1. Dòng sự kiện:
  2. Định hướng cải cách tiền lương

Loạt mặt hàng ế ẩm, chủ kinh doanh ngồi ngáp chờ qua "tháng cô hồn"

Nguyễn Vy

(Dân trí) - Trong tháng 7 âm lịch, nhiều người dân có xu hướng kiêng dùng tiền, nhất là để chi tiêu, mua các mặt hàng giá trị cao như ô tô, nhà đất,… khiến người kinh doanh rơi vào cảnh ế ẩm, doanh thu giảm.

Khách kiêng xài tiền nguyên tháng

"Sáng dọn ra, chiều dọn vô" là cụm từ anh Tí (45 tuổi, ngụ TPHCM) khái quát về tình hình kinh doanh cửa hàng quần áo của mình trong tháng 7 âm lịch này.

"Nhiều người dân, đặc biệt là người Hoa tin rằng đây là thời điểm kiêng cữ trong chuyện làm ăn, hạn chế xuất tiền trong kinh doanh. Vậy nên các mặt hàng hầu như ế ẩm, dân buôn bán tháng này chỉ... ngồi chờ qua ngày", anh Tí nói.

Loạt mặt hàng ế ẩm, chủ kinh doanh ngồi ngáp chờ qua tháng cô hồn - 1

Anh Tí sắp xếp lại hàng hóa, mong tháng 7 âm lịch qua nhanh để phục hồi kinh doanh (Ảnh: Nguyễn Vy).

Cửa hàng quần áo của anh Tí nằm tại khu phố thời trang đường Nguyễn Trãi (quận 5, TPHCM). Đây là nơi mua sắm sầm uất bậc nhất của thành phố, nhưng nguyên tháng này, các cửa hiệu chỉ lác đác người mua.

Mặc dù không ít nơi treo biển giảm giá 30%, 50% hoặc xả hàng "rẻ như cho", người tiêu dùng vẫn không mặn mà ghé qua.

"Tháng 7 âm lịch, doanh thu sẽ thấp hơn 50% so với bình thường. Năm nào cũng thế, vì việc kiêng cữ đã thành thói quen, quan niệm riêng của khách hàng, chủ tiệm không có cách nào tránh được. Nhưng nếu so với cùng kỳ năm ngoái, doanh thu của "tháng cô hồn" năm nay còn tệ hơn", anh Tí nhận định.

Thời gian trước, mỗi ngày doanh thu của cửa hàng có thể đạt 5-10 triệu đồng. Giờ đây bán được 3 triệu đồng/ngày đã mừng lắm rồi. Nếu tính chi phí mặt bằng, điện, nước... số tiền thu được chỉ đủ gồng lỗ qua ngày", anh Tí bộc bạch.

Theo ông chủ cửa hàng quần áo, quan niệm kiêng cữ chỉ xảy ra với một nhóm đối tượng khách hàng nhất định. Với những người không tin chuyện tâm linh như này thì "tháng cô hồn" không phải yếu tố cản trở.

Tuy nhiên, năm nay do tình hình khó khăn chung, làn sóng sa thải tăng cao, người dân thất nghiệp nhiều, đồng nghĩa với việc nhóm khách hàng không ngán tháng 7 âm lịch này cũng... lặn mất tăm".

Loạt mặt hàng ế ẩm, chủ kinh doanh ngồi ngáp chờ qua tháng cô hồn - 2

Mở cửa từ sớm, anh Tí vẫn ngồi một chỗ ngóng người mua (Ảnh: Nguyễn Vy).

Sa thải nhân viên

Anh Tí kể, cửa hàng của anh đã cho 2 nhân viên nghỉ việc vì không có khách. Chỉ tay về phía dọc đường Nguyễn Trãi, anh Tí cho hay các chủ cửa hàng khác cũng làm giống như mình.

"Nếu không tin có thể đi xem các cửa hàng thời trang từ sau 15h đến tối muộn. Phía trước cửa hàng có xe máy đỗ ở đó, nhưng là xe của nhân viên chứ đâu có khách. Một số cửa hàng cũng đã sa thải bớt nhân sự, có nơi chỉ giữ lại 1 người để phụ trách từ việc bán hàng đến trông xe", anh Tí nói.

Loạt mặt hàng ế ẩm, chủ kinh doanh ngồi ngáp chờ qua tháng cô hồn - 3

Chủ hộ kinh doanh rầu rĩ khi tình hình buôn bán năm nay gặp nhiều khó khăn (Ảnh: Nguyễn Vy).

Không chỉ mặt hàng thời trang, nhân viên môi giới bất động sản Huệ Linh (23 tuổi, ngụ TPHCM) cho hay, lĩnh vực nhà ở, đất đai cũng chịu ảnh hưởng lớn từ quan niệm "tháng cô hồn".

Vào thời điểm này, nhân viên môi giới khá rảnh rỗi do khách hàng ngại xuống tiền. Thông thường, khách sẽ lui tới với mục đích chính là tham quan, khảo sát giá rồi chờ sang tháng sau mới chốt việc ký hợp đồng.

"Khách hàng thường hạn chế mua nhà trong tháng này do sợ xui rủi, nhất là người làm ăn, tin vào phong thủy. Tháng 7 âm lịch hằng năm, lượng khách ký hợp đồng, chốt mua căn hộ thường thấp hơn các tháng còn lại khoảng 10-20%. Tất nhiên, đây cũng là cơ hội với khách không quá đặt nặng vấn đề kiêng cữ, khách sẽ vẫn chọn mua nếu được giá tốt", Linh cho biết.

Trong số các mặt hàng, xe máy và ô tô luôn nằm trong danh sách "những thứ không nên mua nhất trong tháng cô hồn".

Loạt mặt hàng ế ẩm, chủ kinh doanh ngồi ngáp chờ qua tháng cô hồn - 4

Anh Hiếu và các chủ tiệm xe máy cũ khác ngồi chờ thời khi khách hàng kiêng kị mua xe vào tháng 7 âm lịch (Ảnh: Nguyễn Vy).

Anh Hiếu (45 tuổi, chủ cửa hàng xe máy cũ) cho hay, từ đầu tháng 7 âm lịch đến nay là gần 3 tuần, anh vẫn chưa bán được chiếc xe nào.

Như mọi năm, một số khách hàng chủ yếu đến tham khảo giá cả, nghe tư vấn các thủ tục pháp lý rồi lại hẹn tháng sau đến cọc tiền, ký hợp đồng. Tuy nhiên, nói chờ tháng sau thì anh Hiếu không thể cam kết chiếc xe mà khách chọn vẫn còn hàng.

Thêm nữa, thông tư mới về biển số xe định danh vừa được ban hành, khiến chủ tiệm xe máy cũ như anh gặp nhiều trục trặc trong việc giải quyết giấy tờ pháp lý cho khách hàng. Vậy nên, cả chủ hàng lẫn khách giờ gần như "án binh bất động", không mặn mà gì trong việc mua bán xe.

"Thường người ta sẽ tranh thủ mua xe trước tháng 7 âm lịch, nếu không thì phải chờ sang tháng. Trong tháng này, người bán chỉ ngồi chờ cho qua ngày thôi chứ hiếm khi bán được chiếc xe nào. Do đây là mặt hàng có giá trị cao, gắn bó lâu dài trong cuộc sống nên khách hàng khá kỹ, ai cũng tính chọn ngày lành, tháng tốt để mua", anh Hiếu giải thích.