1. Dòng sự kiện:
  2. Thực hành chữ "S" trong ESG

Nghệ An:

Lão ngư hơn một thập kỷ trông coi hàng trăm bộ xương cá voi

Hoàng Lam

(Dân trí) - Sau biến cố gia đình, lão ngư Nguyễn Võ Hạ bỏ nghề đi biển, tìm sự bình yên nơi ngôi đền linh thiêng trong vùng. Từ đây, cụ Hạ có thêm một nhiệm vụ mới: Quản trang của nghĩa địa cá Ông.

Một sáng đầu tháng Giêng, chúng tôi có mặt tại Đền làng Hiếu (phường Nghi Hải, thị xã Cửa Lò, Nghệ An). Mưa phùn lất phất, gió từ biển thổi vào khiến cái lạnh trở nên tê tái hơn. Từ khu nghĩa trang trong khuôn viên Đền Hiếu, cụ Nguyễn Võ Hải (SN 1947) buông vội nắm lá khô vừa nhặt trên các phần mộ trong tay xuống, tấp tểnh đi ra.

Lão ngư hơn một thập kỷ trông coi hàng trăm bộ xương cá voi  - 1

Nghĩa trang cá Ông tại phường Nghi Hải, thị xã Cửa Lò, Nghệ An hiện đang an táng 100 hài cốt cá voi.

"Hôm qua tiêm vaccine phòng Covid-19 mũi 3, khớp xương đau nhức hết cả lên nhưng phần việc của mình thì không nghỉ được", cụ Hạ lí giải. Hơn 12 năm nay, cụ Hạ là thủ từ của Đền làng Hiếu, kiêm "quản trang" của nghĩa địa đặc biệt nhất Nghệ An này. Đây là nơi yên nghỉ của 100 con cá Ông, "lụy" vào bờ biển Cửa Lò trong nhiều năm qua.

Nghĩa địa cá voi

"Với người dân đi biển, cá Ông có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, không chỉ là bạn đồng hành mà còn cứu giúp ngư dân khi gặp nạn trên biển. Ngày xưa phương tiện tàu thuyền không được như bây giờ, gặp cuồng phong giữa biển khơi thì khó chống đỡ.

Nhiều khi sóng to gió lớn, tưởng chừng như thuyền sắp lật đến nơi thì cá Ông đến, lấy thân mình để tàu thuyền nương vào đó, nhờ vậy là thoát nạn", lão ngư 75 tuổi kể.

Lão ngư hơn một thập kỷ trông coi hàng trăm bộ xương cá voi  - 2

Mỗi con "cá Ông" theo cách gọi tôn kính của ngư dân miền biển "lụy" bờ là một câu chuyện nhuốm màu truyền thuyết về sự giúp đỡ của loài cá này đối với sự an toàn của người dân khi lênh đênh trên biển.

Bởi vậy, đối với ân nhân khi chết và lụy vào bờ, luôn được ngư dân chôn cất, thờ phụng chu đáo, kính cẩn gọi bằng "Ngài". Tương truyền, vào khoảng thế kỷ 19, một con cá Ông lớn dạt vào bờ, ngư dân phải dùng tới 61 chiếc chiếu mới có thể phủ hết thân mình và thực hiện nghi thức mai táng của làng biển. Cá ông này sau đó được người dân tôn là "Nam Hải thần ngư". Đó cũng chính là "khởi thủy" của nghĩa địa cá Ông ở đây.

Lão ngư hơn một thập kỷ trông coi nghĩa địa cá ông

Theo cụ Hạ, ngư dân nào phát hiện cá Ông chết hay lụy bờ đầu tiên sẽ là người chịu tang "Ngài" theo nghi thức đại tang trong gia đình. Ngoài việc an táng trọng thể, chu đáo và cùng gia đình chịu tang trong 3 ngày, người phát hiện "Ngài lụy" phải tiếp tục chịu tang trong vòng 2 năm 3 tháng tiếp theo.

"Trong thời gian đó, phải kiêng sinh hoạt vợ chồng, kiêng đi đến những đám ma khác", cụ Hạ kể.

Lão ngư hơn một thập kỷ trông coi hàng trăm bộ xương cá voi  - 3

Ngoài 88 phần mộ riêng, tại lăng chính đang lưu giữ xương cốt của 12 cá Ông, cá Bà, trong đó có con cá voi đầu tiên lụy bờ được ngư dân ở đây an táng, thờ phụng.

