Lũ tràn đồng, người dân đầu nguồn nước vào mùa xúc lươn, bắt cá đồng
Thời điểm này, mực nước lũ lên cao đã phủ trắng các cánh đồng vùng đầu nguồn 2 xã biên giới Vĩnh Xương, Phú Lộc, thị xã Tân Châu (tỉnh An Giang)...
...Hơn 1 tháng nay, từ rạng sáng, trên cánh đồng lũ đã tấp nập người ra vào để đánh bắt cá đồng, thủy sản, tạo nên khung cảnh nhộn nhịp ở vùng đầu nguồn.
Năm nay, con nước về sớm và nước ngập sâu hơn, nên việc mưu sinh mùa lũ của ngư dân vùng biên giới được thuận lợi. Những sản vật đa dạng mà thiên nhiên ban tặng trong mùa nước nổi đã giúp nhiều ngư dân sống bằng nghề khai thác thủy sản đánh bắt được nhiều tôm, cá, người dân vui mừng vì "Năm nay mùa lũ đánh bắt được nhiều tôm, cá…".
Mỗi gia đình chuẩn bị vài chục bộ ngư cụ, câu lưới, lờ lọp để bắt tôm, cua, cá,… kiếm thêm thu nhập.
Anh Nguyễn Văn Thảo, chia sẻ năm nào cũng vậy, khi kết thúc 2 vụ lúa và con nước tràn đồng, là gia đình anh bắt tay vào chuẩn bị lại các ngư cụ, vá lại các lưới dớn chuẩn bị cho mùa đánh bắt thủy sản. Đây là nghề đã theo anh mấy chục năm nay khi mùa nước nổi về.
Mùa nước nổi là thời điểm gia đình anh bám theo con nước mưu sinh, trời mờ sáng anh đã có mặt trên cánh đồng lũ tranh thủ đỗ dớn để kịp mang ra chợ bán, buổi chiều vợ chồng anh sửa lại các ngư cụ để chuẩn bị thu hoạch hôm sau, mỗi ngày gia đình anh cũng kiếm được từ 400-500 ngàn đồng.
Anh Nguyễn Văn Thảo. ngụ ấp 5, xã Vĩnh Xương chia sẻ: "Năm nay nước lũ về sớm, mình sống đây đầu nguồn nhờ có mùa nước bà con làm nghề câu lưới, rồi đặt dớn, giăng câu, lợp,…được nước nó khỏe lắm, sống đầu nguồn nhờ mùa nước.
Mùa nước năm nay nước nhiều, cá nhiều, đỡ hơn năm ngoái, năm nào nươớc không về thì tôm, cá cũng ít hơn. Đỗ dớn mình về bán đủ thứ cua, ốc cái gì cũng bán được, cái gì cũng có tiền ngày bán được cũng 400-500 ngàn đồng, cuộc sống nó thoải mái hơn.
Nói ngay mùa nước người ta về chợ mua bán thủy sản cũng đông hơn, vui lắm, mùa khô không có nước ít người ta lắm".
Mùa nước nổi mang theo nguồn lợi thủy sản cho người dân vùng lũ, trong đó người dân đánh bắt cá đồng, xúc lươn...
Sản vật mùa nước nổi luôn phong phú, mỗi ngư dân một nghề nhưng ai nấy đều vui mừng vì năm nay đánh bắt được nhiều tôm, cua, cá...
Với nghề đặt lọp cua, năm nào lũ về, chú Nguyễn Thành Lê cũng chuẩn bị vài chục cái lọp cua, gắn bó với nghề bao nhiêu năm rồi, năm nào cũng vậy, chú cứ mong con nước về để được lặn hụp với mấy cái lọp này.
Mỗi ngày với chú thu hoạch được vài chục ký cua, được thương lái đến tận nhà thu mua, cuộc sống mùa nước nổi cũng thoải mái hơn. Chú Nguyễn Thành Lê - ngụ ấp Phú Quý - xã Phú Lộc chia sẻ: "Mùa nước nay bà con cũng trông mong cho nước về, nước về dễ làm dễ kiếm sống hơn mùa khô. Chú làm nghề lợp cua như vậy á thì 02 bữa đỗ 01 bữa cũng được vài chục ký kiếm 400-600 ngàn đồng cũng đủ sống, mùa nước sống khỏe hơn mùa khô nhiều lắm.
Trên đồng người giăng câu, giăng lưới người ta cũng trông có mùa nước lên để dễ làm.
Cũng phấn khởi người làm dớn, lưới câu đồ đủ thứ, nước lên ta mừng lắm, ở đây người ta trông mùa nước nổi lên để làm nghề ăn cá. Nước này còn đang lên nhiều lắm, nước lên nhiều thì dễ làm, làm nghề ăn cá nước nổi thì dễ làm".
Chú Nguyễn Văn Hùng, với nghề đặt ụ lươn, năm nào cũng vậy khi con nước tràn đồng, chú chuẩn dụng cụ để ụ lươn, cứ cách 2 ngày chú lại vào đồng dỡ ụ, cũng thu hoạch gần 200 con lươn giống, chú mang về nuôi đến khi trưởng thành xuất bán được vài chục triệu đồng.
Chú Nguyễn Văn Hùng - ngụ ấp 5, xã Vĩnh Xương chia sẻ: "Mùa lũ về có nước bà con ngư dân làm có cái tích lũy bà con cũng phấn khởi, mừng, người giăng lưới, giăng câu được, bà con mình rất phấn khởi. Chú thì xúc lươn về nuôi, tỷ lệ xúc cũng đỡ đỡ nuôi thì nó cũng được kết quả, ngày xúc dị cũng được 100-200 con, thu hoạch ra có năm cũng bán được vài chục triệu.
Nước năm nay lên bà con mình phấn khởi lắm bởi vì sống trong cái đồng lũ bà con sống bằng nghề ăn cá nhiều nước lên được lớn dị bà con phấn khởi, làm ăn cũng vui vẻ".
Từ bao đời nay, mùa nước nổi đã gắn liền với đời sống của ngư dân vùng đầu nguồn. Mùa nước nổi ngoài mang phù sa về bồi đắp cho đất, giúp cây trồng tốt tươi, còn mang theo những nguồn lợi thủy sản mà thiên nhiên ban tặng cho người dân vùng lũ. Cho nên, người dân luôn hy vọng sẽ có một mùa lũ đẹp để họ có thể hòa mình "sống chung với lũ".