Xuất khẩu Lao động: Thêm những thị trường tiền tỉ mỗi năm

Xuất khẩu lao động (XKLĐ) sẽ có thêm nhiều thị trường mới đầy hứa hẹn khi mức thu nhập cho các lao động có thể lên tới hàng tỷ đồng/năm. Đây sẽ là cơ hội cho hàng vạn lao động Việt Nam có tay nghề “đổi đời”. Theo đó, ngoài thị trường truyền thống, các thị trường mới như Angola, Arab Saudi, Đức, Thái Lan… với rất nhiều hứa hẹn.

Lao động Việt Nam đang làm việc tại Hàn Quốc. Ảnh H.Q
Lao động Việt Nam đang làm việc tại Hàn Quốc. Ảnh H.Q

Đến Đức với “lương” 55 triệu đồng/tháng

Thông tin từ Bộ LĐ,TB&XH cho thấy, 8 tháng đầu năm 2014, thị trường XKLĐ được mở rộng. Đơn vị phụ trách mảng XKLĐ của Bộ này, Cục Quản lý lao động ngoài nước cho biết, thị trường lao động khu vực Trung Đông đang có dấu hiệu phục hồi. Số đơn hàng và nhu cầu lao động xây dựng và dịch vụ sang UAE, Qatar đã chứng minh nhận định trên.

Tới đây, tại khu vực châu Phi và Trung Đông, nước ta sẽ ký kết thỏa thuận với Angola và Arab Saudi ở cấp bộ trong một số lĩnh vực để tạo điều kiện phát triển việc làm an toàn cho lao động Việt Nam. Ở thị trường khó tính như châu Âu, ngành lao động nước ta cũng đang xúc tiến ký thỏa thuận hợp tác lao động với CHLB Đức. Thậm chí ở khu vực Đông Nam Á các thỏa thuận về hợp tác lao động với Thái Lan cũng đang được xúc tiến quyết liệt.

Về thị trường Đức, Cục Quản lý lao động ngoài nước cho biết, cơ quan chuyên môn đã kết thúc việc tuyển chọn ứng viên cho khóa 2 của chương trình thí điểm “Đào tạo điều dưỡng viên đến từ Việt Nam” cho năm 2015. Hiện tại, có 125 ứng viên phù hợp đã được tuyển chọn để đưa sang Đức đào tạo.

Trong 2 năm học chuyên môn tại Đức, học viên điều dưỡng viên người Việt sẽ được bố trí chỗ ở miễn phí và được hưởng mức học bổng 1.800 - 2.000 EUR/tháng, tương đương 50 - 55 triệu đồng. Điều dưỡng viên phải đóng các khoản thuế và bảo hiểm theo quy định của nước bạn và tự túc các chi phí ăn ở và sinh hoạt.

Cũng theo Cục Quản lý lao động ngoài nước thì hợp tác về lao động tại Đức là nhằm khắc phục tình trạng thiếu nhân lực trầm trọng trong ngành điều dưỡng ở nước này. Để chuẩn bị cho khóa đào tạo ở Đức, từ tháng 8/2014, các học viên sẽ được học tiếng Đức cấp tốc trong một năm tại Viện Goethe (Hà Nội), với sự hỗ trợ kinh phí của chính phủ Đức. Khi kết thúc khóa học tiếng, các ứng viên cần đạt trình độ tiếng Đức B2.

Bên cạnh đó để giúp nâng cao khả năng hòa nhập xã hội khi sang Đức, các ứng viên sẽ được tham gia các khóa học tiếng chuyên môn cũng như một chương trình hỗ trợ đa văn hóa. Đáng mừng là từ năm 2015, việc hợp tác sẽ được thực hiện lâu dài trong khuôn khổ hợp tác đào tạo kinh tế tư nhân Đức-Việt.

