Lương tăng nhanh hơn năng suất lao động: Xoay trong thế khó

Vấn đề của cải cách tiền lương là làm tăng khối lượng miếng bánh nhưng phải giảm được người ăn bánh thì cải cách tiền lương mới thành công

Báo cáo thường niên kinh tế Việt Nam 2018 của Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR) vừa chỉ ra một mâu thuẫn "lương tăng nhanh hơn năng suất lao động".

Cụ thể báo cáo này cho rằng, tốc độ tăng lương trung bình năm 6,7%, trong khi năng suất lao động là 5%, trong giai đoạn 2004-2015.

Nêu quan điểm về việc này, PGS.TS Mạc Văn Tiến, Viện Nghiên cứu Khoa học dạy nghề, Bộ LĐ-TB-XH cho biết, đây là thực tế không mới và được nhắc đi, nhắc lại trong nhiều năm gần đây.

Việt Nam nhích lên 1, thế giới đã tiến đến 3

Theo ông Tiến, thực tế trên xuất phát từ thực trạng mức lương tối thiểu của Việt Nam thấp, nên khi xảy ra lạm phát thì lại phải đồng loạt tăng lương để bảo đảm mức sống tối thiểu cho người lao động.

Điều này rất đáng lo ngại, vì năng suất lao động tăng mới tạo ra nhiều của cải vật chất, giúp giảm giá thành sản phẩm, giảm số người làm, tích lũy nhiều hơn cho quỹ tiền lương. Việc này cho phép tạo điều kiện tăng qui mô và tốc độ của tổng sản phẩm xã hội và thu nhập quốc dân, cho phép giải quyết các vấn đề tích luỹ tiêu dùng.

Ngược lại, nếu "miếng bánh thu nhập" không lớn lên, mà lương vẫn phải tăng thì buộc chúng ta phải gặm dần vào miếng bánh tích lũy, nguồn lực đầu tư phát triển bị ăn mòn, mọi chi phí xã hội phải chắt bóp, tiết kiệm để chi trả lương cho người lao động; triệt tiêu dần động lực tăng trưởng của nền kinh tế.

Năng suất lao động Việt Nam thua cả Campuchia. Ảnh minh họa
Năng suất lao động Việt Nam thua cả Campuchia. Ảnh minh họa

Mặt khác, năng suất lao động/đầu người của Việt Nam hiện rất thấp, thấp hơn cả Campuchia. Tình trạng này khiến khoảng cách về năng suất lao động của Việt Nam với các nước như Singapore, Thái Lan... ngày càng bị cách xa.

"Nếu vẫn cứ luẩn quẩn trong vòng cải cách tiền lương - tăng năng suất lao động thì Việt Nam cứ tiến được một bước thì thế giới đã đi được ba bước, Việt Nam tăng được 3-4% cũng không đuổi kịp được Singapore chỉ tăng 1%. Vì thế, kỳ vọng có thể đuổi kịp được năng suất lao động của Singapore là ảo tưởng, khó có thể thực hiện được nếu cơ chế cải cách tiền lương không được thực hiện quyết liệt", PGS Mạc Văn Tiến phân tích.

Cũng thừa nhận năng suất lao động của Việt Nam hiện còn thấp hơn cả Campuchia, GS.TS Đặng Đình Đào cho rằng, sự thua kém đó thể hiện ở cả mặt chất lượng tăng trưởng và số lượng tăng trưởng.

Chỉ ra hàng loạt nguyên nhân tác động khiến năng suất lao động Việt Nam bị thua kém các nước, vị GS cho biết:

Thứ nhất, về cơ sở hạ tầng ngành dịch vụ và ngành sản xuất đều lạc hậu, kỹ thuật hạn chế, trang thiết bị, máy móc phục vụ sản xuất lạc hậu, chủ yếu là công nghệ Trung Quốc; logistic không phát triển, rời rạc... không bảo đảm được cả về hiệu quả, chất lượng và thời gian sản xuất ra một sản phẩm.

Thứ hai, chất lượng nguồn nhân lực hạn chế, lao động có tay nghề thấp, thiếu kỹ năng, thiếu nghiệp vụ, ý thức tổ chức kỷ luật kém... đây cũng là nguyên nhân khiến năng suất lao động Việt Nam giảm.

Thứ ba, môi trường làm việc ở cả ngành dịch vụ, ngành sản xuất và các ngành khác cũng có nhiều bất cập.

Thứ tư, các chính sách vĩ mô cũng tác động rất lớn tới năng suất lao động. Đặc biệt là cơ chế tổ chức, sắp xếp bộ máy quản lý hành chính, việc phân bổ nguồn lực, khâu tuyển chọn người tài, cơ chế chi trả tiền lương.. tất cả đều là nhân tố tác động không nhỏ tới sự phát triển chung của nền kinh tế.

"Nếu nhìn toàn diện từ những khía cạnh này, rõ ràng nếu nói rằng 7 người Việt Nam làm việc không bằng 1 người Singapore là không sai.

Vấn đề là chúng ta phải nhận thức đầy đủ để có giải pháp phù hợp. Thời gian qua, chúng ta tập trung tất cả để đẩy GDP, theo tôi là chưa đúng hướng, không thể thay đổi được thực tế, không cải thiện được hiệu quả sản xuất", GS Đặng Đình Đào chỉ rõ.

Phải giảm người ăn bánh

Từ việc không cải thiện được năng suất lao động thì sẽ tác động tới chính sách tiền lương. Theo PGS.TS Mạc Văn Tiến, sự tác động tiêu cực từ chính sách tiền lương sẽ gây ảnh hưởng rất lớn tới đời sống của người lao động.

Vị PGS cho biết, trong Đề án cải cách tiền lương trình Hội nghị Trung ương 7 lần này, cũng đưa ra nhiều điểm mới, trong đó có bỏ cách tính lương theo hệ số, thay vào đó là quy định về số tuyệt đối trong thang, bảng lương; xác định mức lương tối thiểu là mức sàn thấp nhất và được luật hoá. Ngoài ra, dự thảo Đề án quy định thêm mức lương tối thiểu giờ; bãi bỏ sự can thiệp của Nhà nước vào thang, bảng lương của doanh nghiệp, tiến tới liên thông giữa tiền lương khu vực công và tư.... đây cũng là một điểm mới đáng ghi nhận.

Tuy nhiên, vị PGS cho rằng, việc cải cách tiền lương phải gắn với mô hình tổ chức xã hội mới mang lại hiệu quả.

"Nếu không tinh giảm được biên chế, quỹ tiền lương chi trả nuôi bộ máy hành chính sự nghiệp vẫn quá lớn như vậy thì rất khó mang lại hiệu quả.

Tôi lại nhắc lại, vấn đề của cải cách tiền lương là làm tăng khối lượng miếng bánh nhưng phải giảm được người ăn bánh thì cải cách tiền lương mới thành công", PGS Tiến nói.

Theo Lam Nguyên/Báo Đất Việt