Lương tối thiểu đang thấp hơn mức sống tối thiểu gần 1 triệu đồng
(Dân trí) - “Kết quả khảo sát cho thấy, mức lương người lao động thực nhận cao hơn tiền lương ghi trong hợp đồng từ 10 - 14% tuỳ theo từng vùng. Đây là căn cứ để Tổng LĐLĐ VN đề xuất mức tăng lương tối thiểu vùng năm 2016 trên 16 % mà không bị ảnh hưởng tới doanh nghiệp”.
Ông Đặng Quang Hợp - Trưởng phòng Nghiên cứu khoa học (Viện Công nhân Công đoàn, Tổng LĐLĐ VN) - trao đổi với báo chí sáng 13/8 về kết quả cuộc khảo sát lương mới được Tổng LĐLĐ VN thực hiện.
Theo Tổng LĐLĐ VN, qua 1.600 phiếu hỏi với người lao động, các chỉ tiêu được đưa ra đã “tái dựng” khá đầy đủ về đời sống của người lao động trong cuộc sống hiện tại, như: Tác động lương, thu nhập hiện tại, việc tham gia BHXH, mức chi tiêu tối thiểu...
Bất cập mức sống, mức lương tối thiểu
Về mức sống tối thiểu, nhóm khảo sát đã phát hiện ra những bất cập trong quá trình triển khai. Theo ông Đặng Quang Hợp, khi tính toán mức sống tối thiểu đã cho những sai số đáng tiếc.
“VCCI cho rằng hệ số nuôi con chỉ bằng 0,5 của người lớn. Bộ LĐ- TB&XH và Bộ phận kỹ thuật (Tổng cục thống kê) đã sử dụng số liệu 2012, nhưng khi tính lũy tiến cho các năm sau chỉ tính bù trượt giá mà không tính thêm năng suất lao động xã hội tăng thêm do phát triển kinh tế mà người lao động đương nhiên cần được hưởng lợi” - ông Đặng Quang Hợp nói.
Theo Tổng LĐLĐ VN, mức sống tối thiểu của người lao động năm 2015 theo 4 vùng cần được nhìn nhận ở mức sau: Vùng I: 4.006.000 đồng, Vùng II: 3.457.000 đồng, vùng III: 3.003.000 đồng, Vùng IV: 2.793.000 đồng.
Về mức tiền lương của người lao động. Kết quả khảo sát cho thấy, tiền lương trung bình (theo thời gian và khoán sản phẩm theo giờ chuẩn quy định) đang được các doanh nghiệp trả là 3.817.000 đồng/người/tháng.
Theo đó, vùng I có mức trả lương khoảng 4.369.000 đồng/người/tháng; vùng II: 3.860.000 đồng/người/tháng, vùng III: 3.811.000 đồng/người/tháng và vùng IV: 3.225 ngàn đồng/người/tháng.
Nhóm khảo sát khẳng định, mức lương người lao động thực nhận trên cao hơn tiền lương ghi trong hợp đồng, làm căn cứ để đóng bảo hiểm cho người lao động đạt từ 10 - 14% tuỳ theo từng vùng.
Dự báo nhu cầu sống tối thiểu của người động năm 2016 và năm 2017
(Nguồn: Tổng LĐLĐ VN)
Như vậy, nhu cầu sống tối thiểu ở vùng 1 đã cao hơn mức lương tối thiểu (3.100.000 đồng) gần 1.000.000 đồng.
Khoản đóng thêm BHXH không nhiều?
Một phản biện của phía Tổng LĐLĐ VN đưa ra về việc đóng BHXH của VCCI. Theo đó, đại diện giới sử dụng lao động cho rằng năm 2016 khi Luật BHXH mới có hiệu lực, người sử dụng lao động phải đóng thêm 24% của các khoản phụ cấp tăng thêm. Năm 2018, họ sẽ phải đóng thêm cho các “khoản bổ sung khác” ngoài tiền lương theo quy định của điều 90, Bộ Luật Lao động.
Tuy nhiên, ông Đặng Quang Hợp nhận định: “Theo cơ quan Bảo hiểm xã hội VN, đến thời điểm này chưa có hướng dẫn nào quy định đến ngày 01/01/2016 doanh nghiệp phải đóng BHXH bao gồm tiền lương và phụ cấp. Chỉ có quy định trong Luật BHXH đến 01/01/2018, tiền lương làm cơ sở đóng BHXH là tiền lương tính theo quy định của Điều 90, Bộ luật Lao động”.
