Lịch sử Ngày Quốc tế lao động 1/5

(Dân trí) - Điểm mốc quan trọng của Ngày quốc tế lao động bắt đầu từ năm 1886, tại thành phố công nghiệp lớn Chicago, Đại hội Liên đoàn Lao động Mỹ thông qua nghị quyết nêu rõ: "...Từ ngày 1/5/1886, ngày lao động của tất cả các công nhân sẽ là 8 giờ".


Khẩu hiệu tuyên tuyền Ngày Quốc tế lao động tại VN.

Khẩu hiệu tuyên tuyền Ngày Quốc tế lao động tại VN.

Khi đó, thời hạn 1/5 là điểm bắt đầu năm "mở sổ" tài chính kế toán ở hầu hết các nhà máy, xí nghiệp của Mỹ. Thời điểm này, chủ và thợ sẽ ký lại hợp đồng thuê khoán.

Dù Đại hội Liên đoàn đã đề nghị quyết về giờ làm việc từ 1/5, nhưng tới thời khắc đó, giới chủ vẫn không đáp ứng yêu sách này. Do vậy, giới công nhân toàn nước Mỹ đã đồng loạt đình công, trong đó cuộc bãi công sớm và lớn nhất được tổ chức với khoảng 40.000 công nhân tại thành phố Chicago.

Trong cuộc biểu tình, lực lượng công nhân đã đưa ra các biểu ngữ “Từ hôm nay không người thợ nào làm việc quá 8 giờ một ngày! Phải thực hiện 8 giờ làm việc, 8 giờ nghỉ ngơi, 8 giờ vui chơi!”.

Ba năm sau, ngày 20/6/1889, Đại hội I của Quốc tế Cộng sản II quyết định lấy ngày 1/5 hằng năm làm ngày biểu dương lực lượng và đấu tranh chung của tầng lớp vô sản. Vào ngày 1/5/1890, lần đầu tiên Ngày Quốc tế Lao động 1/5 được tổ chức trên quy mô thế giới.

Năm 1920, Liên Xô (cũ) là nước đầu tiên cho phép người dân được nghỉ làm vào Ngày Quốc tế Lao động 1/5.

Tại Việt Nam, Ngày Quốc tế lao động được xem như ngày hội của giai cấp công nhân và những người yêu chuộng lao động. Đồng thời, các cơ quan chức năng đã Luật hoá vào thành một nội dung của Luật Lao động.

Theo đó, Ngày Quốc tế 1/5 hàng năm, người lao động tại Việt Nam được nghỉ 1 ngày.

Hoàng Mạnh tổng hợp