(Dân trí) - Về hay trốn ra ngoài là lựa chọn không dễ dàng với nhiều người khi hết hợp đồng lao động ở nước ngoài. Sự lựa chọn ấy nhiều khi phải đánh đổi bằng những tháng ngày lo âu, nước mắt và cả máu...
(Dân trí) - Về hay trốn ra ngoài là lựa chọn không dễ dàng với nhiều người khi hết hợp đồng lao động ở nước ngoài. Sự lựa chọn ấy nhiều khi phải đánh đổi bằng những tháng ngày lo âu, nước mắt và cả máu...
Ngày 8/3/2021, qua một công ty môi giới ở Hà Nội, Nam (đã đổi tên, 24 tuổi, quê Hà Tĩnh) đặt chân đến Đài Loan bằng đường hàng không. Đây là con đường xuất ngoại, lao động hợp pháp khi Nam đã nộp kinh phí hơn 70 triệu đồng cho công ty nêu trên.
Nam làm thuyền viên cho tàu sắt cỡ lớn chuyên khai thác hải sản gần bờ, lương mỗi tháng được 18-20 triệu đồng. Trừ phí môi giới, bảo hiểm lao động theo quy định của nước sở tại, Nam có 15-16 triệu đồng gửi về cho gia đình.
"Công việc theo con đường hợp pháp này giúp tôi thoải mái khi tàu cập bờ. Tôi được tự do đi ăn uống, thăm đồng hương, bạn bè", Nam kể.
Tuy nhiên, việc đi biển lênh đênh, cực nhọc, trong khi chàng trai trẻ nhận thấy nhiều công việc trên đất liền ở Đài Loan có thu nhập cao hơn. Mặt khác, gia đình ở quê còn khó khăn, món nợ gần 400 triệu đồng do làm ăn thua lỗ chưa thể trả, 2 người em đang ở độ tuổi ăn học, nên 8 tháng sau, khi tàu cập bờ, Nam quyết định bỏ trốn ra ngoài làm.
"Tôi biết những rủi ro khi vi phạm hợp đồng, bỏ trốn ra ngoài, nhưng hoàn cảnh lúc đó buộc tôi phải mạo hiểm để có một công việc cho thu nhập tốt hơn", Nam nói.
Sau nhiều đêm trắng suy nghĩ, Nam quyết định bỏ trốn lên bờ và tìm được một chân công nhân trong công trình thi công cao ốc. So với đi biển, công việc không quá nặng nhọc, mỗi tháng, trừ chi phí ăn uống, sinh hoạt, Nam gửi về cho gia đình 30-40 triệu đồng. Thu nhập tốt, nhưng đổi lại, mọi sinh hoạt không thể thoải mái như trước, thậm chí anh luôn phải sống trong nỗi lo lắng, bất an và nơm nớp sợ bị phát hiện, bắt giữ, trục xuất bất kỳ lúc nào.
Có lần Nam chứng kiến một người đồng hương cố chạy trốn sự truy đuổi của cảnh sát, nhảy từ tầng 5 xuống, tử vong tại chỗ. Cái chết thảm khốc, dữ dội và đau đớn ấy ám ảnh rất nhiều nhưng rồi anh Nam tự động viên mình vượt qua nỗi sợ hãi, bám trụ công việc, cẩn trọng hơn trong đi đứng, làm việc. Có như vậy, anh Nam mới nhanh chóng hoàn thành dự định kiếm đủ tiền cho bố mẹ trả món nợ ở quê, nuôi các em ăn học và hi vọng tích góp được một số vốn khi trở về nước.
Nguyễn Minh Thưởng (tên nhân vật đã được thay đổi, quê Hưng Nguyên, Nghệ An) sang Đài Loan lao động trong một công ty cơ khí từ năm 2018. Công việc chính của anh là cắt ống thép, thu nhập không dưới 20 triệu đồng/tháng, sau khi đã trừ các chi phí. Thường xuyên đối mặt với nguy cơ mất an toàn lao động dẫn tới bị rách tay, chân và bị... bệnh ngoài da do nước xối thép bắn vào người nhưng anh Thưởng cho rằng công việc khá ổn. Hết hạn hợp đồng 3 năm, anh mất khoản phí tương đương 8 triệu đồng để được gia hạn thêm 3 năm với công ty.
Đợt tháng 11/2021, anh Thưởng không may bị lưỡi cắt thép cắt vào tay, phải nghỉ việc một tháng. "Công ty không cho đi giám định tỉ lệ thương tật mà chỉ trả 50% lương cơ bản trong thời gian tôi nghỉ việc, tương đương 6,6 triệu đồng. Công ty cũng không đền bù tổn thất cho công nhân mà chỉ thanh toán khoản bảo hiểm tương đương... 400 nghìn đồng, không bằng số tiền 2 loại bảo hiểm tôi đóng mỗi tháng", anh Thưởng cho hay.
