Nguồn nhân lực chất lượng cao là chìa khóa nâng cao năng suất lao động
(Dân trí) - Các nước thành viên ASEAN xác định phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao là chìa khóa nâng cao năng suất lao động và khả năng cạnh tranh của khu vực.
Chiều ngày 26/4, Bộ LĐ-TB&XH phối hợp với Ban Thư ký ASEAN và Chương trình hợp tác vùng ASEAN trong giáo dục nghề nghiệp, tổ chức Lễ ra mắt Nghiên cứu khu vực về sự sẵn sàng phát triển nguồn nhân lực trong ASEAN. Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Lê Tấn Dũng đến dự và phát biểu chỉ đạo.
Đây là một trong những hoạt động nhằm thúc đẩy việc hiện thực hóa Tuyên bố ASEAN về phát triển nguồn nhân lực cho thế giới công việc đang đổi thay. Lộ trình thực hiện Tuyên bố, đã được các nhà lãnh đạo ASEAN thông qua tại Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 36 và 37 trong năm 2020.
Chìa khóa để nâng cao năng suất
Tại buổi Lễ, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Lê Tấn Dũng nhấn mạnh: "Với vị trí là nền kinh tế lớn thứ 5 trên thế giới, cùng sự thay đổi nhanh chóng của nền kinh tế số, các nước thành viên ASEAN xác định việc phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao là chìa khóa để nâng cao năng suất lao động và khả năng cạnh tranh của khu vực".
Cũng theo Thứ trưởng, đây sẽ là một tài liệu có giá trị với bức tranh tổng quan về khung chính sách phát triển nguồn nhân lực và các nguồn sẵn có của các quốc gia thành viên ASEAN để thúc đẩy việc học tập suốt đời và các kỹ năng cần thiết cho tương lai.
"Báo cáo cũng đã xác định các yếu tố cần thiết để xây dựng khung chính sách phát triển nguồn nhân lực gắn kết, chủ động thích ứng cũng như sẵn sàng đáp ứng trong bối cảnh thế giới công việc đang đổi thay" - Thứ trưởng Lê Tấn Dũng thông tin.
Theo Thứ trưởng Lê Tấn Dũng, kết quả nghiên cứu này sẽ là cơ sở quan trọng để các quốc gia thành viên, cơ quan liên quan của ASEAN và các đối tác phát triển xem xét cơ hội, thách thức liên quan, thực hiện những khuyến nghị về các biện pháp để thúc đẩy sự sẵn sàng của các khung chính sách về phát triển nguồn nhân lực, đảm bảo hội nhập quốc tế nói chung và hội nhập vào Cộng đồng ASEAN nói riêng, hướng tới Cộng đồng ASEAN thịnh vượng chung.
Khoảng 250 triệu việc làm bị mất
Tại buổi Lễ, ông Kung Phoak, Phó Tổng Thư ký ASEAN, Phụ trách Cộng đồng Văn hóa xã hội ASEAN cho rằng, các nước ASEAN đang trong quá trình biến đổi và các thách thức lớn như, lao động di cư hay biến đổi khí hậu đã làm ảnh hưởng đến khu vực ASEAN. Trên thực tế, đại dịch đã tác động đến việc làm, giáo dục và phát triển nguồn nhân lực.
Từ những biến đổi và khó khăn, theo ông Kung Phoak các nước trong cộng đồng ASEAN cần phải chuẩn bị mạnh mẽ hơn nữa để phục hồi sau dịch.
Ông Kung Phoak cho biết: "Có khoảng 250 triệu việc làm trên thế giới đã bị mất do đại dịch Covid-19. Trong bối cảnh đó, các nước ASEAN cần phải chuẩn bị lực lượng lao động có những kỹ năng cần thiết để thích ứng với thị trường lao động thay đổi liên tục".
Phó Tổng Thư ký ASEAN, Phụ trách Cộng đồng Văn hóa xã hội ASEAN cũng cho rằng, Nghiên cứu sẽ trang bị cho lực lượng lao động những kỹ năng cần thiết để học hỏi và có thể chống chịu tốt hơn đối với những tác động trong tương lai.
Tại buổi Lễ, bà Gabiriele Weinhold, Tham tán lao động, y tế và xã hội, Đại sứ quán Đức, tại Hà Nội cho rằng, đại dịch đã làm gián đoạn cuộc sống của con người với những hậu quả chưa từng có trong tiền lệ.
Các quốc gia trong khu vực ASEAN, đã hành động nghiêm khắc dựa trên những kinh nghiệm trước đây về dịch bệnh và bằng chứng khoa học sẵn có. Từ đó, các nước ASEAN đã đạt được những kết quả tốt trong công cuộc xử lý khủng hoảng.
Bà Gabiriele Weinhold đánh giá: "Nghiên cứu cho thấy một cái nhìn tổng quan và toàn diện về vị trí của chúng ta hiện nay ở khu vực. Mục tiêu phát triển nguồn nhân lực, học tập và phát triển suốt đời là mục tiêu cốt lõi của Cộng đồng ASEAN".
Qua kết quả của Nghiên cứu khu vực về sự sẵn sàng phát triển nguồn nhân lực trong ASEAN, bà Gabiriele Weinhold tin rằng, các nước ASEAN sẽ chứng minh giá trị ngày càng tăng như một diễn đàn hiệu quả để hợp tác và hành động trong việc phát triển nguồn nhân lực và nỗ lực xây dựng lại xã hội sau Covid-19.
"Mặc dù có những khoảng cách phát triển giữa các quốc gia ASEAN, nhưng các quốc gia thành viên hiện nay đã đưa vấn đề về phát triển nguồn nhân lực vào ưu tiên hàng đầu. Tuy nhiên, công việc này mới chỉ bắt đầu và không hề dễ dàng, đòi hỏi các nước phải quan tâm hơn nữa và phân bổ nguồn lực một cách hợp lý" - bà Gabiriele Weinhold thông tin.