Lão nông đi xe Camry, ở nhà biệt thự

Gặp ông ở trụ sở Hội Nông dân Quảng Bình khi ông vừa bước xuống từ chiếc xe Camry 2.5 đời mới với áo quần “đóng thùng” thẳng nếp, chân đi giày da bóng loáng. Được biết, ông còn là chủ nhân một căn biệt thự 3 tầng ở mặt tiền Quốc lộ 1A.

Nhưng ông không phải là một doanh nhân mà là một nông dân chính hiệu. Cơ ngơi đó ông kiếm được từ trang trại tổng hợp mà vợ chồng ông đã dày công gây dựng nên… Ông là Mai Xuân Hải (SN 1967), thôn Tiền Phong, xã Thanh Trạch, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình. Trang trại của ông nằm dưới chân đèo Lý Hòa trên con đường thiên lý Bắc Nam. Đây là một trang trại tổng hợp cả chăn nuôi và trồng trọt có quy mô hiện đại vào loại bậc nhất hiện nay ở Quảng Bình.

Trai làng biển bén duyên nông nghiệp

Ông Hải kể rằng, ông vốn sinh ra và lớn lên ở làng biển, bố mẹ, xóm làng của ông cũng chưa ai làm nông nghiệp ngày nào. Thế nên, khi biết ông dồn hết vốn liếng đầu tư làm trang trại không ít người thân, bạn bè đã ngăn cản quyết liệt. Nhưng với ông, nông nghiệp như là cái duyên trời định.

“Lúc mới bắt tay vào làm, vợ chồng tui cũng không khỏi bỡ ngỡ, cũng đã gặp không ít khó khăn sau những lần gặp thiên tai, dịch bệnh. Nhưng có một điều rất lạ, những lúc đứng trước những khó khăn như vậy, chưa một lần tui nghĩ đến chuyện bỏ cuộc. Lợn gà bị chết tui đi mời thú y, các chuyên gia về coi lại thật kỹ càng vì sao hắn chết để rút kinh nghiệm, khắc phục. Tiền hết thì tui đi vay bạn bè, ngân hàng để đầu tư chuồng trại khang trang, đúng kỹ thuật hơn…” – ông Hải chia sẻ.

Ông Hải (thứ 2 bên phải) trao đổi kinh nghiệm làm trang trại với đoàn cán bộ Hội ND Quảng Bình. Ảnh: Phan Phương
Ông Hải (thứ 2 bên phải) trao đổi kinh nghiệm làm trang trại với đoàn cán bộ Hội ND Quảng Bình. Ảnh: Phan Phương

Nói về chuyện làm trang trại, ông Hải cho biết, năm 2008, sau nhiều năm bôn ba lao động ở trời Tây trở về, ông cũng tích lũy được một số vốn kha khá. Ở thời điểm đó, trong lúc những người bạn cùng đi lao động nước ngoài về đều mở doanh nghiệp để kinh doanh các ngành nghề như xây dựng, buôn bán cá… những nghề dễ dàng sinh lợi, kiếm ra tiền thì một mình ông lại đi mua đất để làm trang trại.

\Qua nhiều ngày rong ruổi tìm kiếm, ông Hải thấy vùng đất hoang hóa rộng chừng 5ha nằm dưới chân đèo Lý Hòa, tuy hơi cằn cỗi, nhưng xa khu dân cư và có nguồn nước khá dồi dào là nơi có thể làm trang trại được. Vùng đất này trước đây một số người dân địa phương đã vào khai hoang để trồng mía và những loại cây nông nghiệp ngắn ngày khác nhưng không hiệu quả nên bị bỏ hoang. Thế nhưng khi ông Hải vào đặt vấn đề để mua lại mảnh đất đó thì họ đòi giá rất cao. Ông đã phải bỏ ra 500 triệu đồng, một số tiền rất lớn, họ mới đồng ý.

Mua được đất, vợ chồng ông Hải đã bắt tay tạo dựng trang trại. Năm đầu tiên vợ chồng ông đầu tư xây dựng chuồng trại và nuôi thử 30 con lợn và trồng các loại cây ăn quả trên phần đất còn lại. Thế nhưng, lứa lợn và cây đầu tiên đó, vợ chồng ông Hải đã nếm ngay mùi thất bại.

Đàn lợn đang lớn bỗng dưng bị chết hàng loạt do dịch bệnh, còn nhiều loại cây ăn quả không hợp khí hậu, thổ dưỡng, lớn không nổi nói gì cho quả. Không bỏ cuộc, ông Hải đã bỏ công đi học các lớp trung cấp thú y, các lớp kỹ thuật về chăn nuôi, phòng trừ dịch bệnh cho lợn. Ngày đó hễ nghe ở đâu có lớp tập huấn là ông Hải lại cơm đùm gạo bới đi học, dù nhiều chỗ ông không được mời.

