Loại cây trồng một lần, thu suốt nửa đời người, nông dân rủng rỉnh tiền
(Dân trí) - Cây chè Sánh Lược từ lúc trồng đến khi thu hoạch phải mất 3 năm. Tuy nhiên, vòng đời của cây chè lại trên 50 năm nên trồng một lần cho thu nhập cả nửa đời người.
30 năm nay, ông Nguyễn Văn Hà, 64 tuổi, thôn 1 Yên Lược, xã Thuận Minh, huyện Thọ Xuân, Thanh Hóa có nguồn thu nhập ổn định từ cây chè Sánh Lược.
Theo ông Hà, trồng chè lãi gấp đôi so với trồng mía, sắn, khoai. Với diện tích 5 sào, mỗi năm, gia đình ông thu 25 tấn chè tươi, trừ hết các chi phí, lãi hơn 60 triệu đồng.
"Những lúc có chè thu hoạch, thương lái đến tận vườn thu mua. Nếu có thời gian, vợ chồng tôi đốn chè mang ra chợ bán là có "tiền tươi" mang về đều đều. Nguồn thu từ bán chè giúp gia đình có tiền rủng rỉnh, nuôi được 3 con ăn học đến nơi, đến chốn", ông Hà nói.
Lão nông cho hay, cây chè Sánh Lược từ lúc trồng đến khi thu hoạch mất 3 năm. Tuy nhiên, vòng đời của cây chè trên 50 năm nên trồng một lần cho thu nhập cả nửa đời người. Trung bình mỗi năm, ông thu hoạch chè 2 lượt, bằng cách đốn hết cành đạt tiêu chuẩn, không hái lá hay búp.
So với các loại cây trồng khác, trồng chè Sánh Lược có nhiều thuận lợi, nhàn nhã hơn vì chi phí đầu tư thấp, chỉ cần tập trung chăm sóc năm đầu tiên. Sau đó, cứ 2 lần bón phân và 2 lần làm cỏ mỗi năm và cứ thế thu hoạch. Ngoài ra, cây chè còn có khả năng chịu hạn, chống chịu sâu bệnh tốt.
Chè Sánh Lược ngon là bởi chất đất, khí hậu. Chè được trồng ở những nơi nhiều ánh nắng càng ngon, đậm vị. Lá chè Sánh Lược nhỏ, dầy mà giòn, nước chè xanh non có pha chút màu vàng nhạt, ban đầu uống vào có vị chát, sau đó là vị ngọt.
Ông Hà cho biết, sinh ra và lớn lên ở vùng đất có truyền thống trồng chè, ngày nhỏ ông theo bố mẹ lên những đồi chè để hái bán. Bấy giờ chè Sánh Lược có những gốc gần trăm năm tuổi, đường kính đến 20cm. Chè sau khi hái về, hợp tác xã sẽ thu gom, phân phối khắp mọi miền.
Niềm đam mê trồng chè từ nhỏ, sau khi xuất ngũ về địa phương, ông Hà đã trồng 3 sào chè, sau đó mở rộng lên 5 sào. Trồng chè không chỉ mang lại thu nhập mà lão nông còn hy vọng sẽ vực dậy cây chè truyền thống.
Theo các vị cao niên ở thôn Yên Lược 1, sở dĩ cây chè ở địa phương có tên là Sánh Lược hay chè Lược là bởi trước đây ở làng Lược, xã Thuận Minh nay là thôn Yên Lược 1 và làng Sánh nay thuộc thôn Yên Trường, xã Thọ Lập đều trồng chè.
Bên cạnh đó, ở hai làng còn có những buổi họp chợ. Chợ Lược mỗi ngày họp một phiên vào buổi sáng. Chợ Sánh một tháng có sáu phiên chính nhưng họp cả ngày.
Hàng hóa ở chợ Sánh, chợ Lược phong phú, đủ loại lâm, thổ, thủy sản. Vào những buổi họp chợ, bà con ở làng Lược và làng Sánh đều mang "cây nhà, lá vườn" là những rổ chè xanh ra bán, dần dà, người bán, người mua quen gọi là chè Sánh Lược. Tên gọi Sánh Lược gợi nhớ nơi trồng loại chè thơm ngon nức tiếng.
Ông Lữ Văn Trưởng, công chức Văn hóa - Xã hội xã Thuận Minh, cho biết, cây chè cho thu nhập cao, ổn định hơn một số loại cây trồng khác. Trên địa bàn xã có hơn 10ha chè Sánh Lược.
"Chè Sánh Lược được trồng trên đất kinh đô Vạn Lại - Yên Trường từ xa xưa. Loại chè này là một trong những sản vật được người dân chọn lựa để tiến vua. Thời gian tới, địa phương sẽ tích cực tuyên truyền vận động nhân dân tích tụ đất đai, quy hoạch vùng chuyên canh cây chè để phát triển du lịch tâm linh", ông Trưởng cho biết thêm.