Lương bình quân của lao động nữ thấp hơn nam khoảng 600.000 đồng
(Dân trí) - “Tỷ lệ lao động nữ thất nghiệp chiếm 44 % trên tổng số hơn 1,1 triệu người trong độ tuổi lao động bị thất nghiệp. Lương bình quân hàng tháng của lao động nữ làm công đạt khoảng 4,58 triệu đồng, trong khi đó lương của lao động nam là 5,19 triệu đồng”.
Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung phát biểu tại Cuộc toạ đàm về bình đẳng giới nhân kỷ niệm Ngày quốc tế phụ nữ 8/3. Chương trình do Bộ LĐ-TB&XH tổ chức sáng 3/3/ tại Hà Nội.
Khảo sát của Bộ LĐ-TB&XH năm 2016 cho thấy, cả nước hiện có 53,27 triệu lao động có việc làm (lao động nữ chiếm khoảng 48%), cả nước đã giải quyết việc làm cho khoảng 1,6 triệu lao động (lao động nữ chiếm 48%).
“Việt Nam vẫn tiếp tục duy trì ở nhóm quốc gia có nhiều tiến bộ trong việc giảm mức độ bất bình đẳng giữa nam và nữ trong các lĩnh vực. Theo Báo cáo của Diễn đàn Kinh tế thế giới năm 2016 về mức độ mất cân bằng giữa nam và nữ tại 144 quốc gia, Việt Nam xếp thứ 65/144 quốc gia xếp hạng, thứ 7 tại khu vực Châu Á về thu hẹp khoảng cách giới trong các lĩnh vực” - Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nói.
Tuy nhiên, người đứng đầu ngành LĐ-TB&XH cũng thẳng thắn chỉ ra những bất cập trong việc thực hiện bình đẳng giới tại lĩnh vực lao động việc làm, như: Chất lượng việc làm của lao động nữ còn thấp, tính ổn định và bền vững trong việc làm không cao; lao động nữ chủ yếu làm trong các lĩnh vực có trình độ chuyên môn và thu nhập không cao. Hơn 70 % lao động là nữ giới làm việc trong lĩnh vực dịch vụ, dệt may, da giày.
Theo phân tích của Bộ LĐ-TB&XH, trên phạm vi quốc gia và quốc tế, những tiến bộ khoa học kỹ thuật trong các ngành công nghiệp, nông nghiệp ở một góc độ nào đó vô tình tạo ra thách thức với những lao động làm công việc phổ thông.
Cụ thể, sự tiến bộ của khoa học công nghệ đã giảm nhiều số lượng việc làm của lao động giản đơn và đòi hỏi lao động phải chủ động trải qua đào tạo, có trình độ kỹ thuật cao hơn. Trong nhóm lao động giản đơn, phụ nữ luôn chiếm số đông hơn nam giới.
Ngoài ra, các chính sách tài chính và hiệp định thương mại mới được ký kết đang tạo ra luật lệ và “sân chơi” mới gồm tiêu chuẩn trong lĩnh vực lao động việc làm. Bên cạnh đó, phụ nữ vẫn đang phải chịu nhiều gánh nặng trong công việc chăm sóc không được trả công và công việc nội trợ.
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung chỉ ra căn nguyên: “Thực trạng trên do những rào cản từ quan niệm truyền thống đánh giá thấp khả năng và tiềm năng của phụ nữ. Bên cạnh đó, những yêu cầu cao hơn về trình độ đào tạo, kiến thức, năng lực…đến từ sự thay đổi của thế giới việc làm, trong khi chức năng làm mẹ, chăm sóc con cái và gia đình vẫn luôn được cho là trách nhiệm chủ yếu của phụ nữ. Tất cả những điều này đã ảnh hưởng không nhỏ đến sự tham gia và chất lượng công việc của lao động nữ”.
Thực tế này đòi hỏi các ngành, lĩnh vực cần phải làm gì để hỗ trợ và tạo cơ hội để phụ nữ tự tin hơn trong công việc, nắm bắt những cơ hội việc làm với thu nhập ngang hàng với nam giới trong công việc? Đây là những trăn trở được người đứng đầu ngành LĐ-TB&XH đặt ra với các chuyên gia của hội nghị, qua đó nhằm tìm ra những đồng thuận để quan điểm và giải pháp đề ra trong thời gian tới.
“Từ năm 2016, theo sự phân công của Chính phủ, Bộ LĐ-TB&XH đã được giao quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp với hệ thống gần 2.000 cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Theo đó, công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho lao động nữ, đặc biệt ở khu vực nông thôn sẽ được chú trọng trong thời gian tới, ước có khoảng trên 46% lao động nữ được học nghề theo các đề án, chương trình. Đồng thời, chính sách tín dụng ưu đãi đối với hộ nghèo do phụ nữ làm chủ hộ nhằm giúp họ vươn lên thoát nghèo sẽ tiếp tục được quan tâm hơn...” - Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nói.
Hoàng Mạnh