Lao động Việt làm ra hơn 170 triệu đồng/năm, thu về gần 6 triệu đồng/tháng

Hoa Lê Sơn Nguyễn

(Dân trí) - Theo Ủy ban Văn hóa - Giáo dục của Quốc hội, năm 2021 bình quân mỗi lao động Việt Nam làm ra 171,8 triệu đồng, tăng gấp 2,5 lần so với 10 năm trước đó.

Năng suất lao động tăng

Báo cáo việc thực hiện chính sách, pháp luật về việc làm đối với thanh niên giai đoạn 2020-2023, Ủy ban Văn hóa Giáo dục của Quốc hội cho biết, tỷ lệ thanh niên hiện đang có xu hướng giảm mạnh cả về cơ cấu dân số và lực lượng lao động.

Năm 2020, Việt Nam có khoảng 22,6 triệu người trong độ tuổi 15-29, chiếm 23,2% dân số, đến năm 2022 giảm xuống còn hơn 20,72 triệu người chiếm 20,9% dân số.

Trong đó, lao động thanh niên năm 2019 là 13,99 triệu người, năm 2020 là 12,55 triệu người, năm 2021 là 10,8 triệu người và năm 2022 là 10,6 triệu người.

Lao động Việt làm ra hơn 170 triệu đồng/năm, thu về gần 6 triệu đồng/tháng - 1

10 năm qua, năng suất lao động của Việt Nam tăng lên nhưng vẫn thấp hơn so với các nước trong khu vực (Ảnh minh họa: Quang Tùng).

Trong 10 năm 2011-2021, năng suất lao động của Việt Nam có sự cải thiện đáng kể, đạt 6%. Mỗi lao động Việt tạo ra từ 70,3 triệu đồng/lao động năm 2011 lên 171,8 triệu đồng/lao động năm 2021. Tuy nhiên, mức này vẫn còn thấp hơn nhiều so với các nước trong khu vực và khoảng cách chênh lệch có xu hướng gia tăng.

Trong khi đó, theo báo cáo của Tổng cục Thống kê năm 2021, thu nhập bình quân tháng của người lao động là 5,7 triệu đồng. Trong đó, thu nhập bình quân của lao động khu vực thành thị là 7 triệu đồng, cao hơn 1,4 lần mức thu nhập bình quân lao động khu vực nông thôn (5 triệu đồng). 

"Thực trạng trên cho thấy dấu hiệu đáng lo ngại về thế hệ lao động tương lai, là thách thức lớn đối với Việt Nam trong việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nhất là trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế, tác động mạnh mẽ của cách mạng công nghiệp 4.0 và sự phát triển của trí tuệ nhân tạo", báo cáo từ Ủy ban Văn hóa - Giáo dục của Quốc hội thể hiện.

Chỉ ra những bất cập, hạn chế, Ủy ban Văn hóa - Giáo dục của Quốc hội cho biết, hệ thống chính sách việc làm tương đối đồng bộ nhưng còn thiếu các chính sách riêng nhằm đẩy mạnh tạo việc làm cho thanh niên, nhất là sinh viên mới ra trường, thanh niên nông thôn.

Tỷ lệ lao động thanh niên chưa qua đào tạo vẫn còn ở mức cao, trên 73% (năm 2020 là 76%; năm 2021 là 73,9%; năm 2022 là 73,7%). Nhiều sinh viên tốt nghiệp ra trường gặp khó khăn trong tìm kiếm việc làm. Năm 2020 có hơn 1,2 triệu người thất nghiệp, trong đó, số người có trình độ cao đẳng chiếm 1,52% (khoảng 18.240 người), đại học trở lên chiếm 1,04% (12.480 người).

Giảm tỷ lệ thất nghiệp, tăng năng suất lao động

Góp ý đối với vấn đề việc làm cho thanh niên tại hội trường Quốc hội sáng 1/11, đại biểu Triệu Thị Huyền (Yên Bái) nêu rõ, tỉ lệ thất nghiệp của thanh niên còn cao, tỉ lệ thất nghiệp của thanh niên từ độ tuổi 15-24 tuổi trong quý 3 năm 2023 là 7,86%, trong đó tỉ lệ thất nghiệp của thanh niên khu vực thành thị là 10,35%, nông thôn là 6,60%... 

Theo đại biểu Triệu Thị Huyền, thanh niên là lực lượng đông đảo, tiên phong trong lao động sản xuất. Tuy nhiên, tỷ lệ thanh niên thất nghiệp cao sẽ giảm động lực tăng trưởng kinh tế, ảnh hưởng chỉ tiêu tăng năng suất lao động, thu nhập đời sống của thanh niên, gia đình họ, gây áp lực với an sinh xã hội.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến thực trạng trên, song nữ đại biểu lưu tâm đến hoạt động giáo dục hướng nghiệp và phân luồng học sinh.

Lao động Việt làm ra hơn 170 triệu đồng/năm, thu về gần 6 triệu đồng/tháng - 2

Đại biểu Triệu Thị Huyền (Ảnh: Quốc hội).

Từ đó, đại biểu Triệu Thị Huyền kiến nghị Chính phủ đánh giá công tác phân luồng học sinh và chất lượng, hiệu quả cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Bên cạnh đó, bà cũng đề nghị tăng cường công tác dự báo nguồn nhân lực, gắn đào tạo với nhu cầu thị trường lao động...

Đại biểu Nguyễn Thị Tuyết Nga (Quảng Bình) cho rằng, năng suất lao động có ý nghĩa quyết định đối với năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, đặc biệt là trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng hiện nay.

Theo đại biểu, nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới, Chính phủ cần tập trung cải thiện chỉ tiêu quan trọng này, nâng hiệu quả sử dụng nguồn nhân lực và đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao.