1. Dòng sự kiện:
  2. Thực hành chữ "S" trong ESG

Chưa chào đã hỏi lương, ứng viên bị mắng té tát

Hoài Nam

(Dân trí) - Nhiều ứng viên gây khó chịu và bị nhà tuyển dụng bóc phốt khi chưa tìm hiểu về công việc mà chỉ chăm chăm hỏi "lương bao nhiêu?".

 - Cho em hỏi mức lương bao nhiêu? 

- Công việc của em sẽ rất linh hoạt, không giới hạn thời gian. 

- Dạ, chính sách lương bên mình thế nào? 

- Mức lương tùy năng lực nha em. 

- Chị nói cụ thể hơn về mức lương được không? Phải có con số cụ thể chứ chị? 

- Em tìm việc, chưa hỏi một lời công việc thế làm mà chỉ chăm chăm hỏi lương vậy? 

Tiếp đó là một tràng mắng té tát của nhà tuyển dụng đối với ứng viên "mới vào đã hỏi lương".

Chưa chào đã hỏi lương, ứng viên bị mắng té tát - 1

Nhiều nhà tuyển dụng và ứng viên xung đột vì chuyện "chăm chăm hỏi lương" (Ảnh minh họa).

Trao đổi trên được phía nhà tuyển dụng ghi, chụp lại rồi chia sẻ kèm những lời gay gắt về ứng viên những ngày qua kéo theo những tranh cãi trái chiều.

Đây không phải là tình huống cá biệt mà là "chuyện hàng ngày" trong hoạt động tuyển dụng hiện nay. Thậm chí, đây còn là chủ đề gây xung đột, dễ gây tan vỡ mối quan hệ ngay khi vừa gặp mặt giữa bên tuyển dụng và người tìm việc. 

Chào nhau là hỏi... "lương bao nhiêu?"

Một nhà tuyển dụng tại TPHCM chia sẻ, rất nhiều ứng viên đến phỏng vấn, thậm chí trước khi hẹn phỏng vấn đã đi thẳng vào lương. "Lời chào là đầu câu chuyện" đã biến thành "Hỏi lương là đầu câu chuyện", dễ gây ức chế cho nhà tuyển dụng. 

Có trường hợp, nhà tuyển dụng hỏi lại: "Vậy em thấy mình xứng đáng nhận bao nhiêu vì công ty chưa biết năng lực kinh nghiệm của em đến đâu". 

Theo nhà tuyển dụng này, ứng viên cần biết, hầu hết các trường hợp, khi tuyển dụng, các công ty có JD (bản mô tả công việc) và mức lương cụ thể cho vị trí đó. 

"Đành rằng đi làm hỏi lương là bình thường nhưng cái mọi người quan tâm ở đây chính là thái độ. Chưa hỏi han điều gì, chưa biết gì về nhau, công việc ra sao mà đã hỏi tiền đều không hay", người này nêu quan điểm và thẳng thắn: "Gặp ứng viên thế này, tôi loại ngay mối "lương" mà không "duyên" này". 

Nhân sự đi làm chỉ quan tâm lương là một vấn đề nan giải trên thị trường lao động. Ứng viên chỉ tập trung vào lương có khi kéo theo những hệ lụy như họ thể ảo tưởng "hét" mức lương trên trời, chỉ quan tâm mình "thu về" mà xem nhẹ việc mình sẽ "trao đi", đóng góp như thế nào... 

Hỏi lương cần kỹ năng

Tuy nhiên, cũng nhiều người thông cảm cho việc ứng viên "hỏi lương trước, việc bàn sau". 

Điều này xuất phát từ thực tế, rất nhiều công ty mập mờ về lương thưởng. Có nơi đăng tải mức lương "vẽ", đến khi vào làm nhân sự nhận về mức thu nhập sát thực. Việc này làm nhân sự ấm ức hoặc bỏ việc kéo theo việc mất công sức, thời gian của đôi bên. 

Chưa chào đã hỏi lương, ứng viên bị mắng té tát - 2

Lương luôn là vấn đề khó nói trong tuyển dụng (Ảnh minh họa).

Ông Trương Tiến Sỹ (giảng viên Trường ĐH Ngân hàng TPHCM) chia sẻ, ứng viên tìm việc hỏi lương không có gì sai. Về nguyên tắc, nhà tuyển dụng phải công bố mức lương và các quyền lợi đi kèm đối với từng vị trí tuyển dụng. Trong quá trình phỏng vấn, ứng viên và nhà tuyển dụng cũng có quyền thương thảo thêm về những vấn đề liên quan đến trách nhiệm và quyền lợi của hai bên, trong đó gồm có lương.

Tuy nhiên, ông Sỹ cho rằng, trường lớp cũng ít quan tâm đến việc trang bị kỹ năng phỏng vấn xin việc. Nhiều ứng viên nhào vô là hỏi lương liền cũng dễ bị "mất điểm". 

Ở góc độ doanh nghiệp, ông Nguyễn Anh Duy - Trưởng phòng nhân sự một công ty sữa ở TPHCM cho hay, nhà tuyển dụng nên bình tĩnh và thông cảm với ứng viên "chăm chăm hỏi lương". Tiền nong là phạm trù tế nhị gây khó khăn với nhiều người nên người xin việc cũng lúng túng, khó xử. 

"Chào nhau bằng... hỏi lương", theo anh Duy cũng có mặt tích cực, thể hiện ứng viên là người rõ ràng, không vòng vo, dám bày tỏ, biết mình hướng đến cái gì... tránh mất thời gian hai bên. Nhiều ứng viên đi làm không dám mở lời hỏi lương về sau có thể kéo theo nhiều bất mãn, xung đột.

Hỏi lương không khéo đúng là gây chói tai nhưng anh Duy cho rằng, nhà tuyển dụng đừng đánh đồng người quan tâm đến tiền thì... xấu. Nhiều nhân sự đi làm vì tiền có năng lực tốt, rất chăm chỉ, cố gắng. Ngược lại, có người đi làm không quan tâm lương và cũng mặc kệ công việc, chỉ "cắp ô đếm đồng hồ", đó thực sự là những nhân sự "gánh nặng" ở công sở. 

Với kinh nghiệm của mình, anh Nguyễn Anh Duy chia sẻ, nhà tuyển dụng và ứng viên thay vì bắt bẻ nhau thì cần học cách đặt mình vào vị trí người đối diện để thông cảm cho nhau, hiểu cho những yêu cầu, đòi hỏi của phía bên kia. Công việc cũng như cuộc sống, hai bên chỉ có thể hợp tác một cách hiệu quả trên nền tảng hiểu và thông cảm cho nhau. Hãy cho nhau cơ hội... 

Nhiều chuyên gia cũng lưu ý, ứng viên nên cân nhắc, tỉnh táo trước những công ty hô hào "lương phụ thuộc vào năng lực ". Ứng viên cần được biết mức sàn cho vị trí công việc, còn "theo năng lực" được xem là thu nhập tăng thêm. Còn hỏi lương sao cho lịch sự, dễ nghe  là điều ai cũng cần học.