1. Dòng sự kiện:
  2. Định hướng cải cách tiền lương

Lão nông Tiền Giang giúp hàng xóm khá lên nhờ giống gà... đặc chủng

Nguyễn Cường

(Dân trí) - Tự lai tạo, nghiên cứu quy trình nuôi gà và chia sẻ cho những người khác, ông Hai Kiệt (Gò Công, Tiền Giang) đã giúp cuộc sống của nhiều nông dân từ khó khăn trở thành sung túc.

Hơn 20 năm nghiên cứu giống gà 

Dù không có ngân sách lớn, không có trung tâm nuôi trồng quy mô hay viện nghiên cứu hiện đại nhưng ông Nguyễn Quốc Kiệt (SN 1952, trú thị xã Gò Công, Tiền Giang) đã miệt mài hàng chục năm để tạo ra giống gà và quy trình nuôi của riêng, "gắn sao" danh dự lên con gà khiến nhiều người nể phục.

Sinh ra trong một gia đình thuần nông, từ bé ông Kiệt đã có đam mê với các con vật nuôi như gà, vịt. Ông Kiệt luôn mong muốn cải tạo giống gà Gò Công của quê hương giữ được ưu điểm về chất lượng thịt nhưng năng suất hơn. Giống gà này vốn thịt ngon nhưng trọng lượng thấp và đẻ thưa.

Sau hàng chục năm mày mò nghiên cứu, đầu những năm 2000, ông mới có được thành công đầu tiên khi lai tạo được một giống gà thơm ngon và nhiều thịt. Thế nhưng sản phẩm đã bị thị trường từ chối vì gà lai mới không giữ được ngoại hình của gà ta, dù thịt ngon nhưng không bắt mắt.

Lão nông Tiền Giang và giống gà đặc biệt do mình tự lai tạo.

Lại tiếp tục nghiên cứu, mãi đến năm 2007, sản phẩm gà lai tạo của ông mới được thị trường chấp nhận. Giống gà mới có ngoại hình, màu lông và chất lượng thịt như gà ta nhưng lại lớn nhanh và nhiều thịt hơn, phù hợp nuôi đàn lớn.

Ông Kiệt tự tin đưa giống gà mới đi tham gia Hội thi sáng tạo kỹ thuật tỉnh Tiền Giang lần thứ VII (2007 - 2008) và đạt giải C. Năm 2014, Cục Sở hữu Trí tuệ đã cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu độc quyền 10 năm cho giống gà ta Gò Công do ông Kiệt lai tạo. Năm 2017, giống gà ta Gò Công đã đạt giải bạc Chất lượng quốc gia.

"Mình tâm huyết lắm chứ, ăn cũng nghĩ đến gà, ngủ cũng mơ thấy gà. Luôn phải nghĩ xem con gà mình thì có thể lai với con gà nào để ra tính trạng con lai tốt nhất. Muốn biết được thì lại phải đi tìm hiểu vô số giống gà trong và ngoài nước, rồi vô số lần thử nghiệm", ông Kiệt nói về những năm tháng miệt mài nghiên cứu...", ông nói.

Lão nông Tiền Giang giúp hàng xóm khá lên nhờ giống gà... đặc chủng - 1

Ông Kiệt bên chuồng gà nhiều tâm huyết.

Có giống gà ưng ý, ông Kiệt bắt đầu "chơi lớn", kêu gọi thêm những hộ chăn nuôi trong vùng và thành lập Hợp tác xã Chăn nuôi và Thủy sản Gò Công (HTX). Mục tiêu ông đặt ra là sản xuất đàn lớn, đa dạng sản phẩm, tạo chuỗi giá trị và xây dựng thương hiệu để có thể tồn tại và phát triển ổn định, nâng cao chất lượng cuộc sống cho bà con.

Dù vậy, giai đoạn đầu HTX hoạt động không như ý, chất lượng sản phẩm không đồng đều giữa các hộ đã khiến đối tác không hài lòng. Mất mối hàng và mất uy tín sản phẩm, lượng gà cần xuất lớn, chi phí sản xuất cũng lớn mà đầu ra bấp bênh khiến nhiều xã viên nản chí, xin ra khỏi HTX.

Lão nông Tiền Giang giúp hàng xóm khá lên nhờ giống gà... đặc chủng - 2
Giống gà ông Kiệt lai tạo và quy trình chăn nuôi do ông nghiên cứu đã đạt nhiều giải thưởng cấp nhà nước và cấp tỉnh.

Đi lên từ thất bại

Từ thất bại, ông Kiệt rút kinh nghiệm và nghiên cứu quy trình nuôi rồi chuẩn hóa và yêu cầu áp dụng nghiêm ngặt đối với tất cả mọi xã viên, ai vi phạm lập tức bị loại.

"Để có chất lượng con gà đồng đều, tôi đã phải nghiên cứu một quy trình nuôi nghiêm ngặt, chặt chẽ. Ở các hộ xã viên, từ quy mô chuồng trại, mật độ nuôi đều phải chuẩn. Con giống, thức ăn, thuốc men đến giá bán mọi thứ đều bị khống chế bởi HTX", ông Kiệt khẳng định.

