1. Dòng sự kiện:
  2. Thực hành chữ "S" trong ESG

Lao động trẻ: Dậy lúc 12h trưa, làm việc từ 22h đêm đến sáng

Huy Hậu

(Dân trí) - "Mình rời công ty lúc 7h tối, sau khi về nhà ăn uống, sinh hoạt cá nhân thì lại bắt đầu làm buổi tối lúc 23h và thường kết thúc khi đồng hồ báo 6h sáng".

Hiện tượng "ngủ ngày cày đêm" đang ngày càng phổ biến trong nhóm lao động trẻ, nhất là tại các thành phố lớn như Hà Nội, TPHCM. Do đặc thù của nhiều ngành nghề, lựa chọn đa nhiệm nhằm cải thiện thu nhập, giới trẻ đã có sự thay đổi linh hoạt giờ giấc.

Khi đêm mới là ca làm việc chính

Tại TPHCM, không ít doanh nghiệp, đơn vị sử dụng lao động chỉ đánh giá và quản lý nhân sự qua hiệu suất công việc, không quy định thời gian, chấm công... Hết rồi thời đếm đủ 8 tiếng ở công sở. Điều đó giúp người làm được tự do lựa chọn khung thời gian, cách thức, địa điểm làm việc.

Chị An Nguyễn (25 tuổi, nhân viên văn phòng) cho hay, trước đây chị vẫn đi làm theo giờ hành chính. Sau khi tan sở, chị An gần như đóng lại công việc, dành thời gian cho cuộc sống cá nhân, sinh hoạt điều độ, đi ngủ đúng giờ.

Thế nhưng một năm trở lại đây, khi chuyển sang công ty mới cho phép linh hoạt giờ giấc, đồng nghiệp ai cũng lên lịch họp vào chiều tối, khuya còn gửi tài liệu duyệt… vô tình chị cũng thay đổi khung giờ làm theo đám đông.

"Ban ngày khối lượng việc mình làm ra được rất ít. Mình ngủ dậy lúc 12h, ăn trưa xong đến 14h mới bắt đầu mở máy tính kiểm tra email, tin nhắn… hoàn thành các công việc nhanh, nhẹ, cần xử lý gấp. Ban đêm mới là ca làm việc chính của mình, thường mình sẽ ngồi lì ở quán cà phê từ 22h đến sáng."

Tương tự như thế, anh Minh Hiền (25 tuổi, nhân viên thiết kế) cũng chia sẻ: "Mình rời công ty lúc 18h, sau khi ăn uống, sinh hoạt cá nhân thì ôm laptop ra quán cà phê 24/24 ngồi, bắt đầu làm việc lúc 23h và kết thúc lúc 6h. Mình sẽ ngủ hết buổi sáng đến trưa mới túc tắc đến công ty. Đồng hồ sinh hoạt của mình hiện nay đang lặp lại theo khung giờ đó".

Lao động trẻ: Dậy lúc 12h trưa, làm việc từ 22h đêm đến sáng  - 1

Anh Minh Hiền thường xuyên dành cả đêm ở quán cà phê để giải quyết công việc (Ảnh: NVCC).

Anh Trần Đặng Đình Nguyên (30 tuổi, quản lý bộ phận Marketing) cho biết bản thân cũng thường xuyên rời công ty lúc 19h30, và bắt đầu "ca làm việc" tiếp theo của bản thân vào lúc 23h, sau khi xong các hoạt động cá nhân. 

Công sở hiện đại ở... quán cà phê đêm

Như vậy, có thể thấy người lao động thức đêm làm việc dù không bị yêu cầu tăng ca đang dần trở thành một thói quen phổ biến trong giới công sở hiện đại.

Mô hình làm việc mà các doanh nghiệp đang theo đuổi hiện nay như "work from home" (làm việc tại nhà), "hybrid work" (làm việc từ xa)... khiến các quán cà phê không bao giờ đóng cửa trở thành văn phòng làm việc thứ 2.

Với các bạn trẻ, không gian quán cà phê không chỉ tiện gặp gỡ đối tác, thay đổi không gian, thêm ý tưởng... mà không gian chia sẻ chung này hút nhiều người cùng đổ về làm việc xuyên đêm, tạo nên không khí, động lực làm việc hơn cả chốn công sở.

Lao động trẻ: Dậy lúc 12h trưa, làm việc từ 22h đêm đến sáng  - 2

Rất nhiều bạn trẻ chọn các quán cà phê xuyên đêm làm nơi làm việc (Ảnh minh họa, nguồn garage coffee).

Theo chị An Nguyễn, không khí ở quán cà phê chính là yếu tố giúp chị hứng thú. Thay vì ngồi trước máy tính ở nhà, lầm lũi một mình thì đến quán cà phê, có rất nhiều người cũng đang làm việc, cũng không phải "đụng mặt" sếp, vẫn có sự tự do rất lớn, làm tinh thần hăng hái hơn.

