“Lao động một số ngành sẽ nghỉ hưu sớm hoặc muộn hơn 5 năm”

(Dân trí) - Theo Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung, việc điều chỉnh tuổi hưu không có tính “cào bằng”. Lao động có một số ngành nghề đặc thù có thể nghỉ hưu sớm hoặc muộn hơn 5 năm. Đặc biệt, từ nay tới năm 2021, có thể điều chỉnh tuổi nghỉ hưu “cục bộ” ở một số lĩnh vực.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nói về việc điều chỉnh tuổi nghỉ hưu.

Chia sẻ với báo giới, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung khẳng định: “Việc điều chỉnh tuổi hưu không có chuyện “cào bằng”. Không phải tất cả lao động ở các ngành nghề, lĩnh vực cùng phải nghỉ hưu ở tuổi 60 với nữ và 62 tuổi với nam giới”.

Cũng theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, Hội nghị Trung ương 7, (Khoá XII) đã nêu rõ: Ở những ngành nghề đặc biệt, người lao động có thể nghỉ hưu sớm hơn hoặc muộn hơn 5 năm.

“Đó là những ngành nghề có chuyên môn cao như: Công việc của các bác sĩ hoặc thầy thuốc giỏi, các nhà khoa học có nhiều đóng góp, các công việc có chuyên môn cao tại toà án hoặc viện kiểm sát. Thậm chí, những lao động nữ có chuyên môn cao như giáo sư, bác sĩ, các nhà quản lý giỏi cũng có thể nghỉ hưu ở tuổi 65…” - Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đơn cử.

"Việc điều chỉnh tuổi hưu đã được Hội nghị Trung ương 7 nghiên cứu thấu tình đạt lý, đã lường trước các dự liệu và mục tiêu nhưng không gây sốc” - Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nói.

Trong những trường hợp này, Bộ LĐ-TB&XH sẽ phải nghiên cứu để tham mưu cho Chính phủ và Quốc hội điều chỉnh theo hướng nâng tuổi hưu.

Tuy nhiên theo Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH, người lao động làm việc ở 8 ngành nghề độc hại theo quy định hiện nay có thể rút ngắn tuổi hưu tới 5 năm.

“Như vậy, việc điều chỉnh này phù hợp với từng ngành nghề, lĩnh vực và đối tượng cụ thể chứ không phải là thực hiện “cào bằng” - Bộ trưởng cho biết.

Bên cạnh đó, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cũng lưu ý: “Từ nay tới năm 2021, khi Bộ Luật Lao động và các luật liên quan được cụ thể hoá, chúng ta vẫn có thể điều chỉnh tuổi nghỉ hưu “cục bộ” ở một số nhóm đối tượng đặc thù theo Khoản 3 Điều 187 Luật Lao động năm 2012.

Thống kê của Bộ LĐ-TB&XH cho thấy, bình quân tuổi hưu của lao động VN hiện nay là 54,3, trong đó lao động nam là 55,6 và lao động nữ là 52,6.

Trong khi đó, tuổi bình quân đóng BHXH của nam là 28 năm và hưởng sau tuổi 60 là 22,5 năm, với lao động nữ đóng 23 năm và hưởng lương hưu sau tuổi 55 là 27 năm.

Nghiên cứu cũng cho thấy tỉ lệ không cân đối giữa mức hưởng - đóng BHXH.

Mức đóng BHXH bình quân của người lao động hiện là 22 %, nhưng mức hưởng tối đa là 75 %.

“Trong khi đó, nhiều nước trên thế giới đang tính bình quân: Đóng 40 năm hưởng 20 năm mới đảm bảo sự bền vững. Nhưng tại VN đang ngược lại: Đóng ít - hưởng nhiều, điều này gây ra nguy cơ không đảm bảo sự bền vững của quỹ BHXH” - Bộ trưởng Đào Ngọc Dung lo lắng.

Về lộ trình, việc áp dựng độ tuổi nghỉ hưu mới dự kiến từ năm 2021. Theo đó, lao động nữ đầu tiên nghỉ hưu theo chế độ này là vào năm 2026. Về tốc độ tăng, khả năng lao động nam cần 8 năm và lao động nữ cần 20 năm mới nghỉ hưu đúng ở tuổi 60 và 62.

Tuy nhiên theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, việc điều chỉnh cụ thể tỉ lệ tuổi hưu, tốc độ tăng sẽ được cụ thể hoá trong quá trình sửa đổi Luật lao động năm 2012.

Điều 187, Bộ Luật Lao động năm 2012:

1. Người lao động bảo đảm điều kiện về thời gian đóng bảo hiểm xã hội theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội được hưởng lương hưu khi nam đủ 60 tuổi, nữ đủ 55 tuổi.

2. Người lao động bị suy giảm khả năng lao động; làm công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; làm công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; làm việc ở vùng cao, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo thuộc danh mục do Chính phủ quy định có thể nghỉ hưu ở tuổi thấp hơn so với quy định tại khoản 1 Điều này.

3. Người lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật cao, người lao động làm công tác quản lý và một số trường hợp đặc biệt khác có thể nghỉ hưu ở tuổi cao hơn nhưng không quá 05 năm so với quy định tại khoản 1 Điều này.

4. Chính phủ quy định chi tiết khoản 2 và khoản 3 Điều này.

Hoàng Mạnh