Sau một thời gian “tầm sư học đạo”, đã nắm vững những kỹ thuật cơ bản về chăn nuôi lợn, ông Hải bắt tay đầu tư lớn hơn cho trang trại. Không chỉ nuôi lợn thịt, ông đầu tư xây dựng chuồng trại hiện đại, khép kín để nuôi lợi nái ngoại, vừa có con giống để nuôi vừa xuất bán cho bà con trong vùng và nhiều nơi khác. Đối với số diện tích đất còn lại, ông Hải cũng quy hoạch lại quy củ hơn, phần ông đào ao nuôi cá, phần trồng các loại cây ăn quả phù hợp với đất đai, khí hậu như: Cam, xoài…

Lắp điều hòa cho lợn

Đất không phụ công người, sau gần 10 năm quăng quật với đất, kiên định với mục tiêu của mình, bây giờ gia đình ông Hải đã trở thành tỷ phú, mỗi năm thu lãi hơn 1,5 tỷ đồng. Ông Hải cho biết, hiện nay trang trại của ông mỗi năm xuất bán hơn 1.500 con lợn giống, 105 tấn thịt lợn hơi.

Mới đây ông còn đầu tư nuôi lợn rừng và mỗi năm cũng xuất bán hơn 100 con lợn giống, 2,5 tấn thịt lợn rừng cho các nhà hàng, khách sạn lớn trong tỉnh. Ngoài ra, ông còn chăn nuôi thêm hàng ngàn con gia cầm như: gà, vịt, ngan, ngỗng và hơn 2 tấn cá các loại. Trang trại của ông hiện có 8 lao động làm việc thường xuyên được ông trả lương từ 5 đến 7 triệu đồng/người/tháng.

Ông Hải dẫn khách tham quan trang trại nuôi lợn khép kín của gia đình. Ảnh: Phan Phương
Ông Hải dẫn khách tham quan trang trại nuôi lợn khép kín của gia đình. Ảnh: Phan Phương

Ông Hải dẫn chúng tôi thăm trang trại, mặc dù nuôi nhiều lợn, gà như vậy nhưng tuyệt nhiên không hề có mùi hôi. Trước lúc vào trang trại, chúng tôi cũng đã trải qua khâu khử trùng để tránh mang mầm bệnh từ ngoài vào. Chuồng trại nuôi lợn được xây dựng hiện đại, khép kín với hệ thống làm mát bằng quạt máy, được vệ sinh sạch sẽ hàng ngày. Đặc biệt ở khu nuôi lợn nái còn được gắn máy điều hòa nhiệt độ.

Nhờ những thành tích xuất sắc trong sản xuất, trồng trọt, nhiều năm qua, ông Mai Xuân Hải luôn được bầu chọn là nông dân sản xuất kinh doanh giỏi cấp tỉnh. Năm 2015, ông Hải được nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ và nhiều bằng khen, giấy khen của UBND tỉnh, Hội ND tỉnh Quảng Bình…

Ông Hải cho hay: “Tui thành công cũng là nhờ chăn nuôi khép kín, từ con giống đến thức ăn, nhất là thú y, trước đây tui tự học, tự làm được nhưng nay tui đã thuê hẳn những cán bộ có kỹ thuật vào làm việc nên dịch bệnh đã không còn xuất hiện ở trang trại nữa”.

Dù trang trại nằm trong chân núi, nhưng lợn gà đến kỳ xuất bán, ông Hải chỉ cần nhấc điện thoại là có khách vào tận nơi để mua. Riêng lợn thịt, chỉ cần xe tải đỗ ở cổng trang trại hệ thống cân đo và dây chuyền tự động sẽ đưa lợn từ chuồng chuyển thẳng lên xe. Ông còn cho biết, đang có kế hoạch cải tạo và đầu tư hệ thống chuồng trại hiện đại hơn nữa để chăn nuôi lợn nái với số tiền đầu tư hơn 7 tỷ đồng. Với hệ thống chuồng trại mới này, 100% lợn nái ở trang trại ông sẽ được ở trong phòng điều hòa, mùa hè mát, mùa đông ấm.

Nói về ông Hải, ông Lê Thanh Hà - Chủ tịch Hội ND xã Thanh Trạch nhận xét: “Ông Hải không chỉ là một nông dân giỏi biết làm giàu cho gia đình mà trong quan hệ với xóm làng, đặc biệt là bà con nông dân ông cũng tận tình giúp đỡ. Nhiều năm qua, ông Hải đã đem những kinh nghiệm “máu xương” truyền cho nhiều nông dân khác phát triển kinh tế. Hàng năm, ông còn tích cực hỗ trợ các hộ nông dân nghèo về con giống, kỹ thuật để họ thoát nghèo. Riêng với Hội ND, ông Hải là một hội viên rất tích cực, hàng năm ông đều hỗ trợ Hội ND xã hàng chục triệu đồng để xây dựng nông thôn mới, hỗ trợ các hội viên nông dân, ngư dân gặp khó khăn do thiên tai…Tích cực đóng góp, xây dựng quỹ hội nông dân…”.

Theo Danviet.vn