Không chỉ vậy, để đảm bảo duy trì đàn ổn định 120 nghìn con thì ngày nào hộ nào vào gà giống, hộ nào bán gà cũng đều phải đúng lịch, không được sai lệch. Bán cho ai, bán giá nào là Ban định giá của HTX quyết.

Lão nông Tiền Giang giúp hàng xóm khá lên nhờ giống gà... đặc chủng - 3
Đàn gà khỏe mạnh, cho thịt ngon của Hợp tác xã Chăn nuôi và Thủy sản Gò Công.

Kể cả bên cung cấp con giống, ông cũng đều có yêu cầu riêng, nhà cung cấp sai lệch là ngay lập tức hủy hợp đồng, tìm nhà cung cấp khác. Thức ăn được cũng đặt nhà máy làm với chất lượng riêng, yêu cầu không pha kháng sinh vào thức ăn, đã từng có nhà cung cấp vi phạm, bị phạt và chấm dứt hợp đồng.

Với các hộ nuôi, nếu sàn trấu lót chuồng dày hơn quy chuẩn cũng sẽ bị loại, nếu cho ăn ít hơn hay nhiều hơn quy trình cũng bị loại. Có lần hộ nuôi phản ánh gà bị ốm, tôi thấy kỳ lạ vì quy trình nuôi áp dụng đồng bộ thì không thể xảy ra tình trạng đó, đến kiểm tra thì biết ngay nhà này nuôi mật độ dày hơn quy định, ngay lập tức bị loại khỏi "cuộc chơi".

Người ta nói tôi độc tài nhưng tôi thấy phải như thế mới giữ được thương hiệu, mới tồn tại được", ông Kiệt nói thêm.

Lão nông Tiền Giang giúp hàng xóm khá lên nhờ giống gà... đặc chủng - 4
Chị Trần Thị Lệ trao đổi với PV về việc nuôi gà cho thu nhập khá của gia đình chị..

Ông Kiệt cho biết, theo quy trình, gà sẽ được nuôi mật độ 7 con/m2, trong khi thông thường hộ chăn nuôi sẽ để mật độ trên 10 con/m2. Thời gian nuôi gà, mọi người chỉ nuôi 3 tháng là xuất chuồng thì quy trình của HTX là 4 tháng.

"Dù chi phí có tăng lên, nhưng bù lại gà sẽ tránh được bệnh tật, giảm được tiền thuốc thang và không bị hao hụt đàn. Chất lượng gà cũng ngon hơn, giá bán cao hơn thị trường khoảng 5 nghìn đồng mỗi kg. Tính ra hộ nuôi theo quy chuẩn chỉ có lợi mà không bị thiệt", ông Kiệt cho biết.

Ông Kiệt khẳng định tôn chỉ và mục tiêu hướng tới của HTX là "từ chuồng trại đến thẳng bàn ăn", hoàn thiện chuỗi giá trị, đảm bảo lợi ích cao nhất cho người nuôi. Hiện HTX đã liên kết với một số chuỗi siêu thị để có đầu ra sản phẩm ổn định, HTX luôn giữ quyền chủ động giá cả mà không phụ thuộc thị trường.

Lão nông Tiền Giang giúp hàng xóm khá lên nhờ giống gà... đặc chủng - 5
Hợp tác xã chăn nuôi Gò Công được trao giải bạc chất lượng Quốc gia năm 2017.

Chị Trần Thị Lệ ở huyện Gò Công Đông, Tiền Giang cho biết trước đây nuôi heo nhưng dịch bệnh và giá cả bấp bênh, khi lỗ không kham nổi thì dừng nuôi, để chuồng trống. Đến năm 2013, chị tham gia HTX nuôi gà của ông Kiệt, cải tạo chuồng nuôi heo thành chuồng nuôi gà và nuôi thử 1000 con.

Nhận thấy hiệu quả, chị đã mở rộng đàn lên 3000 con và thuê chuồng của hộ khác để nuôi. Mỗi năm gia đình chị thu lời ổn định khoảng 250 triệu đồng, đời sống ngày càng khấm khá.

"Tham gia HTX có lợi là đầu ra ổn định, lợi nhuận đều năm nào cũng như năm nào, cứ 1000 con gà thì lãi 20 triệu đồng, mỗi năm nuôi được 2,5 lứa, tùy tổng đàn mà từng hộ có lợi nhuận khác nhau. Quy tắc HTX đặt ra rất nghiêm ngặt nên nhiều người không chịu được, có người cũng bỏ ra nuôi riêng, tuy nhiên lời lỗ bấp bênh, hiệu quả không được như trong HTX", chị Lệ nói.

HTX nuôi gà của ông Kiệt có hơn 50 thành viên, hầu hết các hộ nuôi từ 3 nghìn đến 4 nghìn con gà, mỗi năm nuôi 2,5 lứa, lợi nhuận khoảng 20 triệu đồng/1000 con/vụ. Vì ổn định đầu ra, khống chế được giá cả nên tránh được rủi ro thị trường, đời sống các hộ xã viên không ngừng được nâng cao.