Lão nông "bắt" cây ra quả trên đất cằn, thu hàng trăm triệu đồng mỗi năm

Công Bính Ngô Linh

(Dân trí) - Với khát khao làm giàu trên mảnh đất quê hương, lão nông Phan Quang Tám ở Quảng Nam đã biến mảnh đất khô cằn thành vườn cây ăn quả đặc sản, thu hàng trăm triệu đồng mỗi năm.

Vườn cây ăn quả cho sản lượng cao gấp 2-3 lần bình thường

Dẫn chúng tôi tham quan khu vườn gần một ha với đủ loại cây ăn quả đặc sản tại thôn Nông Sơn 1 (xã Điện Phước, thị xã Điện Bàn, Quảng Nam), lão nông Phan Quang Tám kể: "Mảnh đất này trước đây là đất hoang hóa, khó trồng trọt nhưng tôi đã cật lực đào xới, cải tạo lại đất. Sau quá trình dài, tôi đã thu được kết quả".

Lão nông bắt cây ra quả trên đất cằn, thu hàng trăm triệu đồng mỗi năm - 1

Ông Phan Quang Tám (hay thường gọi Tám Râu) tự hào về vườn cây ăn quả chất lượng của mình.

Thời trẻ, ông Phan Quang Tám ra Bắc vào Nam làm quản lý xây dựng công trình. Trong những lần công tác tại miền Tây, ông quan tâm với cách làm của các nhà vườn ở nơi đây nên chủ động mày mò học hỏi.

Nhờ bàn tay cần mẫn và khối óc nhạy bén, ông Phan Quang Tám đã gây dựng được vườn cây có khoảng 10 loại quả như xoài, thanh long, bưởi, cam, quýt, vú sữa… Trong đó cây kinh tế chủ lực là ổi (giống ổi lê Đài Loan với 500 gốc) và mít (giống mít Thái, mít Mã Lai, và mít Việt Nam khoảng 120 gốc). 

Lão nông ở Quảng Nam "bắt" cây ra quả trên đất khô cằn

Với niềm đam mê nghiên cứu và sáng tạo, ông đã lai ghép thành công một số giống cây mới và nắm bí quyết để cây ra quả quanh năm.

"Cây ăn quả thường bị sâu đục thân, cắn quả, rệp trắng nên tôi phòng ngừa bằng cách bọc quả bằng bao nilon, thường xuyên ngắt lá và bấm tỉa cành. Thêm vào đó, tôi cung cấp dinh dưỡng cho cây đầy đủ và phun vi sinh kích quả sẽ giúp vườn luôn sai quả, ra đều quanh năm", ông Phan Quang Tám chia sẻ.

Lão nông bắt cây ra quả trên đất cằn, thu hàng trăm triệu đồng mỗi năm - 2

Vườn trái cây của ông Phan Quang Tám tuân thủ nguyên tắc chủ yếu bón phân vi sinh, hữu cơ và hạn chế thấp nhất phân hóa học.

Nhờ canh tác khoa học nên vườn cây của ông cho sản lượng gấp 2-3 lần bình thường. Trái cây thơm ngon, trồng theo cách an toàn nên được các siêu thị thực phẩm sạch ưa chuộng.

Từ vườn cây ăn quả và bán giống cây trồng các loại, mỗi năm ông Phan Quang Tám lãi ròng hơn 400 triệu đồng sau khi trừ mọi chi phí. Bên cạnh đó, trang trại của ông tạo việc làm ổn định cho 3 lao động địa phương với mức lương từ 5,5-8 triệu đồng/người/tháng.

"Đưa cần câu chứ đừng cho cá"

Không chỉ làm giàu cho gia đình, ông Phan Quang Tám còn tận tình chia sẻ những kinh nghiệm, hỗ trợ kỹ thuật trồng trọt và phòng ngừa sâu bệnh, cách lai ghép, chăm sóc sao cho cây đạt năng suất cao đến bà con nông dân trong tỉnh Quảng Nam hoàn toàn miễn phí.

Lão nông bắt cây ra quả trên đất cằn, thu hàng trăm triệu đồng mỗi năm - 3

Theo ông Phan Quang Tám, ông chỉ chọn cây có hiệu quả kinh tế cao, trồng thử thành công rồi mới hướng dẫn lại người dân, như vậy họ mới tin tưởng.

Khu vườn gần một ha của ông Phan Quang Tám không chỉ là nơi phát triển sinh kế, mà còn là nơi để ông thử nghiệm nhiều loại giống cây trồng mới, là nơi tham quan du lịch sinh thái, học hỏi kinh nghiệm làm vườn trực tiếp cho nhiều người.

Lão nông bắt cây ra quả trên đất cằn, thu hàng trăm triệu đồng mỗi năm - 4

Giống bưởi được ông đặt tên bưởi Điện Bàn được lai tạo từ nhiều giống bưởi khác nhau. Quả có vỏ màu vàng, ruột hồng, vị ngọt thanh và nặng từ 3-5kg.

Ông tâm sự: "Ai cần hỗ trợ kỹ thuật, tôi sẽ có mặt, hoàn toàn miễn phí. Với tâm niệm "trao cần câu chứ đừng đưa cá", tôi hy vọng mọi người có trong tay kỹ năng cần thiết để phát triển kinh tế, chứ không phải nhất thời. Mọi người cùng cố gắng làm giàu để phát triển quê hương ngày càng đi lên".

Lão nông bắt cây ra quả trên đất cằn, thu hàng trăm triệu đồng mỗi năm - 5

Ngoài thu nhập từ gần 500 gốc ổi, lê, 120 gốc mít các loại và các loại cây khác trong vườn, mỗi năm ông Phan Quang Tám có thể thu về hơn 400 triệu đồng.

Ông Phan Quang Tám cũng đã lai ghép thành công giống hồng bưởi mới, lai từ 4-5 dòng bưởi (bưởi Năm Roi, bưởi Hải Dương, Hà Nội...). Bưởi vỏ vàng, ruột hồng, vị ngọt thanh, trung bình mỗi trái có thể nặng từ 3-5 kg.

Ông đang làm thủ tục đăng ký bảo hộ sản phẩm đối với giống bưởi này. Ông đặt tên là bưởi Điện Bàn với mong muốn đây sẽ là cây giống mới giúp tạo thêm sinh kế cho người dân, cũng như có thêm loại cây trái đặc sản riêng của vùng đất Điện Bàn (Quảng Nam).

Theo ông Phan Quang Tám, chọn được giống cây tốt là điều quan trọng nhất, nhưng nếu biết cách quản lý vườn và chăm sóc cây đúng cách thì mới đạt lợi nhuận cao. 

Phải tuyệt đối tuân thủ biện pháp canh tác hữu cơ để vừa tiết kiệm chi phí vừa đảm bảo sản phẩm sạch. Sử dụng phân chuồng ủ sinh học để bón cho vườn cây mỗi tháng một lần và nên tưới nước bằng hệ thống tự động.

Theo ông Đặng Hữu Tú - Chủ tịch Hội nông dân thị xã Điện Bàn, trường hợp ông Phan Quang Tám là điển hình nông dân sản xuất giỏi cấp tỉnh. Nhiều mảnh vườn, ao cá của người dân tại địa phương đạt năng suất cao sau khi được ông nhiệt tình hỗ trợ. Ông Phan Quang Tám còn là tấm gương khởi nghiệp, cố gắng vươn lên làm giàu trên mảnh đất quê hương.