Phạt tối đa 20 triệu đồng nếu từ chối đối thoại với công đoàn

(Dân trí) - Bộ LĐ-TB&XH đang lấy ý kiến góp ý về dự thảo Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động, bảo hiểm xã hội và xuất khẩu lao động. Trong đó có nhiều quy định mới về xử phạt về vi phạm quyền công đoàn.

Phạt tối đa 20 triệu đồng nếu từ chối đối thoại với công đoàn - 1

Theo dự thảo nghị định, cơ quan chức năng có quyền phạt tiền người sử dụng lao động từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng khi có một trong các hành vi như: Từ chối yêu cầu, đối thoại, thương lượng của công đoàn; Không thỏa thuận bằng văn bản với Ban chấp hành công đoàn cơ sở hoặc Ban chấp hành công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở khi đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động, chuyển làm công việc khác theo hợp đồng lao động, kỷ luật sa thải đối với người lao động là cán bộ công đoàn không chuyên trách.

Dự thảo cũng quy định mức phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi lợi dụng quyền công đoàn để vi phạm pháp luật, xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân.

Với trường hợp nhẹ hơn, dự thảo quy định mức phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động có một trong các hành vi sau đây: Không bố trí nơi làm việc, không bảo đảm các phương tiện làm việc cần thiết cho cán bộ công đoàn; Không bố trí thời gian trong giờ làm việc cho cán bộ công đoàn không chuyên trách hoạt động công tác công đoàn.

Mức phạt trên cũng được áp dụng với các hành vi như: Không cho cán bộ công đoàn cấp trên cơ sở vào tổ chức, doanh nghiệp để hoạt động công tác công đoàn; Không cung cấp thông tin, phối hợp, tạo điều kiện thuận lợi để công đoàn thực hiện quyền, trách nhiệm đại diện bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp chính đáng của người lao động.

Bên cạnh đó, khi vi phạm các quy định trên, người sử dụng lao động còn phải chấp hành thêm biện pháp khắc phục hậu quả, như: Phải bảo đảm các điều kiện làm việc cần thiết cho tổ chức công đoàn, bố trí thời gian cho người làm công tác công đoàn hoặc phải nhận người lao động trở lại làm việc.

Hoàng Mạnh