Lo thiếu lao động sau Tết, doanh nghiệp làm đủ cách để giữ chân nhân viên
(Dân trí) - Dự báo có thể thiếu hụt lao động sau Tết, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ghi nhận nhiều doanh nghiệp đã chủ động lập chính sách "giữ chân" nhân viên.
Lo thiếu hụt lao động cục bộ
Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội dự báo thị trường lao động sau Tết sẽ có một số biến động.
Trước Tết Nguyên đán, thị trường ghi nhận nhu cầu tuyển dụng thời vụ tăng cao do các doanh nghiệp đẩy mạnh sản xuất để phục vụ nhu cầu Tết. Tại TPHCM, ước tính nhu cầu cần tuyển dụng lao động là 28.525 vị trí làm việc và tập trung chủ yếu ở khu vực thương mại - dịch vụ, chiếm tới gần 70%.
Đa số doanh nghiệp cố gắng duy trì hoặc tăng thưởng Tết để giữ chân nhân viên, trong khi nhiều lao động ngoại tỉnh về quê sớm cũng có thể dẫn tới thiếu hụt nhân lực cục bộ.
Tuy nhiên, Bộ này nhận thấy vẫn còn tồn tại hiện tượng doanh nghiệp chậm trả lương và thưởng tháng 13 gây khó khăn cho người lao động trước kỳ nghỉ Tết.
Dịp Tết, các doanh nghiệp đã triển khai nhiều chính sách và phúc lợi nhằm hỗ trợ cho người lao động, phần lớn là thưởng Tết Nguyên đán và Tết Dương lịch. Một số doanh nghiệp hỗ trợ nơi ở tạm thời; hỗ trợ chi phí di chuyển cho người lao động về quê ăn Tết.
Ngoài ra, các phúc lợi khác như tặng tiền mặt, quà tết, hoặc thưởng lương tháng thứ 13 cũng được thực hiện để đảm bảo quyền lợi và tạo điều kiện tốt nhất cho người lao động đón Tết.
Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cũng đã tổ chức chương trình "Chuyến tàu Công đoàn - Xuân 2025" đã hỗ trợ vé tàu khứ hồi cho 1.750 đoàn viên, người lao động từ các tỉnh miền Nam ra miền Bắc và hỗ trợ chuyến bay Công đoàn, đưa 400 công nhân về quê với hai chặng: TPHCM - Hà Nội và TPHCM - Vinh.
Theo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, dự báo sau Tết, thị trường lao động cũng sẽ gặp một số biến động như một số lực lượng lao động có thể không quay lại (chuyển việc hoặc thay đổi chỗ ở).
Điều này dẫn đến tình trạng thiếu hụt lao động cục bộ tạm thời và nhu cầu tuyển dụng mới trong quý 1/2025 tăng cao, đặc biệt ở các lĩnh vực sản xuất, dịch vụ.
Do đó, các doanh nghiệp thường chủ động có chính sách "giữ chân" nhân viên, nâng cao chế độ đãi ngộ để giảm thiểu việc biến động lao động sau Tết.
Bên cạnh đó, một lực lượng lớn lao động trong khối đơn vị sự nghiệp sau phương án sắp xếp, tinh gọn bộ máy nhà nước sẽ tham gia vào thị trường lao động, tạo áp lực cho vấn đề kết nối việc làm cho các đối tượng này.
Để đảm bảo lao động sau Tết, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội nhấn mạnh cơ quan Nhà nước về việc làm cần tập trung vào công tác chủ động nắm bắt tình hình lao động - việc làm trên địa bàn.
Bên cạnh đó, cơ quan này cũng tăng cường công tác thông tin thị trường lao động và kết nối cung - cầu lao động thông qua các hoạt động như tăng tần suất tổ chức các phiên giao dịch việc làm và tổ chức các phiên giao dịch việc làm kết nối trực tuyến giữa các địa phương.
Những ngành nghề "khát" nhân lực
Tại thị trường lao động Hà Nội, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội Vũ Quang Thành cho rằng các doanh nghiệp tại Hà Nội dự kiến chú trọng tuyển dụng lao động trong các ngành nghề liên quan đến công nghệ thông tin, năng lượng tái tạo, kinh tế xanh và chuyển đổi số.
Các vị trí như lập trình viên, chuyên viên phân tích dữ liệu, chuyên gia trí tuệ nhân tạo, và kỹ sư an ninh mạng sẽ tiếp tục dẫn đầu về nhu cầu tuyển dụng trong ngành công nghệ.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp sản xuất và logistics sẽ tập trung vào các vị trí như kỹ sư tự động hóa, quản lý chuỗi cung ứng, và chuyên viên quản lý chất lượng để đáp ứng yêu cầu tối ưu hóa quy trình và áp dụng công nghệ mới.
Ông Thành cũng nêu thêm ngành năng lượng tái tạo và kinh tế xanh cũng hứa hẹn phát triển mạnh, với nhu cầu cao về kỹ sư môi trường, chuyên gia phát triển năng lượng sạch, và chuyên viên quản lý dự án bền vững.
Ngoài ra, các doanh nghiệp trong lĩnh vực thương mại điện tử và dịch vụ khách hàng sẽ tiếp tục tuyển dụng mạnh mẽ ở các vị trí như chuyên viên marketing số, quản lý trải nghiệm khách hàng và chuyên viên chăm sóc khách hàng để bắt kịp xu hướng số hóa và nhu cầu tiêu dùng ngày càng tăng.