Linh hoạt việc đóng BHXH của lao động nước ngoài ở Việt Nam
Theo ông Nguyễn Duy Cường - Phó Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm xã hội, Bộ LĐTB&XH, người lao động nước ngoài ở Việt Nam sẽ phải tham gia bảo hiểm xã hội nhưng được đóng linh hoạt.
Nghị định 115 bao gồm chi tiết một số điều của Luật Bảo hiểm xã hội 2014, quy định từ ngày 1/1/2016 tất cả lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài sẽ phải tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc. Quy định này thay cho quy định chỉ những lao động trước đó đã đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc mới phải tham gia. Tuy nhiên, quy định mới đang gây hoang mang cho người lao động khi họ phải dành một phần không nhỏ tiền lương trong những năm làm việc ở nước ngoài để trả chi phí làm thủ tục.
Chẳng hạn, một người đi lao động ở Nhật Bản được 15 triệu đồng tiền lương một tháng, tức trong 1 năm người đó sẽ có 180 triệu đồng. Nhưng chi phí trả trước cho công ty xuất khẩu lao động là 140 - 200 triệu đồng, tương đương gần một năm lương. Trong khi đó, người lao động còn phải đóng thêm rất nhiều khoản phí khác khi lao động ở nước ngoài.
Thậm chí, nhiều nước còn quy định lao động phải đóng bảo hiểm xã hội ở nước sở tại. Vì thế, nếu đóng thêm bảo hiểm xã hội trong nước, người lao động sẽ mất thêm một khoản chi phí không nhỏ và quyền lợi chưa biết sẽ được hưởng như thế nào.
Ông Nguyễn Duy Cường - Phó Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm xã hội, thuộc Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cho biết: “Việc mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bao gồm cả bắt buộc và tự nguyện là một chủ trương của Đảng và Nhà nước, nhằm hướng đến mục tiêu đảm bảo vấn đề an sinh xã hội. Qua đó, quy định hướng người lao động đến việc tích lũy tiền đóng bảo hiểm xã hội khi còn trẻ, để sau này khi về già họ sẽ được hưởng lương hưu, ổn định cuộc sống”.
Ông Nguyễn Duy Cường - Phó Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm xã hội, thuộc Bộ Lao động Thương binh và Xã hội
“Đặc biệt, quy định mới có bổ sung cả đối tượng tham gia bắt buộc là người nước ngoài làm việc tại Việt Nam. Khi xây dựng Luật Bảo hiểm xã hội 2014, chúng tôi cũng đã cân nhắc đến khó khăn của người lao động. Do đó, riêng với đối tượng này, chúng tôi chỉ quy định tham gia ở 2 chế độ là hưu trí và tử tuất, thay vì 5 chế độ như các nhóm đối tượng khác. Phương thức đóng bảo hiểm xã hội của đối tượng này cũng linh hoạt hơn, có thể đóng một lần cho toàn bộ thời gian làm việc ở nước sở tại với đối tượng có điều kiện, hay đóng một lần trong 3 tháng hoặc 6 tháng hoặc 1 năm với đối tượng không có điều kiện. Đồng thời, họ cũng được lựa chọn đóng trực tiếp cho cơ quan bảo hiểm xã hội hay đóng qua doanh nghiệp đưa mình tới đây" - ông Nguyễn Duy Cường nhấn mạnh
Bên cạnh đó, trước thắc mắc về việc người lao động Việt Nam đi làm ở nước ngoài có thể phải đóng bảo hiểm xã hội ở cả hai quốc gia hay không, ông Nguyễn Duy Cường khẳng định: “Hiện nay, Việt Nam đang thúc đẩy quá trình đàm phán với các nước để ký kết các hiệp định song phương về bảo hiểm xã hội. Khi chúng ta đã ký kết được hiệp định đó với các nước, người lao động Việt Nam ở nước ngoài chỉ phải đóng bảo hiểm xã hội ở một quốc gia. Thời gian đóng sẽ được ghi nhận tới khi người lao động về nước”.
Theo VTV.VN