Lao động Việt Nam có thể “đi tắt, đi nhanh” sang Đài Loan được không?

Ở trong nước hiện nay, người lao động thường bị thu nhiều loại phí với giá cao, dễ dàng bị các đối tượng bên ngoài lừa bịp.

Lao động Việt Nam có thể “đi tắt, đi nhanh” sang Đài Loan được không?
Bà Nguyễn Thị Tuyết Nhung – Trưởng ban Quản lý lao động, thuộc Văn phòng Kinh tế - Văn hóa Việt Nam tại Đài Bắc

Đài Loan (Trung Quốc) là thị trường xuất khẩu lao động lớn của Việt Nam. Bên cạnh những thuận lợi về công việc, môi trường, thị trường này cũng có những yêu cầu nhất định của một nền văn hóa khác đối với lao động nước ngoài. Người lao động Việt phải chuẩn bị những gì để hòa nhập, sống và làm việc tốt nhất tại Đài Loan, có thể “đi nhanh, đi tắt được không”?

Phóng viên VOV.VN phỏng vấn bà Nguyên Thị Tuyết Nhung – Trưởng ban Quản lý lao động, thuộc Văn phòng Kinh tế - Văn hóa Việt Nam tại Đài Bắc.

Cần chuẩn bị tâm thế bước vào một xã hội công nghiệp

PV: Thưa bà, lao động Việt Nam cần lưu ý những gì khi có nhu cầu đi lao động tại Đài Loan?

Bà Nguyễn Thị Tuyết Nhung: Ở trong nước hiện nay, người lao động thường bị thu nhiều loại phí với giá cao, dễ dàng bị các đối tượng bên ngoài lừa bịp. Những đối tượng này thường sử dụng chiêu thức nói với người lao động là “đi qua tôi, tôi dẫn dắt sẽ được đi nhanh”. Tuy nhiên “nhanh” cũng phải có giới hạn, không phải 5 ngày, 10 ngày là đi được. Trong khi đó, người lao động rất cần trang bị một tâm thế để bước vào một xã hội khác với Việt Nam – một xã hội công nghiệp, rồi ngôn ngữ bất đồng…
Người lao động cần có vài tháng được đào tạo tập trung ở cơ sở đào tạo của doanh nghiệp đưa đi. Trường nào càng có kỷ luật cao, yêu cầu cao trong việc học tập trung thì lao động sang Đài Loan sẽ gặp nhiều thuận lợi hơn. Các doanh nghiệp Việt Nam đã đưa lao động sang thị trường Đài Loan khá lâu rồi, nên họ hiểu bên này (Đài Loan – PV) nhu cầu lao động như thế nào.

Cho nên, người lao động Việt Nam tiếp cận được một doanh nghiệp có giấy phép, tổ chức đào tạo có quy mô, nghiêm túc thì mình nên tin vào doanh nghiệp đó và cần nghiêm chỉnh thực hiện việc học tiếng. Khi được trang bị những kiến thức cơ bản, vào môi trường làm việc, người lao động sẽ nâng được trình độ tiếng của mình lên rất nhanh và dễ dàng. Qua đó sẽ hiểu được phong tục tập quán của Đài Loan, đặc tính của chủ sử dụng lao động, biết được cách hai bên ứng xử như thế nào để có thể hòa hợp với nhau.

PV: Để lao động Việt Nam có thể hòa nhập được với xã hội Đài Loan, họ cần lưu ý những gì thưa bà?

Bà Nguyễn Thị Tuyết Nhung: Trước khi sang Đài Loan, người lao động phải nắm bắt thông tin và phải biết những kênh nào là kênh bảo vệ mình. Điều rất hữu ích là ngay sau khi nhập cảnh Đài Loan, sẽ có ngay đội phục vụ của Ủy ban Lao động Đài Loan ở sân bay đón lao động và họ sẽ một lần nữa tuyên truyền luật pháp và cấp cho người lao động một cuốn sổ tay nhỏ, trong đó có đủ tất cả các kênh để bảo vệ người lao động.

Thậm chí họ còn làm thêm một chiếc thẻ, nhỏ như thẻ điện thoại, trên đó ghi đầy đủ số điện thoại liên lạc khi người lao động cần có sự trợ giúp, trong đó có số đường dây nóng của Ủy ban Lao động, số cảnh sát và số của Ban Quản lý lao động thuộc Văn phòng Kinh tế - Văn hóa Việt Nam tại Đài Bắc. Để bảo vệ mình, người lao động phải giữ những thứ đó.

