Lão nông "lấy độc trị độc" để bảo vệ vườn quả đặc sản

Dương Nguyên

(Dân trí) - Ông Toại ở Hà Tĩnh nuôi hàng vạn con kiến vàng trong vườn cam rộng 2ha của gia đình để diệt sâu bọ, côn trùng phá hoại. Cách làm tưởng chừng như không thể này đã mang lại hiệu quả bất ngờ.

Tháng 8 vừa qua, ông Lê Quang Toại (59 tuổi, trú thôn Đăng, xã Thọ Điền, huyện Vũ Quang, Hà Tĩnh) được cán bộ bảo vệ thực vật gợi ý, hướng dẫn cách nuôi kiến vàng để diệt sâu bọ, côn trùng trên vườn cam thay cho thuốc trừ sâu.

Ban đầu, ông Toại khá bất ngờ, nghĩ điều này là không thể. Sau đó, ông đã chăm chú học hỏi, tìm hiểu.

Lão nông "lấy độc trị độc" để bảo vệ vườn quả đặc sản (Video: Dương Nguyên).

Lão nông lấy độc trị độc để bảo vệ vườn quả đặc sản - 1

Ông Toại nuôi kiến trên cành cam trong vườn (Ảnh: Dương Nguyên).

"Lúc đó, tôi nghĩ rằng nếu dùng kiến để trừ sâu bệnh thành công được, không dùng đến thuốc trừ sâu thì tốt quá. Vì cách làm này có thể bảo vệ môi trường, sức khỏe vừa đỡ chi phí tốn kém cho người trồng", ông nhớ lại.

Sau thời gian tập huấn, ông Toại bắt tay thực hiện kế hoạch bằng cách lên khu vực rừng tràm ở địa phương tìm kiến. Khi tìm thấy những tổ kiến vàng trên cao, ông Toại cắt luôn đoạn cành cây chứa tổ kiến, dùng bao vải trùm lại mang về thả lên cây cam trong vườn.

Lão nông lấy độc trị độc để bảo vệ vườn quả đặc sản - 2

Ông Toại cho hay, hơn 2 tháng qua, phương pháp nuôi kiến thay thuốc trừ sâu đã mang lại hiệu quả bất ngờ (Ảnh: Dương Nguyên).

Khi mới thả, để giúp kiến "an cư", ông dùng chai nhựa chứa tép khô, cơm nguội buộc cố định trên cành cây để kiến có thức ăn gây đàn, nuôi tổ. Người nông dân này cũng dùng dây cước trắng chăng giữa cây này với cây khác để tạo đường di chuyển tìm mồi cho kiến vàng.

Cũng từ đây, bầy đàn kiến sinh sản, phát triển thêm, tìm sang cây khác làm tổ mới. Suốt hơn 2 tháng qua, vườn cam rộng 2ha của gia đình ông Toại có thêm gần 40 đàn kiến với hàng vạn con.

Kiến vàng diệt được các loại sâu bọ như bọ xít, rầy mềm, các loại sâu, rệp sáp, kiến hôi và nhện.

"Bước đầu, tôi thấy cách làm này phát huy hiệu quả, cây trồng phát triển tốt, không bị phá hoại. Trong khi trước đó, mỗi năm chúng tôi phải bỏ chi phí gần cả chục triệu đồng để mua thuốc trừ sâu và còn mất thêm cả công chăm sóc", ông Toại hồ hởi, nói.

Lão nông lấy độc trị độc để bảo vệ vườn quả đặc sản - 3

Lão nông dùng dây căng, "bắc cầu" giữa cây này với cây khác để kiến đi săn sâu bọ (Ảnh: Dương Nguyên).

Lão nông lấy độc trị độc để bảo vệ vườn quả đặc sản - 4

Nhờ có hàng chục đàn kiến vàng, 2ha cam trên đồi rừng của gia đình ông Toại được bảo vệ, phát triển tốt (Ảnh: Dương Nguyên).

Ngoài nuôi kiến vàng, chủ vườn còn dùng túi vải không dệt bọc bảo vệ từng quả cam đang thời kỳ sắp thu hoạch.

Ông Toại làm trang trại trên khu vực đồi rừng cách nhà hơn 1km từ năm 2015 với diện tích 3ha, trong đó có 2ha trồng cam bù, cam canh. Thời gian này, nhiều gốc cam đã cho thu hoạch.

"Từ nay tới Tết, chúng tôi sẽ thu hoạch xong. Năm nay, cam được mùa, sản lượng đạt khoảng 15-20 tấn, chúng tôi ước tính thu về 200-300 triệu đồng", ông Toại nhẩm tính.

Ngoài gia đình ông Toại, 3 hộ dân khác trong vùng cũng đang dùng cách "lấy độc trị độc", nuôi kiến vàng làm thiên địch trừ sâu thay cho thuốc bảo vệ thực vật.

Lão nông lấy độc trị độc để bảo vệ vườn quả đặc sản - 5

Mô hình nuôi kiến vàng trên cây ăn quả có múi đang được triển khai tại nhiều hộ dân ở huyện Vũ Quang (Ảnh: Dương Nguyên).

Thời gian qua, mô hình trên được Trung tâm Bảo vệ thực vật vùng IV (Cục Bảo vệ thực vật) phối hợp với Trung tâm Ứng dụng khoa học kỹ thuật và Bảo vệ cây trồng huyện Vũ Quang hướng dẫn triển khai thực hiện tại các xã Thọ Điền, Quang Thọ và Đức Liên trên diện tích hơn 10ha vườn cây ăn quả có múi của các hộ dân.

Theo ông Phan Anh Toản, cán bộ Trung tâm Ứng dụng khoa học kỹ thuật và Bảo vệ cây trồng huyện Vũ Quang, qua hơn 2 tháng triển khai, mô hình cho thấy hiệu quả, loài kiến vàng đã khống chế được các loại côn trùng, sâu bệnh gây hại.

Đây là một giải pháp sinh học thông minh thay thế thuốc trừ sâu và bảo vệ môi trường, tạo dựng thói quen sản xuất lành mạnh theo hướng hữu cơ, giúp phát triển nông nghiệp xanh bền vững.