Nghề kỳ lạ, ngửi đủ thứ mùi kinh khủng nhất trên đời

Thái Bá

(Dân trí) - Khi rác thải từ khắp nơi đổ về, công nhân Nhà máy xử lý chất thải rắn Ninh Bình bắt đầu việc phân loại. Ngày 8 tiếng, những người làm nghề chẳng giống ai này phải hứng chịu đủ thứ mùi khó trụ nổi.

Nghề kỳ lạ, ngửi đủ thứ mùi kinh khủng nhất trên đời (Video: Thái Bá).

Nhà máy xử lý chất thải rắn Ninh Bình đóng tại xã Đông Sơn, TP Tam Điệp, tỉnh Ninh Bình. Đây là nơi tiếp nhận và xử lý rác thải sinh hoạt cho toàn bộ tỉnh Ninh Bình.

Nhà máy tiếp nhận xử lý rác thải bằng 2 phương pháp là: Phân loại sản xuất phân vi sinh và chôn lấp hợp vệ sinh. Khu vực phân loại rác thải sản xuất phân vi sinh của nhà máy có hơn chục công nhân, chủ yếu là phụ nữ làm nghề "chẳng giống ai".

Rác thải từ nhiều nơi của TP Ninh Bình được tập kết đổ về khu vực phân loại. Tại đây, máy xúc sẽ đổ rác lên băng chuyền, các công nhân đứng 2 bên để phân loại. Mục đích phân loại rác để sản xuất phân vi sinh, tái sử dụng lại rác thải sinh hoạt, giảm thiểu chôn lấp.

Ông Lã Phú Dũng, Giám đốc Nhà máy xử lý chất thải rắn Ninh Bình cho biết, nhà máy đi vào hoạt động năm 2014. Mỗi năm nhà máy tiếp nhận và xử lý khoảng 125.000 tấn rác thải. Trong đó, xử lý theo hình thức phân loại sản xuất phân vi sinh 12.000 tấn. Toàn bộ số rác thải phân loại làm phân vi sinh đều được công nhân của nhà máy phân loại xử lý.

Nghề kỳ lạ, ngửi đủ thứ mùi kinh khủng nhất trên đời - 1

Công nhân thực hiện phân loại rác thải tại Nhà máy xử lý chất thải rắn Ninh Bình (Ảnh: Thái Bá).

Những phụ nữ làm nghề phân loại rác thải tại Nhà máy xử lý chất thải rắn Ninh Bình đều có thâm niên làm việc lâu năm. Lúc đầu khi mới nhận công việc, nhiều chị em không chịu nổi mùi rác. Sau thời gian cũng quen dần, vì thế có người gắn bó gần chục năm qua.

Làm nghề đặc biệt không giống ai này, mỗi ngày các chị phải sống trong bầu không khí đủ các mùi rác thải từ khắp nơi đổ về, ít nhất khoảng 8 tiếng/ngày (ngày làm 2 ca).

Chị P.T.C. tâm sự: "Mỗi ngày, buổi sáng chị em đến làm nhà máy làm việc, trưa về nhà ăn cơm, chiều lại đến làm tiếp. Cứ mỗi tiếng đứng phân loại rác, chúng tôi được nghỉ giải lao khoảng 10 phút. Công việc không mấy nặng nhọc nhưng mùi rác thải thì thực sự cực hình".

Chị C. chia sẻ thêm, công việc hàng ngày tiếp xúc với đủ loại rác thải từ khắp nơi đổ về, với đủ các loại mùi hôi thối, dần cũng thành quen. Các chị em làm nghề thường trêu đùa nhau, ngày nào không được ngửi mùi rác lại thấy buồn.

Đứng cách xa khu vực phân loại, xử lý rác cả trăm mét vẫn ngửi thấy mùi hôi thối nồng nặc. Khi lại gần, các chị em phụ nữ làm nghề phân loại rác vẫn chịu đựng, cần mẫn làm việc. Chị Đ.T.L. cho hay, những người làm nghề này ngoài vì thu nhập mưu sinh thì còn phải yêu nghề mới làm được.

"Mùi rác khó chịu khắp nơi làm việc, lúc nào cũng phải bịt khẩu trang kín mít, nhiều lớp. Tiếp xúc với đủ các loại rác, những người làm nghề như chúng tôi đúng là phải có "thần kinh thép" mới chịu đựng được", chị L. nói.

Công việc đặc biệt, không khó nhọc nhưng môi trường làm việc ô nhiễm, tuy nhiên thu nhập của những người phụ nữ làm nghề phân loại rác thải cũng chỉ ở mức lương phổ thông. Vì thế, quá trình phân loại xử lý rác, những đồ phế thải có thể tái chế được chị em gom lại bán phế liệu.

Nghề kỳ lạ, ngửi đủ thứ mùi kinh khủng nhất trên đời - 2

Công việc lúc nào cũng tràn ngập trong rác thải (Ảnh: Thái Bá).

Chị em làm nghề phân loại rác tại nhà máy đủ các lứa tuổi khác nhau. Người trẻ năm nay ngoài 20 tuổi, có những người đã ngoài 40 tuổi. Đa phần, họ đều là lao động phổ thông, xin vào làm việc tại nhà máy để gần nhà, tiện đi lại và chăm sóc gia đình.

Được biết, các công nhân vào làm việc phân loại rác đều được nhà máy kí hợp đồng và đảm bảo đầy đủ các chế độ theo Luật Lao động. Vì thế, đời sống cũng được đảm bảo, mọi người yên tâm công tác.

Quá trình làm việc, các chị em đều phải trang bị đồ bảo hộ để tránh gặp nguy hiểm từ các loại rác thải sắc nhọn. Mỗi người cũng được chia ra chọn lọc và phân từng loại rác khác nhau.

"Dù công việc khó khăn, nhưng khi đến nơi làm, các chị đều thấu hiểu và chia sẻ cùng nhau. Họ coi nhau như người thân, tự tạo niềm vui cho mình trong lúc làm việc cũng như trong cuộc sống", lãnh đạo Nhà máy xử lý chất thải rắn Ninh Bình chia sẻ.