Lao động qua đào tạo tăng mạnh mà năng suất chậm cải thiện
(Dân trí) - Lao động đã qua đào tạo của TPHCM chiếm tỷ lệ rất cao nhưng năng suất lao động tăng khá chậm trong giai đoạn gần đây.
TPHCM vừa phê duyệt chiến lược lao động - việc làm trên địa bàn thành phố giai đoạn 2023-2025 và tầm nhìn đến năm 2030.
Chiến lược được xây dựng với nhận định chung, lực lượng lao động của thành phố đang rất dồi dào với trình độ chuyên môn cao. Cụ thể, số lượng lao động đã qua đào tạo chiếm hơn 87,3% tổng số lao động đang làm việc. Trong đó, bậc đại học chiếm tỷ lệ cao nhất, 87% số lao động qua đào tạo, bậc cao đẳng là 7% và bậc trung cấp 6%.
Thành phố còn có ưu thế lớn khi là trung tâm kinh tế của cả nước, hằng năm thu hút lượng lớn nhân lực chất lượng cao từ các tỉnh đến làm việc, chưa kể hơn 30.000 lao động người nước ngoài đăng ký làm việc tại đây.
Tuy lao động đã qua đào tạo đạt tỷ lệ cao nhưng TPHCM lại đang đối mặt với thách thức lớn là tốc độ tăng năng suất lao động xã hội chậm hơn mức tăng trung bình cả nước.
Giai đoạn 2011-2015, năng suất lao động tại TPHCM tăng 4,42%/năm, trong khi năng suất lao động bình quân của cả nước tăng 4,53%.
Giai đoạn 2016-2022, năng suất lao động của thành phố tăng 4,23%/năm, trong khi năng suất lao động bình quân của cả nước tăng 6,71%.
Như vậy, trong khi năng suất lao động bình quân cả nước đang có xu hướng tăng đều thì chỉ số này ở TPHCM chững lại, những năm gần đây còn thấp hơn giai đoạn 2011-2015.
Ngoài thách thức trên, thành phố xác định 7 điểm hạn chế mà chiến lược lao động - việc làm cần khắc phục trong thời gian tới như: Chính sách tiền lương còn nhiều bất cập; số người hưởng bảo hiểm xã hội một lần còn cao; chính sách hỗ trợ đào tạo nghề còn nhiều hạn chế; thiếu giáo viên và cơ sở vật chất để đào tạo nhân lực; nhiều ngành nghề đào tạo chưa gắn với nhu cầu nhân lực thực tiễn…
Đặc biệt, UBND TPHCM nhấn mạnh đến thực trạng số lượng chuyên gia, nhà khoa học đã và đang làm việc tại thành phố rất hạn chế, chỉ tập trung vào một số ngành nghiên cứu trên phạm vi hẹp.
Hiện nhiều ngành công nghiệp mũi nhọn của thành phố thiếu nhân lực chất lượng cao. Trong khi đó, thành phố chưa có chính sách đặc biệt, có tính đột phá về thu nhập, phương thức tài trợ kinh phí nghiên cứu… để thu hút nhóm nhân lực này.
Vì vậy, chiến lược lao động - việc làm của thành phố trong thời gian tới đặt mục tiêu chính là tăng năng suất lao động xã hội, phát triển nguồn nhân lực trong 8 lĩnh vực trọng tâm, bao gồm: Công nghệ thông tin, truyền thông; cơ khí, ô tô; cơ điện tử, tự động hóa; kế toán, tài chính, ngân hàng, quản trị doanh nghiệp; logistics; chăm sóc sức khỏe; du lịch và xây dựng, môi trường, đô thị.
Ngoài ra, thành phố còn tập trung phát triển nhân lực cho 4 ngành công nghiệp trọng yếu là: Cơ khí; điện tử, công nghệ thông tin; hóa chất, nhựa cao su; chế biến lương thực, thực phẩm.
Thành phố cũng xác định 9 nhóm công nghệ chính sẽ phát triển trong tương lai, bao gồm: Internet di động (mobile internet); điện toán đám mây (cloud computing); dữ liệu lớn (Big data); trí thông minh nhân tạo (Artificial intelligence); công nghệ tài chính (fintech); internet kết nối vạn vật (IoT); người máy tiên tiến (advanced robotics); sản xuất bồi đắp (Additive manufacturing); công nghệ bán dẫn.
Các nhóm ngành này có thể tác động, hình thành nhiều mô hình kinh doanh, ngành nghề mới, cần lực lượng lao động có các kỹ năng, trình độ, khoa học công nghệ cao hơn, khắt khe hơn. Do đó, thành phố yêu cầu các ngành liên quan chuẩn bị sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ chuyển đổi việc làm trong tương lai, đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động.