Lao động tính "nhảy việc" khi thu nhập giảm sâu do Covid-19
(Dân trí) - Tác động của Covid-19 đang khiến nhiều doanh nghiệp không đáp ứng được thu nhập cho lao động như giai đoạn trước. Nhiều người lao động có xu hướng nhảy việc.
Cực chẳng đã đành tìm việc mới
Làm việc tại một khách sạn ở Hà Nội, sau khi dịch Covid-19 tạm thời được kiểm soát, anh Đỗ Kim Dũng trú tại Xuân Đỉnh (Bắc Từ Liêm, Hà Nội), vẫn giữ được công việc đã gắn bó 5 năm qua. Tuy nhiên, cuộc sống của anh vô cùng khó khăn khi thu nhập giảm.
Anh Đỗ Kim Dũng cho biết: "Trước đây, thu nhập bình quân của tôi từ 15 - 20 triệu đồng/tháng, từ khi có dịch, thu nhập giảm chỉ còn 7 - 10 triệu đồng/tháng".
Cầm cự hơn 1 năm với thu nhập không đủ trang trải cuộc sống cho gia đình, anh Đỗ Kim Dũng quyết định xin nghỉ để tìm công việc mới vào cuối tháng 2 vừa qua.
"Tôi đến làm thủ tục hưởng bảo hiểm thất nghiệp lần đầu tiên, với hy vọng số tiền này sẽ giúp tôi vượt qua giai đoạn khó khăn này, trong khi chờ đợi tìm được công việc mới. Cực chẳng đã mới phải nghỉ chứ tôi vẫn muốn làm công việc này". - anh Đỗ Kim Dũng chia sẻ. Anh Đỗ Kim Dũng đã nộp hồ sơ xin việc ở 2 công ty liên quan đến chứng khoán và bất động sản.
Tương tự, anh Phạm Thiên Huynh, trú tại Thanh Xuân (Hà Nội) từng làm việc cho một công ty truyền thông với mức thu nhập khoảng 20 triệu đồng/ tháng. Dịch bệnh Covid-19 khiến các đơn hàng của anh giảm mạnh, thu nhập chỉ còn hơn 1 nửa.
"Thu nhập, không đủ trang trải cho cuộc sống vợ chồng và hai đứa con ở Hà Nội. Tôi quyết định nghỉ việc để làm công việc khác, chứ chờ nhiều việc trở lại thì cuộc sống rất khó khăn" - anh Phạm Thiên Huynh chia sẻ.
Trong thời gian chờ đợi, không ngồi yên một chỗ, anh đăng ký vào làm ở 1 hãng xe ôm công nghệ.
Là một giáo viên dạy hợp đồng mầm non, chị Nguyễn Kim Cúc trú tại Yên Hòa, (Cầu Giấy, Hà Nội), chia sẻ: "Từ đầu năm ngoái đến nay, tôi phải nghỉ làm 3 đợt, những ngày nghỉ là những ngày không có lương".
Thu nhập của cả gia đình chị được hơn 12 triệu đồng/tháng. Thắt lưng buộc bụng tiết kiệm, chị mới đủ nuôi 1 đứa con nhỏ. Trong đợt nghỉ do dịch Covid-19 vừa qua, chị quyết định xin nghỉ việc để cơ hội việc làm mới ổn định và có thu nhập tốt hơn.
"Tôi đang hướng đến nhóm công việc làm tư vấn khách hàng. Trong đợt nghỉ dịch thứ nhất, tôi đã thử làm công việc này trong 2 tháng và thấy khá phù hợp" - chị Nguyễn kim Cúc nói.
Không chỉ có chị Cúc, anh Huynh và cả anh Dũng mà nhiều lao động khác ở Hà Nội đã chọn cho mình một hướng đi mới để có thu nhập ổn định hơn trang trải cho cuộc sống. Họ đều biết rằng, hướng đi mới này sẽ rất mạo hiểm nhưng đó là cách duy nhất để có thể đảm bảo được kinh tế lo cho gia đình.
Cẩn trọng khi quyết định
Trao đổi về vấn đề này, bà Nguyễn Thị Lan Hương, Nguyên Viện trưởng Viện Khoa học - Lao động và Xã hội (Bộ LĐ-TB&XH) cho rằng, việc dịch chuyển đến nơi làm việc có điều kiện tốt hơn và thu nhập cao hơn là nhu cầu thiết yếu của người lao động.
Trong tình hình dịch bệnh như hiện nay, nhiều doanh nghiệp không đáp ứng được thu nhập cho lao động như giai đoạn trước, khiến người lao động có xu hướng nhảy việc.
Bà Nguyễn Thị Lan Hương cho biết: "Bất cứ người lao động nào đều mong muốn có thu nhập cao hơn và điều kiện làm việc tốt hơn. Dịch Covid-19 tạm thời được kiểm soát, các doanh nghiệp tích cực kinh doanh sản xuất, tạo ra nhiều cơ hội việc làm mới, tốt hơn cho người lao động. Đây cũng là nguyên nhân khiến người lao động có xu hướng nhảy việc nhất là ở nhóm lao động trẻ".
Theo Nguyên Viện trưởng Viện Khoa học - Lao động và Xã hội, người lao động cần phải nghiên cứu thật kỹ, cẩn trọng trước khi đưa ra quyết định nhảy việc vì công việc mới có thể không đem lại mức thu nhập như công việc cũ.
Theo đó, để đáp ứng yêu cầu cho thị trường lao động hiện nay, người lao động cần phải tìm những việc làm phù hợp, linh hoạt và đa dạng hóa bản thân, bổ sung kỹ năng và kiến thức.
Về phía các cơ quan liên quan đến thị trường lao động, bà Nguyễn Thị Lan Hương đề xuất, cần tăng cường khả năng kết nối cũng như xây dựng hệ thống dữ liệu về việc làm một cách đầy đủ, cụ thể nhất nhằm tăng mức hiểu biết về nhau giữa doanh nghiệp và người lao động, nhất là thời điểm hiện tại.