng ngày càng đảm bảo quyền lợi, đời sống của người lao động. Mặt khác, giới chủ cũng phải tính toán bảo đảm lợi nhuận trong tương quan tăng các chi phí khác”.
Hoàng Mạnh thực hiện