Tận dụng nguồn lực từ người đi xuất khẩu lao động trở về

Người lao động đi làm việc ở nước ngoài trở về khó tiếp cận với các cơ hội việc làm bởi chưa có nguồn dữ liệu thông tin cụ thể để khớp nối với nhu cầu tuyển dụng trong nước, gây lãng phí nguồn nhân lực.

Tận dụng nguồn lực từ người đi xuất khẩu lao động trở về
Lao động đi xuất khẩu lao động trở vể rất cần được kết nối với nhu cầu tuyển dụng trong nước. Ảnh: VGP/Thu Cúc

Lãng phí nguồn lực

Theo Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ LĐTBXH), Việt Nam có khoảng 560.000 lao động đang làm việc tại 49 quốc gia, vùng lãnh thổ, hoạt động ở 30 nhóm ngành nghề khác nhau.

Bình quân mỗi năm có khoảng 80.000 lao động đi làm việc tại nước ngoài, chiếm 5% số lao động được giải quyết việc làm hằng năm. Lao động làm việc tại nước ngoài với tư cách chuyên gia chỉ chiếm hơn 0,18%, lao động có nghề gần 43%, còn lại là lao động phổ thông hơn 56%.

Tuy nhiên, Việt Nam hiện chưa có chính sách cụ thể cho người lao động tái hòa nhập khi trở về để tận dụng kỹ năng, kinh nghiệm họ đã được đào tạo tại nước ngoài cũng như chính sách tận dụng nguồn vốn mà họ tích lũy được để đầu tư cho sản xuất kinh doanh.

Chủ tịch Hiệp hội xuất khẩu lao động Việt Nam Nguyễn Lương Trào cho rằng, việc quản lý thiếu hiệu quả quá trình trở về của người lao động có thể khiến họ gặp phải những rủi ro về sức khỏe và an toàn. Họ có thể bị ép buộc phải trả các khoản tiền môi giới và dịch vụ cao, hay không đòi lại được tiền đặt cọc và bị nợ lương, khi về nước phải đối mặt với tình trạng thất nghiệp.

Trong khi đó, nếu được tạo điều kiện tốt, người đi xuất khẩu lao động khi trở về sẽ là một nguồn lực quý cho sự phát triển kinh tế-xã hội thông qua lượng tiền chuyển về từ nước ngoài và các kỹ năng, kinh nghiệm họ tích lũy trong thời gian làm việc.

Theo một nghiên cứu của Bộ LĐTBXH và Ngân hàng Thế giới (WB), phần lớn lao động di cư Việt Nam trở về quay lại với các công việc lao động phổ thông, các công việc mà họ đã làm trước khi di cư và không liên quan đến kỹ năng và kiến thức mà họ tiếp thu được khi làm việc ở nước ngoài.

Nguyên nhân là do phần lớn người lao động xuất thân từ nông thôn, thiếu thông tin để tiếp cận với những cơ hội việc làm. Mặt khác, họ cũng không thể tìm được nghề tương tự trong các công ty ở Việt Nam, hoặc có nghề nhưng máy móc và công nghệ khác biệt nên không thể áp dụng.

Theo đánh giá của các chuyên gia, việc chưa tận dụng nguồn lực của những người từng đi lao động tại nước ngoài là một sự lãng phí, bởi thực tế các doanh nghiệp FDI đang hoạt động tại Việt Nam có nhu cầu rất lớn đối với nguồn lực này. Bất cập lớn nhất là chưa có nguồn dữ liệu thông tin về lao động đi xuất khẩu trở về để khớp nối với nhu cầu tuyển dụng trong nước.

Cần hệ thống dữ liệu về lao động di cư

Để khắc phục “điểm nghẽn” thiếu thông tin trong việc kết nối cung cầu giữa người đi xuất khẩu lao động trở về và doanh nghiệp, theo nguyên Phó Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước Đào Công Hải, cần thiết lập các địa điểm cung cấp thông tin dành cho người đi xuất khẩu lao động trong khi ở nước ngoài và khi trở về. Cán bộ quản lý lao động tại nước sở tại có thể tổ chức các hoạt động truyền thông, cung cấp thông tin tại chỗ cho lao động.

Các điểm cung cấp thông tin khác có thể đặt tại các sân bay quốc tế với bàn trợ giúp thông về tái hòa nhập như thanh lý hợp đồng, dịch vụ ngân hàng, dịch vụ y tế, cơ hội việc làm.

Có thể thấy, thách thức lớn hiện nay là việc xây dựng các chương trình và chính sách cho đối tượng người lao động di cư gặp khó khăn, bởi không có dữ liệu đầy đủ. Các dữ liệu hiện có chỉ bao gồm những hình thức di cư được báo cáo như lao động theo hợp đồng, hoặc trở về có tổ chức, còn các đối tượng khác hầu như không có thông tin.

Có cơ sở dữ liệu đầy đủ mới có thể xây dựng các chương trình đáp ứng nhu cầu của các nhóm đối tượng lớn hơn dựa trên các số liệu như loại hình trở về (tự nguyện hay bắt buộc), loại hình công việc (công nhân nhà máy hay giúp việc gia đình…), thời gian dự định trở về (tạm thời hay lâu dài).

Mặt khác, trở về và tái hòa nhập nên trở thành nội dung bắt buộc trong giáo bình bồi dưỡng kiến thức trước khi đi của các doanh nghiệp có chức năng đưa người đi làm việc. Thực tế, các doanh nghiệp vẫn tổ chức khóa bồi dưỡng kiến thức cần thiết trước khi đi cho người lao động, nhưng chất lượng các khóa học này rất khác nhau.

Nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng, giáo trình của các khóa học này không thực sự phù hợp nhu cầu của người lao động và chỉ tập trung vào các kiến thức văn hóa, ít đề cập đến các thông tin cụ thể như luật nhập cư của nước sở tại và quyền tại nơi làm việc.

Việc tổ chức các hội chợ việc làm cho đối tượng riêng là người đi xuất khẩu lao động trở về cũng rất cần thiết. Thời gian qua, hội chợ dành cho lao động từ Hàn Quốc trở về theo chương trình EPS khá hiệu quả, hàng nghìn người đã tìm được việc làm do được kết nối với doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng.

Trung tâm Lao động ngoài nước phối hợp với các cơ quan liên quan của Hàn Quốc đã nhân rộng mô hình này tại một số địa phương để đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp và nguyện vọng của người lao động.
Theo Chinhphu.vn