Lao động nhập cư lậu Việt Nam và mặt tối của "công nghiệp" làm móng tại Anh

Những tiệm làm móng thường là đích đến đầu tiên của người Việt khi muốn tìm việc “chui” ở nước ngoài.

Một phụ nữ 26 tuổi người Việt Nam, đang được xác minh liệu có tên trong số 39 người chết trong xe tải ở Anh tuần trước, cũng mong có một cơ hội trời ban khi vừa không cần trình độ tiếng Anh vừa có thể thạo nghề nhanh chóng.

Thế nhưng thảm kịch đó dấy lên lời kêu gọi trấn áp nạn buôn bán người Việt Nam vào ngành "công nghiệp làm đẹp" này. Ngành kinh doanh nail đang bùng nổ ở Anh, cạnh tranh ngày càng tăng từ những người đến từ Nam Á và hầu hết các nhân viên vẫn là người Việt Nam.

Nhiều người trong số họ không phải là nhân viên được thuê mướn đàng hoàng, mà là nạn nhân của nạn buôn người.

Lao động nhập cư lậu Việt Nam và mặt tối của công nghiệp làm móng tại Anh - 1

Những tiệm làm móng thường là đích đến đầu tiên của người Việt khi muốn tìm việc "chui" ở đất khách quê người. Ảnh: IMAGO IMAGES

 

Nói như trang InforMigrant, nếu các nạn nhân của thảm kịch Essex, những người hy vọng có việc làm trong các tiệm nail biết rằng họ sẽ phải làm việc nhiều thế nào, có lẽ họ đã không đi.

Những lời nói dối mà người Việt Nam di cư sang Anh thường được nghe như thế này: Họ được hứa rằng họ sẽ kiếm được 1.500 bảng Anh mỗi tháng (tức khoảng 45 triệu đồng) khi làm việc trong một tiệm làm móng do người Việt làm chủ ở London, với chi phí sinh hoạt hàng tháng là 500 bảng Anh.

Họ được gieo vào đầu ý nghĩ rằng chỉ trong hai năm ở Anh, họ có thể trả hết khoản nợ cho hành trình đến đất nước này.

Phần lớn thợ làm móng thường được chủ trả bằng tiền mặt nên đặc biệt hấp dẫn đối với những người nhập cư bất hợp pháp hoặc không được phép làm việc. Trên thực tế, công việc này không phải là công việc dễ thở. Người thợ ​​sẽ làm việc sáu ngày một tuần, ít nhất tám giờ một ngày và chỗ ở thường chật chội.

Có trường hợp bị buộc phải làm việc 7 ngày/tuần, từ sáng sớm đến 6 hoặc 7 giờ tối. Họ nhận được 30 bảng (khoảng 900.000) mỗi tuần. Cũng có trường hợp là một đứa trẻ mồ côi, bị đưa đến Nga, bị nhốt và buộc phải làm như nô lệ ở đó.

Sau hơn một năm, cậu được đưa đến Anh, lại bị nhốt trong nhà riêng và được đào tạo thành thợ làm móng. Số tiền cậu kiếm được phải nộp hết cho những kẻ buôn người.

Thậm chí cả trẻ em Việt cũng bị nhồi sọ, tin vào những lời dối trá và đồn thổi lan truyền qua các mạng lưới buôn người, theo báo cáo của một số nhóm chống nô lệ hiện đại. Ở Hà Lan, nhiều trẻ em Việt Nam được đưa trái phép sang đây nói rằng các em muốn đến Anh vì nghe nói kiếm được nhiều tiền hơn bất cứ nơi nào khác ở châu Âu.

Một số nói trong một cuộc phỏng vấn rằng nhiều trẻ em Việt Nam lén vào được nước Anh đang kiếm được tới 2.000-2.500 bảng Anh/tháng dù làm những công việc bất hợp pháp.

Theo Hiệp hội thẩm mỹ và liệu pháp thẩm mỹ Anh (BABTAC), những kẻ buôn người khó bị bắt vì các nạn nhân quá sợ hãi, không thể lên tiếng cứu mình.

Theo H.Bình/Người lao động, InforMigrant