1. Dòng sự kiện:
  2. Thực hành chữ "S" trong ESG

TPHCM:

Chủ tiệm xe máy cũ nuốt nước mắt gồng lỗ trăm triệu hậu biển số định danh

Nguyễn Vy

(Dân trí) - Kể từ khi chính sách mới về biển số định danh được áp dụng, nhiều cửa hàng xe máy cũ khá ế ẩm. Một số chủ cửa hàng vẫn chưa nắm rõ thủ tục bán xe ra sao khi chủ xe cũ đã ra nước ngoài hoặc qua đời.

Người bán bối rối, người mua hoang mang

Hơn 10h, anh Hiếu (45 tuổi), chủ cửa hàng xe máy cũ trên đường Phan Đăng Lưu (quận Bình Thạnh TPHCM) vẫn ngồi ngáp dài khi chưa có ai đến hỏi mua.

Trong nhà, xe máy cũ được anh xếp sát vào nhau, chật kín cả căn phòng. Cửa tiệm không nhân viên, không khách hàng, chỉ có anh Hiếu là ngồi chờ… thời. Thỉnh thoảng có người đến hỏi mua, nhưng cũng lắc đầu ra về sau khi nghe anh Hiếu tư vấn về thủ tục pháp lý hiện hành.

Theo anh Hiếu, một trong những nguyên nhân gây khó cho cả anh và khách hàng là việc thu hồi và cấp biển số xe định danh theo thông tư mới. Dù có cả chục năm kinh nghiệm nhưng anh Hiếu vẫn phải thừa nhận "không biết bán xe kiểu gì".

Chủ tiệm xe máy cũ nuốt nước mắt gồng lỗ trăm triệu hậu biển số định danh - 1

Cửa tiệm xe máy cũ của anh Hiếu chật ních xe nhưng không có khách mua (Ảnh: Nguyễn Vy).

Chủ tiệm cho biết, những khách hàng đến mua xe máy cũ đa phần là người lao động có thu nhập thấp. Nhu cầu của họ đơn giản là tìm một chiếc xe máy giá rẻ, thủ tục, giấy tờ nhanh chóng.

"Nếu người mua chưa có thường trú, tạm trú ở TPHCM, họ bắt buộc phải quay về quê để đăng ký xe, quá mất thời gian. Vì thế, nhiều khách hàng khẳng định sẽ không mua xe máy cũ nữa", anh Hiếu nói.

Hơn hết, cái khó nhất đối với các chủ tiệm xe là làm thế nào để liên lạc với người đã bán xe cho họ. Trước đó, anh Hiếu đã thử liên hệ nhưng chỉ có một số người chủ cũ chịu đồng ý đến cơ quan chức năng làm thủ tục thu hồi biển số. Số còn lại, dù có gọi "cháy máy" nhưng vẫn không liên lạc được.

Chủ tiệm xe máy cũ nuốt nước mắt gồng lỗ trăm triệu hậu biển số định danh - 2

Cầm bộ hồ sơ mua bán trên tay, anh Hiếu rầu rĩ vì khách mua xe đã thanh toán nhưng thủ tục pháp lý chưa xong (Ảnh: Nguyễn Vy).

"Thủ tục thu hồi, chuyển quyền sử dụng đâu phải làm là có ngay. Tôi thử gọi điện nhờ người ta dành ra một ngày để giúp tôi đến cơ quan chức năng làm việc nhưng quả là khó đồng ý, ai giờ cũng phải tất bật đi làm kiếm tiền, mưu sinh. Ngoài ra, nhiều chủ xe đã đi nước ngoài hoặc không may qua đời, làm sao liên lạc được?", anh Hiếu băn khoăn.

Cầm trên tay bộ hồ sơ mua bán cho khách, anh Hiếu thở dài khi khách hàng đã thanh toán nhưng anh chưa thể hoàn các thủ tục pháp lý liên quan. 

Trong hợp đồng ủy quyền với chủ cũ xe máy, anh Hiếu chỉ vào nội dung phạm vi ủy quyền: "Bên B được quyền liên hệ với các cơ quan chức năng để tiến hành các thủ tục về các hành vi đã được ủy quyền, được tự quyết định mọi vấn đề đã được ủy quyền. Bên B được quyền lập, ký tên trên các giấy tờ liên quan, thực hiện các quyền, nghĩa vụ pháp luật quy định có liên quan…".

"Tuy nhiên, khi tôi mang giấy ủy quyền đã có dấu mộc của văn phòng công chứng tới, cơ quan chức năng vẫn không đồng ý để tôi thay chủ cũ làm thủ tục thu hồi biển số, mà bắt buộc phải có chủ cũ đi cùng. Tôi không phản đối việc cấp biển số định danh, nhưng nếu bắt buộc chủ cũ xe máy đích thân đi cùng làm thủ tục thì quá khó khăn cho cả người kinh doanh và khách hàng", anh Hiếu nói.

Không dừng lại ở đó, trong trường hợp liên lạc được với chủ cũ nhưng họ ngụ ở các huyện ngoại ô thành phố, anh Hiếu phải đóng cửa tiệm 1 ngày để di chuyển đến địa bàn người này cư trú làm thủ tục.

"Đóng cửa 1 ngày không doanh thu để lo làm thủ tục cho 1 chiếc xe, vậy những chi phí hàng triệu đồng thì tính sao? Nếu phải làm thủ tục cho tất cả xe mua bán mỗi ngày thì chúng tôi phải đóng cửa nghỉ bao nhiêu ngày?", ông chủ tiệm xe máy cũ hoang mang.