Trong quá trình làm việc, phải xác định Đài Loan là một xã hội công nghiệp hiện đại, khác với mình rất nhiều. Muốn thích nghi được phải “nhìn anh em” xung quanh, học cách làm việc như thế nào, phải tuân thủ giờ giấc và điều quan trọng là Đài Loan rất chú ý đến an toàn lao động. An toàn lao động ở đây có hai mặt, đó là an toàn bảo hộ và vệ sinh an toàn lao động. Người lao động cần tuân thủ và đồng thời muốn hòa nhập được thì cần chịu khó lắng nghe.

Tôi không lo ngại chuyện lao động Việt Nam sang đây không hòa nhập được, bởi lao động Việt Nam ở đây đông và họ giúp nhau hòa nhập là chuyện rất dễ dàng. Điều tôi cần lưu ý lao động Việt Nam là tuân thủ lao động và pháp luật Đài Loan.
Lao động Việt Nam có thể “đi tắt, đi nhanh” sang Đài Loan được không?
Người lao động Việt Nam tại một chương trình liên hoan được tổ chức tại Đài Loan (Ảnh do nhân vật cung cấp)

Chăm sóc đời sống tinh thần cho người lao động

PV: Bà có thể thông tin cụ thể hơn về chính sách của Đài Loan giúp người lao động nước ngoài hòa nhập với xã hội sở tại, nhất là trong lĩnh vực đời sống văn hóa, tinh thần?

Bà Nguyễn Thị Tuyết Nhung: Những năm gần đây, đầu tư cho đời sống tinh thần của lao động nước ngoài được Đài Loan quan tâm đầu tư nâng lên rất nhiều. Theo tinh thần nâng cao nhân quyền của lao động nước ngoài, trong đó có mảng nâng cao đời sống tinh thần cho lao động nước ngoài, cho nên các Cục Lao động địa phương đều có thể xin kinh phí để tổ chức các hoạt động cho lao động nước ngoài của từng nước một.

Họ có thể tổ chức thi biểu diễn ca nhạc, thi sáng tác thơ văn. Ví dụ thành phố Đài Bắc hàng năm tổ chức thi làm thơ và viết văn, thi nấu ăn, chụp ảnh, thi vẽ, hát… và họ làm rất xuất sắc bởi có sự chuẩn bị và ngày càng chuyên nghiệp hơn. Bên cạnh đó là hoạt động biểu dương lao động ưu tú, vốn trước đây chỉ dành cho người bản địa, thì nay dành cho cả người nước ngoài.

Ngoài ra, lao động nước ngoài cũng đem đến cho các doanh nghiệp liên quan đến mảng phục vụ cộng đồng (như điện tín, chuyển tiền) rất nhiều lợi ích. Cho nên họ rất mong muốn được tổ chức và bỏ tiền ra mời các ca sĩ nổi tiếng từ Việt Nam sang và tổ chức đại nhạc hội cho cộng đồng người lao động, cô dâu đến xem và họ sẽ làm cho từng nước một.

Những lao động ở đây lâu năm cũng thành lập những đội múa, biểu diễn trong các chương trình quan trọng của các cơ quan chức năng của Đài Loan. Lao động ở Đài Loan rất vui, bởi ở đâu có ca nhạc là được nhắn tin đến điện thoại. Điều đặc biệt mà Văn phòng Kinh tế - Văn hóa Việt Nam tại Đài Bắc tổ chức được trong 5 năm trở lại đây là năm nào cũng tổ chức một đại nhạc hội phục vụ cộng đồng người Việt. Ví dụ như năm vừa qua đã mời các ca sĩ như Hồ Ngọc Hà, Cao Thái Sơn sang biểu diễn.

PV: Xin cảm ơn bà!.

Theo VOV.VN

Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ LĐ-TB-XH) cho biết, từ tháng 7/2014, mức lương cơ bản của lao động đi làm việc tại Đài Loan đã được tăng lên 19.273 đài tệ/tháng (tương đương hơn 13,5 triệu đồng/tháng). Trong 4 nước đưa lao động vào Đài Loan (Indonesia, Thái Lan, Philippines, Việt Nam), số lượng lao động của Việt Nam tăng trưởng mạnh nhất. Trong 6 tháng đầu năm 2014, Đài Loan tiếp tục là thị trường tiếp nhận nhiều lao động Việt Nam nhất, chủ yếu làm việc tại ngành sản xuất công nghiệp, xây dựng, ngành dịch vụ…