Bức xúc với hành xử của lãnh đạo công ty cũng như chính sách phạt nặng khi hỏng hàng, cộng với vấn đề ít việc, không được tăng ca, anh Thưởng quyết định "nhảy" ra ngoài.
Kết thúc kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, anh Thưởng không đến công ty nữa, mà làm việc chuyên về cơ khí dân dụng cho một nhóm đồng hương người Việt Nam. Công việc mới tính theo ngày công, ngày làm 8 tiếng, thu nhập tương đương 2 triệu đồng/ngày, tức gấp đôi chỗ cũ, tất nhiên là không có bảo hiểm.
"Thực ra quyết định trốn ra ngoài cũng phải đắn đo, trằn trọc thời gian dài. Thời điểm đó, công ty đang giữ của tôi khoản tiết kiệm (trừ vào lương hàng tháng) 60 triệu đồng. Bỏ ra ngoài thì mất khoản tiền đó nhưng tôi tính toán, với mức thu nhập gấp đôi, chỉ trong vòng ít tháng là bù được khoản kia, tầm một năm là có dư một khoản lớn. Khi đó tôi sẽ về nước", anh Thưởng nói.
Để tránh sự phát hiện của lực lượng chức năng, ngoài thời gian đi làm (được chủ đưa đón tận nơi), anh Thưởng chỉ ru rú trong phòng trọ, vạn bất đắc dĩ mới đi ra ngoài nhưng phải nhìn trước, ngó sau. Những cuộc truy quét lao động bất hợp pháp luôn là nỗi ám ảnh đối với lao động "nhảy" ra ngoài như anh Thưởng. Có lần, từ hành lang tầng 3 nhìn xuống, phát hiện lực lượng chức năng vào căn nhà mình đang ở để kiểm tra, anh Thưởng nhanh chân chạy lên tầng thượng, chui vào thùng nước. Giữa cái rét "cắt da cắt thịt", anh Thưởng ngâm mình trong làn nước lạnh buốt từ chiều đến tận nửa đêm mới dám chui ra, chân tựa hồ không thể đứng vững được nữa.
Dù cẩn thận để tránh bị phát hiện nhưng hồi tháng 7, vô tình vượt đèn vàng trong khi ra ngoài mua thức ăn, anh Thưởng bị cảnh sát giữ lại. Do không có giấy tờ hợp pháp nên anh bị bắt đến Sở di dân. Sau một tháng bị giam giữ tại đây, nộp phạt theo quy định, anh Thưởng mới được thả ra, bị buộc mua vé máy bay về nước.
"Thời gian bỏ trốn ra ngoài cho đến khi bị bắt của tôi là 5 tháng. Tính ra so với khoảng thời gian ấy mà làm việc trong công ty cũ cùng khoản tiền tiết kiệm công ty còn giữ, tôi bị... lỗ 60 triệu đồng. Giờ ngẫm lại mới thấy quyết định bỏ trốn là sai lầm, mất cơ hội ở lại để cải thiện thu nhập cho gia đình", anh Thưởng tâm sự.
Về nước sớm hơn dự định, khoản nợ làm nhà chưa trả hết, anh Thưởng xin gia nhập nhóm thợ hàn cùng xã để đi làm với mức thu nhập chưa bằng 1/4 khi ở Đài Loan. Và quan trọng nhất với "vết đen" là lao động bỏ trốn, cánh cửa quay lại thị trường nước ngoài của người đàn ông này gần như không còn.
Theo số liệu được cung cấp với Đoàn giám sát Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội mới đây, chỉ tính từ đầu năm 2022 đến nay, có 90 vụ với hơn 200 người lao động Nghệ An vi phạm pháp luật ở nước ngoài.
Ông Vi Ngọc Quỳnh - Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Nghệ An cho rằng có sự móc nối giữa người đi trước và người đi sau, hướng dẫn để bỏ trốn. Mặt khác, do lợi ích kinh tế khi bỏ trốn ra ngoài rất lớn, trong khi đó, người lao động hết hợp đồng trở về địa phương khó có thể kiếm được một tháng 40 triệu đồng, nên họ bỏ trốn, ở lại tháng nào được tháng đó. Một nguyên nhân nữa là công tác phối hợp trong quản lý, xử lý người lao động bỏ trốn ở bên kia còn khá lỏng lẻo...
(Còn nữa)
Nội dung: Hoàng Lam - Xuân Sinh - Nguyễn Dương - Thanh Tùng
Thiết kế: Tuấn Huy