Chủ tiệm xe máy cũ nuốt nước mắt gồng lỗ trăm triệu hậu biển số định danh - 3

Theo anh Hiếu, việc yêu cầu chủ cũ của phương tiện phải có mặt để làm thủ tục thu hồi biển số xe đã cấp là mâu thuẫn với những nội dung trong hợp đồng ủy quyền đã được công chứng trước đó (Ảnh: Nguyễn Vy).

Trong trường hợp thuê được "cò" để chạy lo các thủ tục giúp, anh Hiếu không phải đóng cửa tiệm nhưng lại tốn thêm vài trăm nghìn đồng dịch vụ cho mỗi chiếc xe. Nếu không làm được thủ tục thu hồi, sang tên, cả chủ cũ và chủ mới xe máy đều bị phạt. Nhiều khách hàng hiện rất e dè khi mua xe máy cũ.

Giờ đây, anh Hiếu cũng không dám mua lại xe máy cũ vì hàng tồn kho còn nhiều, nhập xe mới cũng sẽ rất khó khăn trong việc bán lại. Việc trì hoãn mua bán xe máy cũ do các thủ tục thu hồi biển số còn khiến giá mặt hàng này sụt giảm mạnh trên thị trường.

"Tôi mua xe máy, tu sửa rồi bán ra, mỗi xe lãi được hơn 1 triệu đồng. Nhưng khi để quá lâu, xe mới ngoài thị trường rớt giá, bắt buộc xe cũ cũng phải xuống theo, càng để lâu càng lỗ. Có chiếc tôi để 2 năm chưa bán được, giờ bán là chịu lỗ chứ không mơ đến chuyện huề vốn", anh Hiếu kể.

Chán cảnh "sáng dọn ra, chiều dọn vô"

Ông chủ tiệm xe máy cũ cho hay, tình trạng ế ẩm tại cửa tiệm đã kéo dài trong 2 tháng qua. Trước đây, mỗi tháng anh có thể bán được 10-20 chiếc xe máy cũ. Nhưng hiện tại chỉ cần bán 1-2 chiếc xe/tháng đã là chuyện khó.

Ngoài ra, giá xe trên thị trường sụt giảm, nhiều mẫu xe mới ra đời khiến các mẫu cũ rớt giá. Anh Hiếu phải cắn răng chịu lỗ hàng triệu đồng cho mỗi chiếc xe.

Chủ tiệm xe máy cũ nuốt nước mắt gồng lỗ trăm triệu hậu biển số định danh - 4

Anh Hiếu rầu rĩ, ngồi than thở với các chủ tiệm khác (Ảnh: Nguyễn Vy).

Hằng tháng, anh Hiếu phải trả hơn 20 triệu đồng cho việc thuê mặt bằng, chưa kể các chi phí điện, nước hay tu sửa khác. Kinh doanh dịch vụ này đã 10 năm, anh Hiếu chưa từng chứng kiến cảnh khó khăn như hiện tại.

Tính sơ sau đợt dịch Covid-19, chủ tiệm xe này phải gồng lỗ hơn 100 triệu đồng. Số tiền tích cóp, dự trữ gần cạn. Anh Hiếu lo lắm khi tiệm xe là nguồn thu nhập chính của gia đình.

"Tôi cố gắng gồng thêm vài tháng nữa là hết sức, tới đó không biết phải xoay xở ra sao. Nếu bỏ nghề này, thật sự tôi không biết phải làm gì giữa làn sóng liên tục, giờ chạy xe ôm cũng chật vật, không có khách", anh trải lòng.

Những đồng nghiệp thân thiết mà anh biết, cũng đã đóng cửa tiệm xe máy cũ khi không gánh nổi số tiền nợ chồng chất hằng tháng.

Chủ tiệm xe máy cũ nuốt nước mắt gồng lỗ trăm triệu hậu biển số định danh - 5

Nhiều chủ tiệm xe máy cũ ngáp dài, ngồi bấm điện thoại khi không có khách đến hỏi mua (Ảnh: Nguyễn Vy).

Đại tá Nguyễn Quang Nhật, Trưởng phòng Hướng dẫn tuyên truyền, điều tra, giải quyết tai nạn giao thông (Cục CSGT), cho biết: "Trong trường hợp chủ cũ không đồng ý làm thủ tục thu hồi biển số sau khi chuyển quyền sở hữu xe thì phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về các hành vi vi phạm liên quan đến xe đó".

Thông tư 24/2023 quy định xe đã đăng ký biển 5 số trước ngày thông tư có hiệu lực thi hành mà chưa làm thủ tục thu hồi thì biển số đó được xác định là biển số định danh của chủ xe. Nếu chủ xe làm thủ tục thu hồi trước 15/8 thì số biển số đó được chuyển vào kho để cấp lại cho người khác.

Khi người dân muốn bán, cho tặng, thừa kế, trao đổi... xe có biển số theo mã định danh, chủ xe phải giữ lại giấy chứng nhận đăng ký xe, biển số xe (không giao cho người mua) và nộp cho cơ quan đăng ký xe để làm thủ tục thu hồi.

Tuy nhiên, Thông tư chưa nêu rõ trường hợp chủ cũ đã mất hoặc đã đi nước ngoài sẽ xử lý như thế nào.

Về thủ tục cấp biển số định danh, chủ xe cư trú (thường trú và tạm trú) tại địa phương nào thì đăng ký biển số định danh tại địa phương đó.

Trong đó, có 4 bước để đăng ký biển số định danh: Đăng nhập vào Cổng dịch vụ công và tiến hành kê khai thông tin trong giấy đăng ký xe; chủ xe đưa xe đến cơ quan đăng ký xe theo quy định; cán bộ đăng ký xe tiến hành kiểm tra hồ sơ, thực tế xe để đảm bảo tính hợp lệ; chủ xe nhận giấy hẹn trả kết quả và đóng lệ phí.