Lên mạng nghe hô hào "Bỏ việc đi!" cứ như "khích"... bỏ vợ, bỏ chồng

Hoài Nam

(Dân trí) - Một chút khó khăn hay mâu thuẫn trong công việc được chia trẻ trên mạng xã hội, lập tức có thể nghe hàng loạt lời động viên "Bỏ việc đi!".

Cứ khó khăn là lên mạng than thở

Chưa khi nào cụm từ "nghỉ việc", "bỏ việc" được sử dụng tràn lan như hiện nay. Trên các diễn đàn nhân sự - việc làm, hàng ngày, hàng giờ có thể thấy tinh thần "Bỏ việc đi!" lan truyền.

Chỉ cần gặp chút khó khăn trong công việc như sếp "rắn", lương thấp, chậm lương, công việc áp lực, môi trường không thoải mái, đi làm xa, khách hàng khó tính hay giờ làm "ngặt", đồng phục gò bó... là các nhân sự lên mạng kêu than. 

Lên mạng nghe hô hào Bỏ việc đi! cứ như khích... bỏ vợ, bỏ chồng - 1

Nhiều người thực sự rối loạn khi nghe những chia sẻ, than van trên khắp các diễn đàn (Ảnh minh họa).

Rồi từ đó, họ cũng dễ dàng nhận về hàng loạt lời tư vấn, kêu gọi "bỏ việc", kiểu "khích" tiếc nuối gì, còn gì nữa mà không nghỉ đi... 

Trên không gian đó, dễ thấy nhất là những tư vấn nhiệt tình, hô hào bỏ việc, thể hiện "cái tôi" đặt trên mọi thứ. Người lỡ kể chuyện bản thân có thể bị xem là hèn, không đủ năng lực tìm nơi khác khi không dám nghỉ việc... 

Anh Hoàng Xuân Thành - Trưởng phòng nhân sự một công ty nội thất ở Quận 1, TPHCM miêu tả, người ta hô hào nhau "nghỉ việc đi" y như rủ người khác... ly hôn, bỏ chồng bỏ vợ. Chuyện này y hệt ở những diễn đàn về gia đình, hôn nhân, vợ chồng mâu thuẫn, "khổ chủ" lỡ chia sẻ thì kiểu gì cũng nghe các "chuyên gia" tư vấn "bỏ đi", "tôi thế là tôi bỏ liền", "bỏ chứ tiếc gì nữa", "tôi bỏ rồi đây"... 

Chưa kể, "bonus" thêm những lời động viên kiểu "đổ dầu vào lửa" đó là những hình ảnh về vẻ ngoài, cuộc sống long lanh của nhiều người sau khi bỏ việc, bỏ vợ, bỏ chồng.

Theo anh Thành những hô hào kiểu này tưởng vô hại nhưng tác động rất lớn đến mỗi người, những người đang ở trạng thái chênh vênh dễ bị khích động, bị lôi kéo... Nhất là thay vì nhìn vào vấn đề, tìm cách khắc phục, điều chỉnh, lại được cổ vũ chọn cách dễ dàng là "bỏ cho nhanh". 

Thực tế, có thể nhìn thấy hiện nay nhiều nhân sự trẻ "nhảy việc tanh tách" xuất phát từ việc những yêu cầu, mong muốn cá nhân không được thỏa mãn, bản thân chưa nỗ lực tìm giải pháp. Mà phía sau cảnh bỏ việc có khi là thất nghiệp hay chới với trên hành trình liên tục thay đổi, từ năm này qua năm khác. 

Chữa lợn đau thành lợn... què!

Nhân sự thiếu kiên nhẫn là một vấn đề nan giải hiện nay trên thị trường lao động. Nhiều người rất dễ bỏ cuộc, ngay khi vừa bắt đầu, khi chưa cho chính mình cũng một cơ hội. 

Trong buổi trò chuyện "Xu hướng việc làm và nhu cầu tuyển dụng trong bối cảnh bình thường mới" trong khuôn khổ Ngày thực tập và việc làm do Trường ĐH Kinh tế TPHCM tổ chức, ông Phạm Đình Vũ - Giám đốc Phát triển nguồn nhân lực, Khối tổ chức nhân sự, Ngân hàng TMCP Quân Đội cảnh báo về vấn nạn này. 

Lên mạng nghe hô hào Bỏ việc đi! cứ như khích... bỏ vợ, bỏ chồng - 2

Người lao động trẻ tại TPHCM chia sẻ nguyện vọng, vấn đề về công việc tại Ngày thực tập và việc làm TPHCM (Ảnh: T.N).

Ông Vũ cho biết, thời đại công nghệ, nhân sự dễ dàng tiếp cận thông tin tuyển dụng, các khóa học, những lời khuyên cho sự nghiệp. Vậy nhưng, việc có quá nhiều nguồn tiếp cận cũng dễ dẫn đến thừa thông tin. Khi tham gia các group, diễn đàn việc làm, nhiều bạn trẻ rất dễ bị lạc lối trong đó. 

Có điều dễ nhìn thấy, trên mạng xã hội, dường như ai cũng kêu, cũng than thở, than mệt, áp lực, chê người này người kia, công ty này, doanh nghiệp khác, chỉ muốn nghỉ việc...

Hay khi có người chia sẻ thông tin về công việc, khó khăn vướng mắc gặp phải, theo ông Vũ, có đến 9/10 ý kiến kích động... bỏ việc đi thay cho lời động viên kiên trì, tìm cách giải quyết vấn đề một cách tích cực.  Tiếp cận những thông tin như vậy nhân sự sẽ dễ hụt hơi và dễ dàng từ bỏ. 

"Bạn đang làm việc ở một nơi rất ngon lành, rồi bạn dùng nick alone hoặc ẩn danh chia sẻ khó khăn trong công việc. Bạn sẽ gặp nhiều người cũng ẩn danh hô hào "nghỉ việc đi!". Tôi khuyên bạn hãy bỏ qua những thông tin này, hãy chắt chiu những cơ hội phát triển mình, không chỉ ở hiện tại mà 3 - 5 năm tới", ông Phạm Đình Vũ bày tỏ. 

Theo ông Vũ, nhân sự cần cẩn trọng trước những lời khuyên trên mạng xã hội, tránh sa đà vào các thông tin tiêu cực. Nhân sự nên biết, những người thành công thường chỉ chia sẻ câu chuyện, bí quyết của mình trong những nhóm nhỏ, với những người xứng đáng để truyền tải những thông tin và giá trị hữu ích. 

Điều này đòi hỏi bạn phải có khả năng chắt lọc và lựa chọn thông tin, nếu không sẽ rơi vào cảnh "đẽo cày giữa đường". Vì nếu không có sự tích lũy đủ về lượng thì chắc chắn không thể có sự thay đổi về chất. Nhân sự muốn thăng tiến thì phải sự gắn bó, thể hiện năng lực nhất định với cơ quan, công ty. 

Một chuyên gia tâm lý tại TPHCM cho biết, khi gặp vấn đề mang tính cá nhân về công việc  hay về quan hệ vợ chồng, gia đình, con cái, trước hết hãy tìm cách khắc phục, tìm những kênh hỗ trợ tin cậy và hết sức cẩn thận khi chia sẻ trên mạng xã hội.

"Nghe dân mạng tư vấn, bạn có thể đang đạp đổ mọi thứ của mình một cách nhanh nhất, có thể "biến lợn đau thành lợn què", công việc đang nhiều cơ hội lại thành thất nghiệp hoặc gia đình lẽ ra có thể hàn gắn, hạnh phúc lại thành tan vỡ" - vị chuyên gia khuyến cáo.