Lao động về quê tránh dịch: Mong có việc làm đến Tết rồi tính tiếp
(Dân trí) - Trong bối cảnh nhiều tỉnh thành phía Nam đang chịu ảnh hưởng nặng nề do dịch Covid-19, những người lao động ở Bình Định sau khi hồi hương cũng lâm vào cảnh thất nghiệp, sống dựa vào gia đình.
Khó tìm việc làm phù hợp
Trở về từ TPHCM sau gần 2 tháng, anh Nguyễn Tấn Linh (21 tuổi, ở huyện Phù Mỹ, Bình Định) tâm sự: "Tôi vào TPHCM vừa làm vừa học pha chế cà phê tại quán chưa được bao lâu thì phải nghỉ việc vì dịch Covid-19. Thất nghiệp, tôi nhờ bạn tìm việc, sau đó xin đi theo làm phụ thợ hàn kiếm sống qua ngày".
Theo anh Linh chia sẻ, đa số người lao động xa quê vào TPHCM làm ăn đều cố gắng bám trụ lại thành phố với hy vọng dịch bệnh sớm qua để đi làm trở lại. Nhưng dịch bệnh mỗi ngày một căng thẳng, thu nhập thì không có nên nhiều người buộc phải tìm cách về quê.
Anh Linh với người bạn sống "cầm hơi" với mì tôm qua ngày suốt, tiền trọ thì vẫn phải đóng đầy đủ. Trong khi tiền trong túi đã dần cần, 2 người bèn rủ nhau chạy xe máy về quê.
"Về đến Bình Định, tôi được cách ly 14 ngày xong giờ cũng thất nghiệp. do tỉnh đang áp dụng Chỉ thị 15. Tôi tính có việc gì cũng nhận, tạm thời đến Tết, vừa kiếm tiền tiêu vừa đỡ ăn bám cha mẹ, sau đó tính tiếp", anh Linh nói.
Còn vợ chồng chị Huỳnh Thị Diệp (quê xã Nhơn Phong, thị xã An Nhơn, Bình Định) cùng 2 con nhỏ một cháu đang học lớp 5 và một đang học lớp 7 đang gặp nhiều khó vì nhiều tháng qua thất nghiệp do dịch Covid-19.
Theo chị Diệp, vợ chồng chị vào TPHCM buôn bán trái cây nhiều năm qua. Nếu không xảy ra dịch bệnh, hai vợ chồng "sống tạm ổn", có tiền gửi ông bà nội ở quê lo hai con ăn học. Thế nhưng gần 4 tháng qua, hai vợ chồng thất nghiệp vì dịch khiến cuộc sống gặp rất nhiều khó khăn.
"May mắn lần này, do tôi phải đưa hai con nhỏ về quê đi học nên được tỉnh Bình Định ưu tiên đón về miễn phí. Nếu dịch bệnh ở thành phố ổn định, tôi sẽ quay vào lại bán trái cây. Trường hợp dịch bệnh chưa ổn thì đành ở lại quê kiếm tạm công việc gì đó làm, chứ giờ biết phải làm sao", chị Diệp chia sẻ.
Trong khi đó, những lao động hiện còn ở lại TPHCM rất mong thành phố nhanh trở lại trạng thái bình thường để được làm việc.
Vợ chồng anh Đỗ Văn Tâm (trú phường Hiệp Bình Chánh, TP Thủ Đức), chia sẻ: "Tuy ở lại vợ chồng gặp nhiều khó khăn, song may mắn chính quyền địa phương kịp thời hỗ trợ gạo. Chúng tôi cũng được nhận hỗ trợ 3 triệu đồng/người, số tiền dù không nhiều nhưng trong tình cảnh ngặt nghèo này quý lắm".
Chi 50 tỷ đồng hỗ trợ tín dụng
Ông Nguyễn Mỹ Quang, Giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh Bình Định cho biết, từ dịch đến nay số lao động người Bình Định làm việc tại các tỉnh phía Nam về quê tương đối nhiều.
Cao điểm nhất là tháng 7 và tháng 8, có ngày xấp xỉ 1.000 người về quê. Số lượng người dân về quê ước khoảng 25.000 người; trong đó, có khoảng 15.000 người trong độ tuổi lao động.
Sở LĐ-TB&XH tỉnh đã chỉ đạo các địa phương thực hiện khai báo y tế, cách ly tập trung, cách ly tại nhà với người dân về từ vùng dịch theo đúng quy định. Những người là F0, F1 phải cách ly tập trung thì được chế độ hỗ trợ theo quy định.
"Thực tế, lao động ở Bình Định đang thiếu, nhất là lao động trong ngành may mặc, da giày, gỗ,… Nếu trong số này, lao động có tay nghề, kỹ thuật thì doanh nghiệp sẵn sàng tuyển dụng ngay khi hết dịch. Hiện các doanh nghiệp đang rất muốn quay lại để sản xuất, nhất là doanh nghiệp may mặc và gỗ ngoài trời vì mùa Noel gần đến, các đơn đặt hàng dồn dập", ông Quang cho hay.
Theo ông Quang, hết thời gian cách ly, Sở tiếp tục chỉ đạo các địa phương bố trí, sắp xếp và tạo công ăn việc làm cho người lao động để nhanh chóng ổn định cuộc sống.
"Rất may, lao động Bình Định làm ở các tỉnh phía Nam hầu hết ở vùng nông thôn. Khi về quê tránh dịch lại trúng vụ đang thu hoạch lúa Hè Thu, tiếp đó là làm vụ mùa nên họ ở nhà giúp đỡ gia đình", ông Quang nói.
Theo Sở LĐ-TB&XH Bình Định, sau đợt dịch này một số nhà máy sẽ thiếu hụt lao động do người lao động nghỉ việc đi kiếm việc khác. Do đó, số lao động về quê tránh dịch nếu ở lại quê làm sẽ bù đắp lại nguồn lao động cho các nhà máy khi hoạt động trở lại.
Trước tình hình đời sống người dân vùng dịch sẽ gặp nhiều khó khăn, nhất là những người buôn bán nhỏ, ông cho biết: UBND tỉnh Bình Định đã ủy thác cho Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh 50 tỷ đồng để hỗ trợ các hộ kinh doanh cá thể, hộ tự làm… Đến nay, gần 450 hộ dân tiếp cận nguồn vốn vay, với hơn 20 tỷ đồng đã được giải ngân.
Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Lâm Hải Giang, tỉnh đang yêu cầu các địa phương báo cáo về công tác hỗ trợ an sinh xã hội đối với người dân trên địa bàn tỉnh, để trình Ban Thường vụ Tỉnh ủy xem xét, đề xuất chính sách hỗ trợ trong thời gian tới; công tác chăm lo với người lao động về quê không có việc làm và hướng giải. Từ đó, tỉnh sẽ tiếp tục có những cơ chế chính sách phù hợp, nếu cần thiết phải bổ sung thêm chính sách để hỗ trợ người lao động.
Cũng theo ông Lâm Hải Giang cũng cho biết, các tỉnh thành phía Nam đang đề nghị bà con ở lại để khi dịch bệnh ổn định, doanh nghiệp hoạt động trở lại hoạt động sản xuất không bị đứt gãy nguồn nhân lực.
Khi các tỉnh phía Nam hoạt động sản xuất trở lại bình thường, tỉnh Bình Định luôn tạo điều kiện để bà con trở lại thành phố đi làm. Nếu bà con có nhu cầu ở lại quê làm việc, tỉnh sẽ có chính sách, cơ chế hỗ trợ đào tạo nghề, tìm việc làm cho người lao động.