1. Dòng sự kiện:
  2. Thực hành chữ "S" trong ESG

TPHCM:

Lương tối thiểu 2021: Người trong cuộc nói gì?

(Dân trí) - Trước tình hình dịch Covid-19 còn diễn biến phức tạp, nhiều doanh nghiệp mong được tạm ngừng kế hoạch tăng lương tối thiểu năm 2021 để ổn định sản xuất. Nhưng về lâu dài, người lao động sẽ gặp khó.

Doanh nghiệp than khó

Trao đổi về việc điều chỉnh lương tối thiểu năm 2021, ông Lê Gia Thức - Phó Tổng Giám đốc công ty Đối Tác Chân Thật (TPHCM) - cho rằng, tăng lương trong thời gian này chưa thực sự phù hợp.

Điều chỉnh mức lương là việc hết sức hệ trọng của doanh nghiệp nên cần phải dựa vào thực trạng thị trường để điều chỉnh.

Doanh nghiệp mong tạm ngưng tăng lương tối thiểu 2021

Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, công ty phải cho nhân viên, công nhân nghỉ ở nhà chờ việc. Một số nhân viên phải làm việc tại nhà nên chỉ nhận được khoảng 75% lương tối thiểu. Đời sống người lao động cũng vì vậy bị ảnh hưởng. 

"Hoạt động của doanh nghiệp chưa hồi phục, doanh thu không đạt nên tạm thời mức lương hiện tại là phù hợp. Điều này sẽ giảm áp lực cho doanh nghiệp để duy trì hoạt động và phát triển trở lại", ông Lê Gia Thức chia sẻ.

Ông Thức cho rằng, nếu tăng lương, doanh nghiệp khó hồi phục nhanh được.

Lương tối thiểu 2021: Người trong cuộc nói gì? - 1

Nhiều doanh nghiệp cũng bị giảm lương sau thời gian giãn cách. 

Theo ông Thức, doanh nghiệp luôn đồng hành cùng công nhân và các chính sách của Nhà nước. Tuy vậy, doanh nghiệp cũng mong không bị áp lực để công tác hồi phục sản xuất sau dịch được nhanh, bền vững. Việc tăng lương tối thiểu nên đợi đến khi hàng hóa lưu thông bình thường, hoạt động sản xuất doanh nghiệp ổn định.

"Tôi kiến nghị tạm ngừng tăng lương để doanh nghiệp có điều kiện tốt hồi phục. Điều này không chỉ giảm áp lực cho doanh nghiệp mà còn các ngành liên quan. Các đối tác cũng dễ dàng chia sẻ hơn để duy trì sản xuất, duy trì mức sống của xã hội", ông Thức nêu rõ.

Lương tối thiểu 2021: Người trong cuộc nói gì? - 2

Hoạt động logistics vẫn chưa thể hồi phục do xuất nhập khẩu chưa bình thường trở lại. 

Cũng giống như ông Thức, ông Huỳnh Bảo Toàn - Giám đốc doanh nghiệp gỗ tại quận 12 - cho biết, ông rất đồng tình với kiến nghị tạm ngừng tăng lương tối thiểu năm 2021. Việc này thể hiện sự đồng lòng của Nhà nước, doanh nghiệp và người lao động.

"Tăng lương đối với những doanh nghiệp đang khó khăn như chúng tôi quả thực nan giải. Nhiều doanh nghiệp có thể vì áp lực tăng lương dẫn đến hệ lụy xấu. Tôi mong được tạm ngừng tăng lương để có thêm kinh phí, nhân lực ổn định hoạt động kinh doanh", ông Toàn nêu rõ.

Lương tối thiểu 2021: Người trong cuộc nói gì? - 3

Nhiều công nhân bị giảm lương, chờ việc khiến đời sống rất khó khăn. 

Cần công bằng với người lao động

Trái ngược với ý kiến trên, ông Nguyễn Phước Đại - Chủ tịch Công đoàn công ty TNHH Juki Việt Nam cho rằng, không nên để công nhân phải chịu thiệt.

"Người lao động ai cũng muốn tăng lương để đảm bảo cuộc sống. Họ đang phải chật vật chống chọi với hoàn cảnh khó khăn. Các khu nhà trọ vẫn đang tăng giá, giá cả sinh hoạt vẫn tăng hàng ngày", ông Đại phân tích.

Công đoàn mong doanh nghiệp công bằng với người lao động

Theo ông Đại, doanh nghiệp cứ khó khăn là đẩy người lao động ra đường, kêu gọi họ phải chịu thiệt là rất vô lý. Nếu không tăng lương, người lao động càng khó khăn hơn.

Lương tối thiểu 2021: Người trong cuộc nói gì? - 4
Vấn đề tăng lương tối thiểu sẽ giúp người lao động có thêm một khoản chi phí.

Ông Đại cho rằng, việc xem xét tạm ngừng tăng lương vùng 2021 cần phải dựa vào quan hệ giữa người lao động và doanh nghiệp. Hãy nhìn cách doanh nghiệp đối xử với công nhân ra sao. Rất nhiều doanh nghiệp vừa gặp khó khăn đã sa thải hàng loạt công nhân. Như vậy rất thiếu công bằng với công nhân.

"Chia sẻ cũng ở một mức độ nào đó để dung hòa quyền lợi của người lao động và doanh nghiệp. Công nhân giờ bị giảm lương, chờ việc. Nếu không may họ bị sa thải thì sẽ là gánh nặng rất lớn cho xã hội", ông Đại phân tích thêm.

Cũng theo ông Đại, việc các doanh nghiệp cần làm lúc này là tăng năng suất lao động để đảm bảo quyền lợi cho người lao động. Các doanh nghiệp cũng cần phải thể hiện đạo đức kinh doanh trong thời điểm này.

Đồng thời, các doanh nghiệp hãy nghĩ đến việc hỗ trợ công nhân nhiều hơn nữa. Nếu công nhân ổn định, doanh nghiệp mới có thể phát triển.

Lương tối thiểu 2021: Người trong cuộc nói gì? - 5

Anh Long cho rằng nếu giá cả thị trường không tăng thì lương không tăng cũng có thể chấp nhận được. 

Về phía người lao động, khi được khảo sát cũng có nhiều ý kiến trái chiều về việc tạm ngừng tăng lương tối thiểu 2021. 

"Lên lương thì công nhân sẽ vui. Nếu các mặt hàng không tăng thì mức lương không tăng cũng tạm được. Tăng lương thì mình sẽ đóng thêm bảo hiểm xã hội, đóng thuế...", anh Nguyễn Văn Long (công nhân cơ khí) chia sẻ.

Tuy vậy, theo anh Long, nếu mức lương không tăng nhưng giá cả tiếp tục tăng cũng sẽ gây nhiều khó khăn cho công nhân. Công nhân luôn đồng hành cùng công ty nhưng cũng tùy thời điểm, hoàn cảnh. 

Trong khi đó, chị Nguyễn Thị Huyền My (công nhân may tại Long An) cho rằng cần tiếp tục tăng lương tối thiểu cho công nhân. 

"Công nhân tụi em làm mỗi tháng trừ chi phí sinh hoạt, nuôi con cái, tiền phòng trọ ra thì gần như không còn gì. Hai vợ chồng em đều là công nhân. Nếu được tiếp tục tăng lương thì thì đời sống sẽ bớt cực khổ", chị My cho hay. 

Xuân Hinh