Lương ngành Hot không đủ sống
Chưa bao giờ xin việc khó như bây giờ, chưa bao giờ thu nhập của các ngành "hot" lại hẻo đến thế. Rất nhiều tân cử nhân, những người mới mất việc tìm đường quay về quê hương, khi không trụ được ở các thành phố lớn.
70 triệu đồng và 2 triệu đồng
Ngày nhận giấy báo trúng tuyển vào Học viện Ngân hàng, gia đình Trần Thị Ngọc Anh dành hơn 20 triệu đồng để làm cỗ, khao con đỗ đại học. Ước mơ được trở thành nhân viên mặc đồng phục đẹp như trong phim, làm trong những văn phòng điều hòa mát lạnh và tiền thưởng cao ngất vào mỗi dịp cuối năm của Ngọc Anh sắp trở thành hiện thực. Năm 2006, Ngọc Anh nhập trường. Thời điểm ấy, ngân hàng, chứng khoán đang là đỉnh "hot" của những ai 18 tuổi mà lại học tốt khối D, A.
Học đến năm thứ tư, dù còn 3 - 4 tháng nữa mới ra trường, cả lớp Ngọc Anh rào rào nộp đơn xin việc. Dù chưa có bằng nhưng sinh viên ngành Tài chính - Ngân hàng chỉ cần nộp hồ sơ có kèm bảng điểm, có xác nhận của trường là sinh viên năm cuối.
Có những bạn cùng lớp với Ngọc Anh rải thảm hồ sơ từ ngân hàng ở Thủ đô đến các chi nhánh ở địa phương quê mình. Ngọc Anh nộp 6 bộ và tháng 5/2010, cô chính thức đi làm ở một công ty chứng khoán.
Chứng khoán năm 2010 đã quen với cảnh đìu hiu chợ chiều. Những ngày đầu, lương thử việc của Ngọc Anh chỉ chừng hơn 2 triệu đồng. Tháng đầu tiên, Ngọc Anh nhận lương, một nhân viên cùng phòng bảo: "Tệ thật, tháng lương đầu tiên của anh năm 2007 là 70 triệu đồng". Gia đình ở quê của Ngọc Anh tiếp tục "cứu trợ" cho con gái, ngay cả khi cô đã đi làm được một năm có lẻ.
4 triệu đồng, rồi 1 triệu đồng
Sau hai năm làm việc, lương "cứng" của Ngọc Anh đã được tròn 4 triệu đồng. Với những người làm chứng khoán như Ngọc Anh, có thể trông đợi được vào phần thu nhập từ phí "hoa hồng". Nhưng chứng khoán đang ở thời điểm quá xa xôi với ngày tháng huy hoàng, những nhân viên môi giới không còn có thể tươi cười khi nhận phí "hoa hồng" nữa. Hoặc là nó rất không đáng kể, hoặc là không có.
Với mức lương 4 triệu đồng, Ngọc Anh loay hoay tìm cách chèo chống cuộc sống nơi đô thị. Cô phải dành gần 2 triệu đồng để trả tiền thuê nhà, điện nước cho mình và cả em gái vừa đỗ trường ĐH Kinh tế Quốc dân, học năm thứ nhất cũng ngành Tài chính - Ngân hàng. Số tiền còn lại vẫn không đủ cho tiền ăn, mặc, xăng xe, điện thoại và vô vàn chi phí khác.
Suốt một tháng trời, cả phòng làm việc của Ngọc Anh (14 người) hoang mang vì tin đồn: Sẽ có đợt cắt giảm nhân sự, sáp nhập phòng ban, cơ cấu lại bộ máy trong công ty. Và cuối tháng, 11 người nhận được thông báo cho nghỉ việc khi hết hạn hợp đồng. Nhân viên của phòng Tài chính - Kế toán không quên nhắc nhở Ngọc Anh các giấy tờ và thủ tục để đi đăng ký và lĩnh tiền bảo hiểm thất nghiệp.
Trong 3 tháng tới, Ngọc Anh sẽ chỉ còn mỗi tháng hơn 1 triệu đồng tiền hỗ trợ thất nghiệp để sống. Cô bạn này bắt đầu tính chuyện rao bán laptop và điện thoại di động, đồng thời, cuống cuồng nộp hồ sơ xin việc nhưng không nơi nào gửi lại cô gái của ngành hot này một thông điệp gì khác ngoại trừ... cái lắc đầu.
Ngọc Anh nói rằng, những người “tiền bối” của mình cũng không có gì tươi vui hơn. Một chị làm ở bộ phận tín dụng vừa nhận quyết định nghỉ việc sau đợt sát hạch nhân sự. Lương của chị này là 5 triệu đồng/tháng, cũng không đủ cáng đáng nổi cuộc sống, nhất là khi nuôi con nhỏ.
Chị đang phải làm thêm mỗi tối bằng việc bán hàng đa cấp. Một cậu bạn không xoay xở nổi với mức lương hơn 3 triệu đồng, không doanh thu thêm, không thưởng của Công ty nên đành khăn gói trở về Yên Bái. Cậu này nói, vì ở Yên Bái nhà cậu mặt phố nên bố mẹ dự định sẽ mở giùm cậu một cửa hàng tạp hóa.
Công việc này dự tính sẽ mang lại thu nhập tốt hơn cho một nhân viên chuyên về tài chính, ngân hàng như cậu khi ở Hà Nội. Một bạn khác bị sếp ép viết đơn xin nghỉ việc trước thời hạn, bây giờ đang loay hoay tra cứu lại Bộ luật Lao động xem có thể kiện tụng bằng cách nào.
2.000 người và nhiều hơn 2 vạn người.
Theo một nhân viên của Trung tâm Giới thiệu việc làm Hà Nội, chỉ trong một tháng, danh sách người đăng ký nhận trợ cấp thất nghiệp là gần 2.000 người. Trong danh sách, số lượng nhân viên ngân hàng, công ty chứng khoán chiếm một lượng không nhỏ.
Có những đơn vị cắt giảm nhân sự, sáp nhập phòng ban trong cùng một thời điểm nên có đến hơn 30 người trong danh sách người thất nghiệp đến đăng ký cùng một lúc. Và có những phần trong danh sách dành trọn vẹn cho toàn bộ nhân viên của cả một công ty phá sản. Trong năm 2012, số lượng người đăng ký bảo hiểm thất nghiệp dự tính hơn 2 vạn người.
Theo Sinh Viên Việt Nam