Lao động tự do đối mặt nguy cơ tai nạn lao động cao
(Dân trí) - Thứ trưởng Lê Văn Thanh đề nghị tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu tiếp tục tập trung giáo dục, không lơ là công tác an toàn lao động; cần phải làm liên tục, đi sâu vào cơ sở, doanh nghiệp nhỏ lẻ, lao động tự do.
Ngày 14/7, Đoàn công tác Trung ương về tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị số 29-CT/TW ngày 18/9/2013 của Ban Bí thư về đẩy mạnh công tác an toàn lao động, vệ sinh lao động trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế đã có buổi làm việc tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.
Đoàn công tác do Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Lê Văn Thanh làm Trưởng đoàn.
Tham gia Đoàn công tác có đại diện các đơn vị: Văn phòng Trung ương Đảng, Văn phòng Chính phủ, Ban Kinh tế Trung ương, Bộ Y tế, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và lãnh đạo Cục An toàn Lao động. Về phía tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu có Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Thọ cùng đại diện lãnh đạo các Sở, ban, ngành, đơn vị liên quan của tỉnh.
Ưu tiên tuyệt đối sức khỏe người lao động
Báo cáo tại buổi làm việc, ông Trần Quốc Khánh, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cho biết, trong 10 năm qua tỉnh đã triển khai, hướng dẫn sâu rộng chỉ thị 29-CT/TW đến các tổ chức, cơ sở, doanh nghiệp, người lao động để cùng thực hiện các chương trình, kế hoạch theo chức năng, nhiệm vụ và phù hợp với tình hình, điều kiện thực tế. Từ đó nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý An toàn vệ sinh lao động (ATVSLĐ) trên địa bàn.
Ông Nguyễn Văn Thọ, Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, nhấn mạnh Chỉ thị 29 của Ban bí thư là chỉ thị rất nhân văn từ 10 năm trước. Công tác quan tâm, chăm lo đến sức khỏe, tính mạng của người lao động lên trên hết. Chính vì điều đó, công tác nâng cao, giảm thiểu tai nạn lao động được các cấp chính quyền của tỉnh rất quan tâm, thường xuyên giám sát, kiểm tra.
Theo ông Thọ, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu là trung tâm kinh tế trọng điểm phía Nam, có nhiều khu công nghiệp, cảng biển lớn, nhiều dự án hạ tầng, du lịch được triển khai, nhiều tập đoàn lớn đang hoạt động nên công tác chăm lo An toàn lao động luôn được chú trọng, quan tâm và đặt lên hàng đầu.
Ngoài tuyên truyền, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu thường xuyên tăng cường công tác đào tạo, nâng cao hiểu biết, kỹ năng phòng tránh tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp và đảm bảo ATVSLĐ. Đồng thời, đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất, sử dụng trang thiết bị đảm bảo ATVSLĐ, cải thiện môi trường, điều kiện làm việc cho người lao động…
Quan tâm lao động tự do
Chia sẻ tại buổi làm việc, đại diện Sở Xây dựng Bà Rịa - Vũng Tàu băn khoăn, mối lo nhất về tai nạn lao động chính là lượng nhà thầu tự do, đơn lẻ, lượng lao động làm việc không hợp đồng lao động hiện tại rất lớn. Việc huấn luyện ATVSLĐ còn nhiều hạn chế, số người tham gia còn thấp, nhận thức của người lao động về ATVSLĐ hạn chế. Người sử dụng lao động chủ yếu trong dân, cá nhân thuê mướn lao động, nhóm lao động tự tập hợp… nên hầu như không tuân thủ quy định về huấn luyện ATVSLĐ.
Thứ trưởng Lê Văn Thanh đánh giá cao kết quả đạt được của UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu trong 10 năm thực hiện Chỉ thị 29. Số tai nạn giảm dần qua các năm, công tác tuyên truyền, huấn luyện ATVSLĐ được quan tâm từ cấp tỉnh đến cơ sở, các doanh nghiệp.
Thứ trưởng đề nghị tỉnh tiếp tục tập trung, tuyên truyền, giáo dục, không lơ là công tác ATVSLĐ, cần làm liên tục, đi sâu vào cơ sở, doanh nghiệp nhỏ lẻ, lao động tự do. Đặc biệt chú trọng tập huấn, công tác sơ cứu An toàn lao động cấp cơ sở, cấp xã, phường. Thường xuyên thanh tra, kiểm tra, giám sát nhằm đảm bảo tuân thủ an toàn lao động trong các công trình, nhà máy, xí nghiệp. Đặc biệt các ngành nghề có tỷ lệ tai nạn lao động cao như cơ khí, xây dựng…
Phát biểu tại buổi làm việc, ông Hà Tất Thắng, Cục trưởng Cục An toàn lao động (Bộ LĐ-TB&XH) mong chính quyền địa phương đối thoại nhiều hơn với các doanh nghiệp, cơ sở để lắng nghe, tìm ra các giải pháp hiệu quả, thiết thực trong công tác ATSVLĐ.
Đối với các vụ tai nạn lao động cần tìm ra nguyên nhân để có hướng khắc phục trong thời gian tới. Đặc biệt cần nâng cao chất lượng tập huấn ATVSLĐ cấp xã, phường. Ứng dụng khoa học công nghệ vào công tác an toàn lao động.
Còn bà Lương Mai Anh, Cục trưởng, Cục quản lý môi trường y tế, Bộ Y tế đánh giá cao công tác huấn luyện, tập huấn sơ cấp cứu của các cơ sở, doanh nghiệp tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Bà Mai Anh lưu ý cần quan tâm đến công tác bệnh nghề nghiệp các nhóm bệnh liên quan đến phổi, đường hô hấp. Công tác quan trắc môi trường hiện còn hạn chế dẫn đến tỉ lệ phát hiện sớm nguy cơ bệnh nghề nghiệp còn thấp.
Kết luận buổi làm việc, ông Nguyễn Văn Thọ, Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đánh giá, công tác An toàn lao động đáng lo nhất hiện nay là các nhà thầu tự phát, lao động tự do, giá rẻ. Hiện tỉnh có hơn 8000 tàu thuyền đánh cá, người lao động trên tàu, thuyền cần được tập huấn, thường xuyên kiểm tra, hướng dẫn công tác ANVSLĐ.
Ông Thọ cũng chỉ đạo các sở, ngành liên quan cần quan tâm môi trường làm việc, điều kiện, sức khỏe người lao động… Vì đó là những người đang hằng ngày xây dựng và phát triển tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.
Cùng ngày, Đoàn công tác đã tới kiểm tra tình hình thực tế triển khai thực hiện chỉ thị số 29 tại thành phố Vũng Tàu. Đây được đánh giá là một trong những đơn vị, địa phương thực hiện nghiêm túc, hiệu quả chỉ thị này.
Ngày 18/9/2013, Ban Bí thư đã ban hành Chỉ thị số 29-CT/TW về đẩy mạnh công tác an toàn lao động, vệ sinh lao động (ATVSLĐ) trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế nhằm khắc phục những hạn chế yếu kém, tăng cường chủ động phòng ngừa, giảm thiểu tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, bảo đảm an toàn tính mạng, sức khỏe cho người lao động.