Sinh viên Việt Nam mất nhiều cơ hội việc làm vì ngoại ngữ kém

Đây là ý kiến của một số nhà tuyển dụng lớn trong nước đánh giá về trình độ nguồn năng lực lao động Việt Nam tại Ngày hội nghề nghiệp sinh viên - nhân lực trẻ TPHCM năm 2015 diễn ra ngày 20.6.

Ngày hội nghề nghiệp sinh viên - nhân lực trẻ TPCHM giúp sinh viên tìm việc làm tốt.
Ngày hội nghề nghiệp sinh viên - nhân lực trẻ TPCHM giúp sinh viên tìm việc làm tốt.
Ngày hội nghề nghiệp sinh viên - nhân lực trẻ TPHCM năm 2015 diễn ra ngày 20.6, tại Trường đại học kinh tế TP.HCM với chủ đề Nhân lực Việt - Tự tin hội nhập Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC).

Trong ngày hội việc làm đã tổ chức đối thoại giữa các chuyên gia kinh tế trong nước cũng như các chuyên gia kinh doanh của các nước trong khu vực về vấn đề tuyển dụng của các công ty, tập đoàn hiện nay giúp các bạn sinh viên trẻ hiểu rõ hơn cơ hội và thách thức trong quá trình xin việc.

Chia sẻ về điều kiện tuyển dụng hiện nay, bà Nguyễn Thị Hồng Hạnh - Phó tổng giám đốc chuỗi cung ứng - Công ty TNHH nước giải khát Suntory PepsiCo Việt Nam, nhận định: “Trong 10 nước tham gia ASEAN, có những báo cáo thống kê rằng Việt Nam nằm trong top cuối về trình độ nguồn năng lực lao động rất gần với nhân lực của Lào và Campuchia. Điều này thể hiện ở 3 khía cạnh thứ nhất là khả năng ngoại ngữ, thứ hai là trình độ chuyên môn và thứ ba là phong cách làm việc, kỷ luật”.
Bất lợi của sinh viên Việt Nam khi muốn xin việc trong các công ty đa quốc gia là ngoại ngữ yếu
Bất lợi của sinh viên Việt Nam khi muốn xin việc trong các công ty đa quốc gia là ngoại ngữ yếu
Qua trao đổi, các chuyên gia kinh doanh đều có chung ý kiến những điểm yếu của nhân lực trẻ được kể trên là một đánh giá cảnh báo, nhắc nhở sinh viên Việt về những thách thức khi đối mặt với các nhà tuyển dụng đa quốc gia. Tuy nhiên, chúng ta vẫn có những yếu tố tích cực khi Việt Nam đang là nước xuất khẩu rất nhiều lao động sang các nước khác trong khối ASEAN, ví dụ như những ngành mang tính chân tay hoặc về xây dựng mà một số nước đang cần nhiều những nguồn nhân lực này.

Bà Nguyễn Ngọc Kim Hằng - Giám đốc tuyển dụng và đào tạo của PNJ ở khu vực Đông Nam Á - phân tích sâu về thế mạnh và điểm yếu của các bạn sinh viên vừa tốt nghiệp Đại học: “Một số nước trong khu vực ASEAN tiếng Anh là ngôn ngữ chính, họ sử dụng ở tất cả mọi nơi trong trường học và ngay cả ở nhà, họ sử dụng ngoại ngữ để chuyển tải và làm việc rất hiệu quả. Khi bạn làm việc trong môi trường đa quốc gia thì tiếng Anh rất quan trọng giúp các bạn nâng vị thế của mình lên. Đó là một lợi thế cạnh tranh rất là lớn mà theo nhận định của cá nhân tôi sinh viên Việt Nam chưa có lợi thế đó”.

Ngoài ra, bà Hằng còn nhấn mạnh sinh viên của các nước khác tham gia hoạt động ngoại khóa rất nhiều, qua đó họ được một số trải nghiệm và rèn luyện kỹ năng mềm như khả năng làm việc nhóm, khả năng lãnh đạo và khả năng giao tiếp trước đám đông còn sinh viên Việt Nam chưa thực sự nghiêm túc trong điều này.

Khi tham gia Cộng đồng kinh tế ASEAN nguồn nhân lực Việt Nam có cơ hội việc làm lớn. Một số nước như Singaope hay Malaysia thị trường đã khá ổn định còn thị trường Việt Nam đang nổi lên vì thế chúng ta cần khắc phục những điểm yếu trên để tạo cơ hội cho chính mình.

Ngày hội đã đón tiếp hàng ngàn lượt sinh viên từ các trường Đại học và Cao đẳng trên địa bàn TP.HCM đến gặp gỡ, giao lưu với 36 nhà tuyển dụng hàng đầu thuộc nhiều lĩnh vực: tài chính - ngân hàng, chứng khoán, kinh doanh bất động sản, vật liệu xây dựng, tư vấn đầu tư, kế toán, kiểm toán, thuế, pháp lý, cho thuê tài chính, kinh doanh thương mại, xuất nhập khẩu nông sản, dịch vụ, bưu chính viễn thông, bảo hiểm, giáo dục, hàng tiêu dùng, thực phẩm, dinh dưỡng, dược phẩm…

Theo thông tin từ BTC, các doanh nghiệp đến với chương trình sẽ tuyển dụng gần 5.000 lao động ở hơn 210 vị trí. Đặc biệt, có một số vị trí sẽ không giới hạn số lượng, tạo điều kiện tối đa cho sinh viên có thể tìm kiếm được việc làm.


Theo Báo Lao động