Luật cho người lao động quyền "mặc kệ sếp" sau giờ làm việc
(Dân trí) - Hàng triệu người ở Australia chính thức được… phớt lờ sếp sau giờ làm việc, nhờ vào luật mới về "quyền được ngắt kết nối".
Ủy ban Công bằng lao động, tòa án quốc gia về quan hệ nơi làm việc của Australia vừa công bố nước này sẽ thực thi luật về "quyền được ngắt kết nối" đối với người lao động, từ ngày 26/8.
Theo đó, luật không nghiêm cấm người sử dụng lao động gọi điện hoặc nhắn tin cho người lao động. Tuy nhiên, luật quy định nhân viên có quyền từ chối theo dõi, đọc hoặc trả lời tin nhắn, cuộc gọi ngoài giờ làm việc. Nơi này vi phạm các quy định mới có thể phải đối mặt với mức phạt lên tới 93.900 AUD (khoảng 1,5 tỷ đồng).
Luật này được các công đoàn và nhóm nhân quyền hoan nghênh. Tuy nhiên, nhiều tổ chức và hiệp hội người sử dụng lao động phản đối vì cho rằng nó có thể gây ảnh hưởng đến năng suất làm việc.
Thượng nghị sĩ Murray Watt, Bộ trưởng Bộ Lao động và Quan hệ nơi làm việc, cho biết: "Vấn đề thật sự chính là nỗ lực mang lại sự cân bằng giữa công việc và cuộc sống cho người lao động.
Luật đảm bảo rằng người lao động không phải làm thêm giờ hoặc phải kiểm tra email, tin nhắn, cuộc gọi mà không được trả thêm đồng lương nào. Trừ khi đó là một tình huống khẩn cấp, nếu không, người sử dụng lao động nên đợi đến ngày làm việc tiếp theo để thông báo cho nhân viên của họ".
Theo một cuộc khảo sát năm 2022, do Trung tâm Công tác Tương lai thuộc Viện Australia thực hiện, cứ 10 người Úc thì có 7 người phải làm việc ngoài giờ. Những người trong số họ cho rằng họ cảm thấy mệt mỏi về thể chất và luôn căng thẳng, lo lắng.
Trong năm 2023, Viện này cũng báo cáo rằng trung bình một người Úc phải làm thêm 281 giờ mà không được trả công. Ước tính với số giờ làm không công ấy, mỗi người lao động đã mất 7.500 USD/năm.
Úc không phải là quốc gia đầu tiên áp dụng chính sách bảo vệ người lao động. Hơn 10 quốc gia, chủ yếu ở Châu Âu và Nam Mỹ, đã ban hành các quyền được ngắt kết nối cho người lao động. Khởi đầu làn sóng này chính là Pháp, được thực thi vào năm 2017.
Không ít quốc gia khác đã và đang nghiên cứu nhiều giải pháp để giải quyết tình trạng làm việc kiệt sức của người lao động, trong đó bao gồm quy định chỉ làm việc 4 ngày/tuần.