Lao động trẻ dễ mất việc hơn người trung niên, nguyên nhân bất ngờ

Tùng Nguyên

(Dân trí) - Quý I/2024, tỷ lệ thất nghiệp tại TPHCM giảm mạnh và tỷ lệ lao động trung niên mất việc rất thấp so với nhóm lao động trẻ.

Theo báo cáo của Trung tâm Dịch vụ việc làm TPHCM, trong quý I/2024, trung tâm đã tiếp nhận 28.535 người mất việc nộp hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp, giảm 12%  so với cùng kỳ quý I/2023 (32.255 hồ sơ).

Trong số 28.535 người mất việc trên có đến 19.547 lao động thuộc nhóm trẻ tuổi (40 tuổi trở xuống), chiếm 71% tổng số lao động mất việc. Trong khi đó, nhóm lao động trên 40 tuổi mất việc chỉ có 8.988 người, chiếm 29%.

Lao động trẻ dễ mất việc hơn người trung niên, nguyên nhân bất ngờ - 1

Lao động trung niên có xu hướng làm việc ổn định hơn lao động trẻ (Ảnh minh họa: Hải Long).

Theo các chuyên gia nhân sự, tỷ lệ lao động trung niên mất việc thấp chủ yếu là do ở độ tuổi này thường có sự ổn định, ít có xu hướng nhảy việc như lao động trẻ. Trong khi đó, nhảy việc đang dần trở thành xu hướng của lao động trẻ, đặc biệt là thế hệ Gen Z (những người sinh năm 1997 đến 2012), thời gian gắn bó với chỗ làm của thế hệ này chỉ từ 1-2 năm.

Một nguyên nhân khác là tỷ lệ lao động trung niên tham gia thị trường lao động chính thức thực tế không cao, chỉ hơn 30% tổng số lao động.

Trong quý I/2024, Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TPHCM (Falmi) đã khảo sát nhu cầu sử dụng lao động của 1.443 doanh nghiệp. Số liệu tính đến 31/12/2023, 1.443 doanh nghiệp trên có 41.119 lao động thì lao động dưới 25 tuổi chiếm 20,88%; lao động 25-34 tuổi chiếm 43,77%; lao động 35-49 tuổi chiếm 28,04%; lao động từ 50 tuổi trở lên chiếm 7,31%.

Do đó, tỷ lệ thất nghiệp giữa nhóm lao động trẻ và lao động trung niên được thống kê trên thị trường lao động chính thức với tỷ lệ 7/3 như quý I/2024 là phản ánh bình thường của thị trường.

Lao động trẻ dễ mất việc hơn người trung niên, nguyên nhân bất ngờ - 2

Ngoài ra, tỷ lệ thất nghiệp thấp của lao động trung niên còn đến từ tín hiệu tích cực của nền kinh tế TPHCM những tháng đầu năm. Theo ông Lê Văn Thinh, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TPHCM, tình hình lao động việc làm của thành phố có dấu hiệu khởi sắc rất rõ từ số liệu người lao động mất việc giảm, tỷ lệ việc làm mới được tạo ra tăng…

Ông lấy ví dụ về trường hợp công ty TNHH PouYuen Việt Nam (quận Bình Tân, TPHCM) dự kiến tuyển mới đến 4.000 lao động trong 2 quý đầu năm 2024. Thậm chí, công ty này tuyển dụng cả lao động trên 40 tuổi nếu có kỹ năng chuyên môn đáp ứng được công việc. Đây là điều khác biệt so với trước đây, khi mà lao động trung niên rất khó tìm việc ở thị trường chính thức.

Bà Nguyễn Hoàng Hiếu, Giám đốc Falmi, nhận định: "Với xu hướng mở rộng quy mô, phát triển hoạt động sản xuất kinh doanh trong những tháng đầu năm, kéo theo nhu cầu nhân lực trong những tháng đầu năm có xu hướng tăng so với cùng kỳ năm 2023".

Do đó, để thu hút và giữ chân người lao động trong bối cảnh thị trường lao động hiện nay, các doanh nghiệp phải xây dựng lộ trình tuyển dụng lâu dài gắn với kế hoạch sản xuất kinh doanh, cải thiện chính sách chi trả lương - thưởng; quan tâm đến các chế độ phúc lợi, chăm sóc sức khỏe cho người lao động, tạo môi trường làm việc thân thiện…