1. Dòng sự kiện:
  2. Thực hành chữ "S" trong ESG

Thị trường bền vững không chỉ là việc làm lâu dài, mà còn là sự hài lòng

Tiến Thịnh

(Dân trí) - Người lao động hài lòng về công việc cũng như lương thưởng, phúc lợi, còn các doanh nghiệp hài lòng với đóng góp của nhân sự, sẵn sàng đồng ý chi trả các chế độ theo quy định sẽ góp phần tạo nên thị trường lao động bền vững.

Tại Nghị quyết số 06, Chính phủ đặt ra mục tiêu tổng quát về xây dựng thị trường lao động đến năm 2025 là phát triển linh hoạt, hiện đại, hiệu quả, bền vững và hội nhập, góp phần phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2025. Trong đó, các yếu tố của thị trường lao động được phát triển đồng bộ và hiện đại; chất lượng nguồn nhân lực và hiệu quả tổ chức, vận hành thị trường lao động được nâng cao.

Năm 2025, thị trường lao động cần đóng vai trò chủ động trong huy động, phân bổ và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, chuyển dịch cơ cấu lao động theo hướng hiện đại, đảm bảo kết nối thị trường lao động trong nước với thị trường lao động của các nước trong khu vực và trên thế giới.

Tại tọa đàm "Vai trò của bảo hiểm thất nghiệp trong xây dựng thị trường việc làm linh hoạt, bền vững tại Việt Nam" do báo Dân trí và Cục Việc làm phối hợp tổ chức, bà Vũ Thị Thanh Liễu, Phó giám đốc Trung tâm dịch vụ việc làm Hà Nội cho hay tính bền vững của thị trường không chỉ là việc làm lâu dài mà còn nằm ở sự hài lòng của cả người lao động lẫn người sử dụng lao động.

"Thị trường bền vững là khi người lao động hài lòng về công việc cũng như chế độ mà doanh nghiệp trả cho mình, còn doanh nghiệp hài lòng với đóng góp của người lao động. Doanh nghiệp cũng đồng ý chi tất cả các chế độ theo quy định, thậm chí trả thêm ngoài quy định luật, để giữ chân nhân sự, cùng phát triển công ty", bà Liễu phát biểu.

Riêng về tính linh hoạt, Phó giám đốc Trung tâm dịch vụ việc làm Hà Nội cho rằng các nghề thâm dụng lao động đang chuyển dần sang các nghề cần sáng tạo, đòi hỏi về ứng dụng công nghệ thông tin, hòa nhập thế giới, nên đặc điểm này sẽ thể hiện ở việc người lao động thích ứng với những công việc mới, có khả năng duy trì việc làm bền vững cũng như thích nghi với việc chuyển đổi công việc để phù hợp với thị trường lao động và hội nhập.

Thị trường bền vững không chỉ là việc làm lâu dài, mà còn là sự hài lòng - 1
Bà Vũ Thị Thanh Liễu, Phó giám đốc Trung tâm dịch vụ việc làm Hà Nội (ngồi giữa) tại tọa đàm "Vai trò của bảo hiểm thất nghiệp trong xây dựng thị trường việc làm linh hoạt, bền vững tại Việt Nam" (Ảnh: Hữu Nghị).

Giải pháp hàng đầu để xây dựng thị trường lao động bền vững

Trong 4 nhóm giải pháp được nêu trong Nghị quyết 06 nhằm xây dựng thị trường lao động linh hoạt, hiện đại, hiệu quả, bền vững và hội nhập, ông Trần Tuấn Tú, Trưởng phòng Bảo hiểm thất nghiệp, Cục Việc làm, nhấn mạnh vai trò của việc hoàn thiện khung pháp lý, rà soát sửa đổi các quy định của pháp luật, đáp ứng nhu cầu phát triển thị trường lao động đúng hướng, tập trung vào các lĩnh vực trọng tâm, trọng điểm. Ông Tú coi đây là căn cơ để thực hiện được việc xây dựng thị trường lao động linh hoạt, bền vững.

"Ngoài nhóm giải pháp này, chúng ta cũng cần thực hiện song song các nhóm khác như phục hồi và ổn định thị trường lao động, thúc đẩy tạo việc làm bền vững và sử dụng hiệu quả lực lượng lao động, thực hiện hiệu quả các công tác truyền thông", ông Tú nhận xét.

Tâm lý e ngại khiến lao động không muốn học nghề mới khi thất nghiệp

Với vai trò là đơn vị tư vấn, giới thiệu việc làm cho người lao động thất nghiệp đến làm hồ sơ hưởng chính sách, bà Vũ Thị Thanh Liễu cho biết khi chia sẻ với các học viên đang hưởng trợ cấp thất nghiệp tham gia tại các trung tâm giáo dục nghề nghiệp, đa phần lao động nói rất e ngại khi chuyển sang công việc mới.

"Tâm lý để theo học một nghề mới là rất khó, yêu cầu lao động phải có quyết tâm, bản lĩnh. Lao động trong nước vẫn chủ yếu là nhóm phổ thông, giản đơn, vừa thiếu hụt kỹ năng để duy trì một việc làm bền vững, vừa yếu kỹ năng chuyển đổi sang nghề mới".

Thị trường bền vững không chỉ là việc làm lâu dài, mà còn là sự hài lòng - 2
Tâm lý e ngại là rào cản lớn khiến người lao động chưa đăng ký học nghề khi hưởng quyền lợi của bảo hiểm thất nghiệp (Ảnh: Hữu Nghị).

Tại Trung tâm dịch vụ việc làm Hà Nội, nhiều lao động từ chối đăng ký học nghề ngay trong tháng đầu tiên khi nộp hồ sơ. Phải đến lần thứ 2, khi được cán bộ tư vấn tiếp, họ mới mạnh dạn đăng ký một nghề. "Sau khi tham gia thì họ thấy rất vui khi đến môi trường mới, được chia sẻ với các thầy cô giáo, với các bạn học viên và tìm thấy tình yêu cho nghề nghiệp mới, như các anh chị đang học kỹ thuật nấu ăn, pha chế đồ uống... Họ có thể học xong và tự khởi nghiệp, kiếm được thu nhập còn cao hơn nghề cũ", bà Liễu chia sẻ tại tọa đàm.

Do vậy, theo lãnh đạo Trung tâm dịch vụ việc làm Hà Nội, việc tuyên truyền, thay đổi tư duy của người lao động để xóa bỏ tâm lý e ngại là bước quan trọng nhằm nâng cao tỷ lệ lao động được đào tạo tại Việt Nam, tăng tính linh hoạt cho thị trường. Ngoài ra, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp cũng cần được mở rộng sang các nghề theo nhu cầu, đơn đặt hàng của doanh nghiệp, để đáp ứng đúng yêu cầu của thị trường và đảm bảo đầu ra cho học viên.