Khảo sát trong tháng 4-5, với 60 doanh nghiệp tại 10 tỉnh, thành phố, thuộc 4 vùng lương. Các doanh nghiệp được khảo sát chủ yếu thuộc các loại hình doanh nghiệp trong các ngành dệt may, giày da, xây dựng, giao thông vận tải, cơ khí, điện tử, chế biến nông lâm thuỷ sản...
Ông Đặng Quang Hợp khẳng định thêm, khoản đóng BHXH này phát sinh không nhiều, các khoản phụ cấp trách nhiệm và độc hại đã được đóng từ trước; phụ cấp còn lại chủ yếu đó là tiền chuyên cần, hỗ trợ đi lại, nhà ở, nuôi con nhỏ... nhưng tỉ lệ người được hưởng và số tiền hưởng không cao.
“Theo kết quả khảo sát các khoản này, trung bình mỗi người chỉ đạt 209.000 đồng, và lúc đó mức tăng bảo hiểm của khoản đóng thêm này chi khoảng 1,9%. Chưa nói đến việc nếu không kiểm soát tốt thì các khoản trợ cấp, phụ cấp sẽ teo lại nhường chỗ cho các khoản thưởng và chi không thường xuyên” - ông Đặng Quang Hợp nói.
62% không có tiền tiết kiệm
Về thực trạng chi tiêu, Theo kết quả khảo sát về mức sống tối thiểu vùng của người lao động trong các doanh nghiệp năm 2015, cho thấy mức chi tiêu trung bình của người lao động (có nuôi con, tại các ngành nghề, lĩnh vực khảo sát) là 4.247 ngàn đồng/tháng, tăng 3,6% so với năm 2014.
So sánh giữa thu nhập và chi tiêu, người lao động cho biết, cuộc sống của họ còn nhiều khó khăn. Kết quả như sau: Hơn 19,9% người lao động được hỏi đã trả lời thu nhập “không đủ sống”; 31,3% phải chi tiêu tằn tiện và rất tiết kiệm; 40,7% vừa đủ trang trải cho cuộc sống; chỉ có 8,0% cho biết có dư dật và có tích luỹ.
Có 62,2% người lao động trả lời “không có tiền tiết kiệm”; 37,8% trả lời “có” tiền tiết kiệm, nhưng số tiền không cao. Cụ thể: mức tiết kiệm hàng tháng của người lao động dưới 500 ngàn đồng là 10,7%; từ 500 ngàn – 1 triệu đồng là 10,2%; từ 1 – 2 triệu đồng là 7,4%; từ 2 – 3 triệu đồng là 4,2% và trên 3 triệu đồng/tháng là 4,9%...
Thay mặt nhóm khảo sát, ông Đặng Quang Hợp đề xuất, Chính phủ cần khẳng định lộ trình điều chỉnh lương tối thiểu bảo đảm mức sống tối thiểu vào năm 2017.
Theo tinh thần Kết luận số 63 – KL/TW ngày 27/5/2013 của Hội nghị TW 7, khoá XI “từng bước điều chỉnh tiền lương tối thiểu vùng phù hợp với tình hình sản xuất, kinh doanh và nhu cầu tối thiểu của người lao động”.
“Về tính toán, Bộ phận kỹ thuật và các bên trong Hội đồng tiền lương Quốc gia cần xem xét và thống nhất lại cách tính toán mức sống tối thiểu, lựa chọn cách thu thập và xử lý thông tin, khắc phục hạn chế mà chuyên gia ILO đã chỉ ra.
Định kỳ 3 hoặc 5 năm tổ chức khảo sát thực tế, hoặc đặt hàng các cơ quan chuyên môn (Tổng Cục Thống kê) đảm bảo có kết quả tin cậy và định kỳ hàng năm công bố để các bên cùng lấy đó làm cơ sở đàm phán, tránh hiểu nhiều bộ số như hiện nay” - ông Đặng Quang Hợp nói.
Một trong 3 phương án đề xuất mức lương tối thiểu vùng năm 2016 của Tổng LĐLĐ VN, theo đó mức tăng từ 350.000 – 550.000 đồng. Đơn vị: 1000 đồng
Hoàng Mạnh