Cá voi được an táng rải rác ngoài khu vực gần bờ biển, sau 3 năm thì được cải táng, đưa vào khuôn viên Đền Hiếu để thờ phụng. Hiện, ngoài khu lăng mộ chính đang chứa xương cốt của 12 "Ngài" còn có 88 phần mộ khác, tổng cộng có 100 cá Ông đã được thờ phụng, chăm sóc tại đây.

Nghĩa trang đã được nâng cấp, toàn bộ khuôn viên được lát gạch men, các phần mộ được xây bằng gạch, quét sơn màu sáng, một số phần mộ được gắn bia, ghi tên của "Ngài", cùng thời điểm được phát hiện, chôn cất. Tên của "Ngài" được đặt theo họ của người phát hiện và thờ phụng.

Hơn một thập kỷ coi sóc nghĩa địa cá Ông

Cụ Nguyễn Võ Hạ vốn là một ngư dân, gắn bó lâu năm với những con sóng ngoài biển cả. Nghề cha truyền con nối và tình yêu với biển cả bao la đã giúp người đàn ông này nuôi sống cả gia đình.

Lão ngư hơn một thập kỷ trông coi hàng trăm bộ xương cá voi  - 4

Với lão ngư này, hương khói, thờ phụng, chăm sóc phần mộ của 100 cá voi không chỉ thể hiện lòng tôn kính với người bạn và ân nhân của người đi biển, mà là để gìn giữ một nét đẹp trong đời sống văn hóa tâm linh.

Năm 2012, người con trai thứ của ông, mới 18 tuổi đột ngột qua đời sau một vụ tai nạn. Mất mát lớn khiến người đàn ông vốn dạn dày sương gió phải chịu một cú sốc tinh thần. Ông tìm đến ngôi Đền làng Hiếu để tĩnh tâm và xa thuyền, xa biển từ đó.

Thời điểm này, thủ từ của ngôi đền xin nghỉ vì tuổi cao, chính quyền địa phương động viên ông kế tiếp nhang khói ở đây. Cụ Hạ trở thành "quản trang" của nghĩa địa cá Ông từ đó.

Công việc không có gì nặng nhọc nhưng cần sự thành tâm, tỉ mỉ, chu đáo. Hàng ngày ông quét dọn khu lăng mộ của các Ngài, mùng Một và ngày Rằm hàng tháng thì hương khói và hướng dẫn người dân đi lễ, thắp hương. "Hàng năm các gia đình phát hiện, chôn cất các "Ngài" đều tổ chức lễ cúng giỗ trang trọng như một thành viên trong gia đình đã khuất.

Ngoài ra, một lễ giỗ chung 100 "Ngài" được tổ chức vào ngày 14/3, trong ngày lễ cầu ngư của ngư dân", cụ Hạ thông tin.

Lão ngư hơn một thập kỷ trông coi hàng trăm bộ xương cá voi  - 5

Chỉ khi nào tuổi già, sức yếu, không thể đảm đương được nhiệm vụ này, cụ Hạ mới có ý định nghỉ ngơi.

Cụ Hạ bảo, suốt 12 năm gắn bó với công việc đặc biệt này, cụ thấy lòng mình thảnh thơi, tinh thần thoải mái. Dù xa biển, xa thuyền nhưng mỗi ngày "trò chuyện" với các "Ngài", người đàn ông đã bước sang tuổi 75 như thấy lại hình ảnh của mình hơn 50 năm về trước, khi còn trai tráng, ăn sóng, nói gió, hiên ngang giữa biển khơi.

Nay, với cụ, chăm sóc phần mộ của các "Ngài", không chỉ để tĩnh tâm lúc tuổi xế chiều, mà quan trọng hơn là giữ nét đẹp trong đời sống tâm linh của người dân miền biển. Lão ngư này cho biết, lúc nào sức lực không cho phép nữa thì mới xin nghỉ, còn sức là vẫn còn chăm sóc, hương khói mong các "Ngài" phù hộ mưa thuận, gió hòa, trời yên biển lặng, những chuyến tàu ra khơi bình yên, trở về đầy ắp tôm cá.