"Ban đêm mình phải giữ yên tĩnh để người thân nghỉ ngơi. Nhưng cứ ngồi một mình trong bóng tối thì rất chán chường, nên mình thường ra quán cà phê. Hầu hết "cú đêm" đều trẻ, đông đúc rôm rả, nhìn thấy ai cũng cố gắng chạy deadline, cũng đỡ tủi thân hơn" - chị An Nguyên chia sẻ.

"Vì ở cấp bậc quản lý, ban ngày mình phải trả lời email, tham gia các cuộc họp, xét duyệt kế hoạch/văn bản… xử lý rất nhiều công việc với cấp trên lẫn cấp dưới. Chuyện cứ 15-30 phút bị cắt ngang hoặc gián đoạn là bình thường vì có nhiều thứ cần phải xử lý nhanh, điều này không cho phép mình có thể tập trung xuyên suốt làm một việc gì đó, cần tư duy hay chỉn chu.

Vì vậy những công việc quan trọng, phải mất nhiều thời gian, đòi hỏi tư duy kĩ càng, mình đều dồn vào ca làm việc ban đêm. Đây là giờ nghỉ của mọi người nên không ai đẩy việc chen ngang, dòng suy nghĩ vì thế được liền mạch hơn" - Anh Đình Nguyên giải thích.

Lao động trẻ: Dậy lúc 12h trưa, làm việc từ 22h đêm đến sáng  - 3

Anh Đình Nguyên lựa chọn giải quyết các công việc tư duy vào buổi đêm vì tính chất công việc (Ảnh: NVCC).

Một lý do khác để quán cà phê trở thành văn phòng lý tưởng chính là không gian trưng bày. Các quán cà phê mở cửa 24/24 thường có không gian mở thoáng đãng, nhiều cây xanh, tạo điều kiện cho sự tư duy, sáng tạo. Thêm nữa, hiện nay rất nhiều quán cà phê bắt "trend" đã sử dụng bàn ghế chuẩn công sở, bố trí wifi, ổ điện đầy đủ...

"Mình thường ra quán cà phê làm việc ban đêm vì trễ tiến độ công việc mà mình nhận thêm ở bên ngoài, hoặc đôi khi có nhiều công việc khách hàng cần gấp… Ban ngày mình sẽ làm việc ở công ty, ban đêm thì tranh thủ làm thêm các dự án tự do để kiếm thêm thu nhập. Còn trẻ, còn sức thì còn làm. Giờ bạn bè mình đều "cày" ghê lắm" - anh Minh Hiền nói.

Lao động trẻ: Dậy lúc 12h trưa, làm việc từ 22h đêm đến sáng  - 4

Các quán cà phê cũng bày ghế nệm mềm, wifi mạnh, nhiều ổ điện... để phục vụ dân "ngủ ngày cày đêm (Ảnh minh họa: Garage coffee).

Làm đêm thêm hại

Theo Tổ chức chăm sóc giấc ngủ Hoa Kỳ (National Sleep Foundation), làm ca đêm trong thời gian dài có thể gây ra rất nhiều rủi ro sức khỏe về trao đổi chất, bệnh tim, bệnh ung thư… 

Anh Phát Đạt (26 tuổi, nhân viên truyền thông) thừa nhận cá nhân anh đang sử dụng thời gian thiếu hiệu quả khi đổi cả một ngày để lấy vài tiếng làm việc ban đêm.

"Sau khi làm việc cả đêm, hôm sau mình hoạt động không hiệu quả cho lắm. Thói quen làm việc vào ban đêm có thể giúp đảm bảo KPI nhưng thực sự, về đường dài nó vẫn gây bất lợi cho sức khỏe. Đã có những ngày mình thức quá khuya nên cả hôm sau không thể làm bất kỳ việc gì, thậm chí đến chiều mình vẫn còn mệt mỏi" - anh Phát Đạt chia sẻ.

Lao động trẻ: Dậy lúc 12h trưa, làm việc từ 22h đêm đến sáng  - 5

Anh Phát Đạt thừa nhận làm việc đêm ảnh hưởng rất nhiều đến sức khỏe (Ảnh: NVCC).

Thêm vào đó, ban đêm ra quán cà phê làm việc còn phải tốn thêm một khoản chi phí. Đa phần các quán cà phê mở cửa 24/24 giá ly nước dao động từ 50.000 đồng, mà hiếm người chỉ uống 1 ly rồi chuyên tâm làm việc cho đến lúc trời sáng.

"Số tiền mình tiêu mỗi đêm ở quán cà phê phải cỡ 200.000 đồng chứ không ít, ngồi tầm 6-8 tiếng đồng hồ, gọi đồ uống phải 2-3 lần mới giữ tỉnh táo được. Mà thực sự ngồi lâu uống chỉ 1 ly nước cũng ngại vì mình đang chiếm chỗ, còn dùng wifi, ổ điện mà" - chị An Nguyễn nói thêm.