Lương tối thiểu vùng 2017: “Nóng dần” bởi đánh giá, khảo sát của các bên
(Dân trí) - Ngày 8/3, Bộ LĐ-TB&XH vừa yêu cầu các địa phương đánh giá việc doanh nghiệp thực hiện lương tối thiểu vùng 2016. Trước đó, Tổng LĐLĐ VN đã đôn đốc các cấp công đoàn báo cáo công tác giám sát việc áp dụng lương tối thiểu vùng năm 2016. VCCI cũng đang dự định khảo sát trong tháng 4 để có số liệu chuẩn bị cho đối thoại tăng lương 2017.
Công văn gửi UBND các tỉnh, thành do Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Phạm Minh Huân ký hôm 8/3 đề nghị tăng cường đôn đốc các doanh nghiệp trên địa bàn thực hiện các quy định tối thiểu về lương tối thiểu vùng năm 2016.
Theo đó, các địa phương tổ chức cần tìm hiểu điểm được hoặc chưa được, nguyên nhân và cách thức điều chỉnh mức lương trong thang lương, bảng lương theo HĐLĐ của người lao động tại các mô hình doanh nghiệp. Tổng hợp số liệu về tình hình thực hiện lương tối thiểu vùng của các doanh nghiệp. Số thực hiện cao hơn, thấp hơn theo vùng và loại hình doanh nghiệp.
Trong trường hợp có đề xuất điều chỉnh vùng, Bộ LĐ-TB&XH yêu cầu: Sở LĐ-TB&XH phối hợp với các LĐLĐ địa phương và Chi nhánh Phòng Thương mại và công nghiệp VN để trao đổi với Ban quản lý khu chế xuất, khu công nghiệp (nếu có), các Hiệp hội nghề nghiệp, các doanh nghiệp đóng trên địa bàn.
Trao đổi với PV Dân trí, Thứ trưởng Phạm Minh Huân cho biết: Dự kiến cuối tháng 3 hoặc đầu tháng 4, Hội đồng tiền lương Quốc gia sẽ có chương trình khảo sát đánh giá cho "mùa" tăng lương tối thiểu vùng 2017, cụ thể: Đánh giá các yếu tố để tính mức sống tối thiểu của người lao động, khảo sát thực tế tình hình thu nhập của người lao động, đánh giá tác động của chính sách tiền lương đối với cuộc sống người lao động.
Liên quan tới việc đánh giá lương tối thiểu và bảo hiểm xã hội, Bộ LĐ-TB&XH đang có nhiều cuộc gặp gỡ để tiếp thu ý kiến về tiền lương, bảo hiểm xã hội từ phía các Tổng công ty, doanh nghiệp trong nước và FDI có sử dụng đông lao động và hoạt động trong các lĩnh vực dệt may lắp ráp điển tử tại Thái Nguyên, Ninh Bình và Hưng Yên…
Các thông tin tiếp thu có thể là nguồn bổ sung chuẩn bị cho đợt đối thoại tăng lương tối thiểu vùng 2017 vào quý 3/2016. Theo đó, Bộ LĐ-TB&XH đứng ở vai trò đại diện Nhà nước, Tổng LĐLĐ VN đại diện cho người lao động và Phòng TN&CN VN (VCCI) đại diện cho giới chủ.
Trao đổi với PV Dân trí sáng 9/3, một đại diện của VCCI cho biết kế hoạch khảo sát tình hình tiền lương tối thiểu trong doanh nghiệp vào đầu tháng 4 nhằm đánh giá khả năng “chịu đựng” của doanh nghiệp khi tăng lương tối thiểu vùng 2017.
Trong một diễn biến liên quan, trước đó, ông Mai Đức Chính - Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ VN, đã có công văn gửi các LĐLĐ tỉnh, thành phố, công đoàn ngành Trung ương và các Tổng Công ty về việc tăng cường giám sát việc thực hiện Nghị định 122/2015/NĐ-CP của Chính phủ về mức lương tối thiểu vùng năm 2016.
Theo đó, Tổng LĐLĐ VN đề nghị các đơn vị thành viên lưu ý là việc cần nghiên cứu, nắm rõ nội dung Nghị định số 122/2015/NĐ-CP của Chính phủ.
Đặc biệt lưu ý khi thực hiện mức lương tối thiểu vùng 2016 quy định tại Nghị định 122/2015/NĐ-CP, doanh nghiệp không được xóa bỏ hoặc cắt giảm các chế độ tiền lương khi người lao động làm thêm giờ, làm việc vào ban đêm, làm việc trong điều kiện lao động, nặng nhọc, độc hại và các chế độ khác theo quy định của pháp luật lao động...
Tổng LĐLĐ VN cũng yêu cầu các công đoàn cần tăng cường phối hợp với các cơ quan chức năng trên địa bàn tham gia thanh tra các tranh chấp lao động liên quan đến việc thực hiện NĐ 122/2015/NĐ-CP, nắm rõ cách thức doanh nghiệp triển khai thực hiện việc điều chỉnh mức tiền lương tối thiểu vùng theo NĐ 122/2015/NĐ-CP, như: Đối tượng được điều chỉnh (toàn bộ người lao động, một nhóm người hoặc chỉ những người có mức lương thấp hơn mức lương tối thiểu vùng); mức tiền lương được điều chỉnh (tỷ lệ % hoặc số tiền tuyệt đối); thời gian điều chỉnh; tỷ lệ doanh nghiệp trên địa bàn thực hiện việc điều chỉnh và những vấn đề phát sinh khác trong quá trình triển khai, thực hiện Nghị định 122/2015/NĐ-CP.
Dự báo về “mùa” tăng lương tối thiểu vùng 2017, Thứ trưởng Phạm Minh Huân cho rằng sẽ có nhiều khó khăn khi tìm kiếm đồng thuận của các bên. “Các bên cần tăng cường đối thoại để tìm ra giải pháp hài hòa. Một mặt nâng dần đời sống của người lao động, mặt khác tính tới yếu tố khả năng thực tế doanh nghiệp. Thậm chí, chúng ta phải tính thêm yếu tố cạnh tranh quốc gia. Nếu hội nhập mà năng suất lao động thấp thì rất nguy hiểm”.
Hoàng Mạnh