Nhiều cơ hội tại Hàn Quốc, Đài Loan

Theo Bộ LĐ,TB&XH, Đài Loan là một trong những thị trường tiếp nhận lao động Việt Nam sang làm việc nhiều nhất trong những năm qua. Mới đây, Đài Loan đã ban hành các chính sách mới liên quan đến lao động nước ngoài, trong đó, phần lớn các quy định này khuyến khích các doanh nghiệp tuyển dụng và tạo điều kiện thuận lợi cho lao động nước ngoài tới làm việc ở thị trường này.

Mặt khác, hiện thị trường này vẫn tiếp tục ngừng nhận lao động Philippines và đây sẽ là cơ hội cho lao động Việt Nam trong các ngành sản xuất. Trước đó, nước ta đã tăng cường kiểm soát mức thu phí môi giới của các doanh nghiệp trong nước và giảm mức phí trần quy định từ 4.500 USD năm 2013 xuống còn 4.000 USD.

Ông Nguyễn Ngọc Hoan, Giám đốc Công ty Đào tạo nghề và xuất khẩu lao động (Ba Đình, Hà Nội) cho biết: “Năm 2014, nhu cầu lao động của thị trường Đài Loan rất lớn. Trong khi đó, số lượng lao động đến từ Thái Lan và Philipines vào thị trường này bị hạn chế. Lượng lao động trong 8 tháng qua của nhiều doanh nghiệp cung ứng sang thị trường này tăng cao nhất so với cùng kỳ các năm trước.

Trong đó, doanh nghiệp của chúng tôi đã đưa được 1.000 lao động, tăng 150% so với năm trước. Từ nay đến cuối năm, dự kiến chúng tôi sẽ đưa được thêm 400-500 lao động sang thị trường này”.

Thị trường Hàn Quốc vốn chao đảo từ năm 2012 do hệ lụy từ vấn nạn lao động bất hợp pháp sau khi đã hết hợp đồng lao động, cũng có nhiều tín hiệu khả quan. Theo Bộ LĐ,TB&XH, việc Bộ ký kết bản ghi nhớ đặc biệt với Bộ Việc làm và lao động Hàn Quốc đã đem lại niềm vui cho gần 14.000 lao động.

Theo đó, ba loại đối tượng được phía Hàn Quốc cho phép giới thiệu cho chủ sử dụng lao động Hàn Quốc gồm: Lao động đã đỗ các kỳ thi tiếng Hàn tháng 12/2011, tháng 5/2012 và tháng 8/2012; lao động huyện nghèo sang Hàn Quốc làm nông nghiệp đã đăng ký kiểm tra tiếng Hàn tháng 8/2012 và lao động về nước đúng hạn.

Riêng với hơn 2.700 lao động thuộc huyện nghèo đã đăng ký thi tiếng Hàn để đi Hàn Quốc làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp, sẽ được hỗ trợ để học lại tiếng Hàn theo Quyết định 71 của Thủ tướng Chính phủ.

Theo chủ các doanh nghiệp XKLĐ ở Hà Nội, năm nay, nhiều doanh nghiệp tại Malaysia khôi phục sản xuất và nhu cầu nhân công cũng tăng cao. Chính phủ nước này đã ra quyết định tăng mức lương tối thiểu qui định cho người lao động theo từng khu vực, mức lương mới sẽ bảo đảm cuộc sống khi chi phí sinh hoạt gia tăng. Công nhân nước ngoài trong đó có lao động Việt Nam được tăng lương tối thiểu đáng kể so với mức quy định cũ, từ 40 - 90%.

Nhiều doanh nghiệp nước bạn thực hiện chế độ khoán nên lao động có thể phát huy được tối đa năng suất. Số doanh nghiệp còn lại thì có thêm cơ chế mở về giờ làm thêm giúp cho lao động có thêm thu nhập. Theo các doanh nghiệp XKLĐ Việt Nam, nhờ các cơ chế nêu trên, số lao động Việt Nam làm việc ở các nhà máy đều có mức thu nhập trên 10 triệu đồng/tháng.




Theo Minh Anh/Báo Gia đình xã hội

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm