1. Dòng sự kiện:
  2. Thực hành chữ "S" trong ESG

Thanh Hoá:

Nỗ lực tìm việc làm cho người lao động sau Covid-19

Bình Minh

(Dân trí) - Do dịch Covid-19 khiến nhiều doanh nghiệp phải tạm ngừng, khiến tình trạng mất việc tăng cao. Hết quý 2/2020, số lao động bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 là khoảng 40.000 lao động.

Hàng chục nghìn lao động mất việc sau Covid-19

Theo Sở LĐ-TB&XH tỉnh Thanh Hóa, dịch Covid-19 đã khiến nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn trong sản xuất, kinh doanh phải tạm dừng hoạt động hoặc thu hẹp quy mô sản xuất.

Điều này dẫn đến một bộ phận người lao động (NLĐ) phải ngừng việc, dừng hợp đồng lao động không hưởng lương hoặc rơi vào tình trạng thất nghiệp. 

Nỗ lực tìm việc làm cho người lao động sau Covid-19 - 1

Hàng chục nghìn NLĐ thất nghiệp sau dịch Covid-19.

Thực trạng trên khiến thị trường lao động trên địa bàn tỉnh Thanh Hoá trong 9 tháng năm 2020, đặc biệt là trong quý 2/2020 có nhiều biến động, số lượng NLĐ bị mất việc làm tăng cao đột biến.

Hết quý 2/2020, số lao động ở Thanh Hoá bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 là khoảng 40.000 lao động, gồm: Lao động đã chấm dứt hợp đồng khoảng 17.000 người; lao động ngừng việc khoảng 20.000 người và lao động bị tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động khoảng 3.000 người.

Nỗ lực hỗ trợ NLĐ tìm việc làm

Trước tình hình trên, Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Thanh Hoá đã nỗ lực thực hiện nhiều biện pháp hỗ trợ NLĐ tìm việc làm, ổn định đời sống như: tư vấn, định hướng, giới thiệu việc làm trong nước; đào tạo nghề, tư vấn XKLĐ; thực hiện chính sách BHTN…

Nỗ lực tìm việc làm cho người lao động sau Covid-19 - 2

Tư vấn giới thiệu việc làm tại huyện miền núi Như Xuân.

Đến hết ngày 7/9, Trung tâm đã tổ chức 26 phiên giao dịch việc làm (GDVL)  định kỳ tại đơn vị; 2 phiên GDVL lưu động tại hai huyện Quan Sơn và Lang Chánh; 2 Phiên giao dịch việc làm online kết nối 11 tỉnh, thành phố gồm: Hà Nội, Bắc Ninh, Hải Dương, Thanh Hóa, Hưng Yên, Bình Dương, Lào Cai, Quảng Ninh, Tuyên Quang, Hòa Bình, Bắc Giang.

Qua đó kết nối việc làm thành công lao động làm việc trong nước, XKLĐ, học nghề cho 2.668 người. Trong đó, lao động đăng ký đi làm việc trong nước 1.802 người, lao động đăng ký đi làm việc ở nước ngoài 444 người, lao động đăng ký học nghề 422 người.

Hoạt động tư vấn việc làm được đẩy mạnh, 49.325  lượt người đã được tư vấn việc làm, chế độ chính sách liên quan đến lao động - việc làm, hoạt động xuất khẩu lao động, tăng 1.67% so với cùng kỳ năm 2019; qua đó kết nối việc làm thành công cho lao động làm việc trong nước, XKLĐ, học nghề 3.872 người… 

Các hoạt động cập nhật, khảo sát tình hình biến động lao động và nhu cầu tuyển dụng lao động cũng được Trung tâm triển khai tới 1.530 doanh nghiệp.

Theo ông Lê Đăng Thanh, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Thanh Hóa, để hỗ trợ NLĐ theo kế hoạch trong 3 tháng cuối năm, Trung tâm sẽ tiếp tục cung ứng thông tin thị trường lao động cho khoảng 20.000 lượt người.

Bên cạnh đó, tổ chức thêm 24 phiên GDVL làm định kỳ và 4 Phiên GDVL lưu động với 250 lượt đơn vị tham gia. Đồng thời kết nối việc làm cho lao động làm việc trong nước, XKLĐ, học nghề…

Công tác dự báo - thông tin thị trường lao động được Trung tâm triển khai đẩy mạnh, cung ứng thông tin thị trường lao động cho 72.200 lượt người (tăng 17,78% so với cùng kỳ năm 2019). Trong đó, cung ứng thông tin thị trường lao động thông qua hệ thống bảng tin, thông báo tuyển dụng, tờ rơi tại sàn GDVL định kỳ tại Trung tâm và lưu động tại các huyện khoảng 27.800 lượt người; phổ biến tập trung thông qua các hội nghị tư vấn, giới thiệu việc làm, tư vấn nghề, XKLĐ tư vấn chính sách liên quan đến lao động - việc làm, bảo hiểm thất nghiệp khoảng 19.600 lượt người...