Bộ trưởng Đào Ngọc Dung: Bao giờ dừng việc "đi xin" ngành khác thông tin thất nghiệp?
(Dân trí) - “Không thể duy trì tình trạng Viện Khoa học lao động xã hội phải “đi xin” số liệu về thất nghiệp của ngành từ Tổng cục Thống kê. Về lâu dài cần tiến tới quy trình ngược lại: Các ngành khác cần số liệu về ngành LĐ-TB&XH sẽ phải tìm tới Viện Khoa học lao động của Bộ”.
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung thẳng thắn đặt vấn đề về tính tự chủ trong công tác nghiên cứu khoa học khi làm việc với Viện Khoa học lao động xã hội (Bộ LĐ-TB&XH), chiều 10/4 tại Hà Nội.
Hiện nay, số liệu về thất nghiệp, việc làm trong các Bản tin khảo sát thị trường lao động hàng quý do Viện Khoa học lao động xã hội công bố, đều phải dựa trên cơ sở nguồn thông tin khảo sát từ Tổng cục thống kê chuyển sang.
Điều này ít nhiều tạo nên độ “trễ” khi công bố thông tin ít nhất từ 1-2 tháng so với thực tế. Bởi sau tiếp nhận, các chuyên gia của Viện cần thời gian để phân tích và xử lý số liệu theo các nội dung riêng liên quan tới dân số, việc làm…Do vậy đã làm giảm đi tính thời sự trong các báo cáo, dù các kết quả nghiên cứu đòi hỏi nhiều công sức của các chuyên gia.
“Trong thời gian tới, Viện KHLĐXH cần phấn đấu trở thành trung tâm học thuật của Bộ, quy tụ sự tham gia và phát huy trí tuệ của các nhà khoa học ở trong và ngoài ngành LĐ-TB&XH. Đồng thời thu hút sự tham gia của các nhà đầu tư, doanh nghiệp đặt hàng các đề tài, sáng kiến” - Bộ trưởng Đào Ngọc Dung kỳ vọng.
Nhu cầu tự chủ thông tin của ngành như ví dụ trên đây chỉ là một trong những kỳ vọng của người đứng đầu ngành LĐ-TB&XH đối với Viện Khoa học lao động xã hội, trong việc gia tăng mức độ đóng góp từ các nghiên cứu vào quyết sách của Bộ trong tình hình hiện nay.
“Với tư cách là cơ quan nghiên cứu duy nhất và có tính “đầu tàu” của toàn ngành LĐ-TB&XH, công tác nghiên cứu cần sự “mở đường”, không thể chỉ thực hiện nghiên cứu sau sự kiện diễn ra. Đây là điều đặt ra cho các nhà khoa học, nghiên cứu viên những câu hỏi lớn lúc này: Điều gì cần đổi mới trong nghiên cứu? những đột phá của công tác nghiên cứu ra sao?” - Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nêu vấn đề, bên cạnh việc ghi nhận những kết quả nghiên cứu có giá trị của Viện sau 40 năm phát triển.
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung chia sẻ, trong tình hình hiện nay, nhiều xu hướng đang diễn ra nhanh chóng như sự già hóa dân số, thất nghiệp, tác động của cuộc cách mạng 4.0…đòi hỏi công tác nghiên cứu của Viện cần phải quyết liệt hơn.
“Đặc biệt, một số vấn đề cần được nghiên cứu thấu đáo, như: Việc làm bền vững, đào tạo nhân lực, chuyển đổi việc làm dưới tác động của số hoá, quan hệ lao động trong nền kinh tế chia sẻ và dưới tác động của CPTPP và các Hiệp định thương mại quốc tế khác…” - Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nói.
Thực tế đòi hỏi công tác nghiên cứu cần “đi trước”, mở đường để tư vấn, định hướng cho lãnh đạo ngành LĐ-TB&XH cũng như các ngành liên quan có những điều chỉnh hợp lý.
Bộ trưởng đơn cử về vai trò của công tác nghiên cứu cơ bản của Viện trong quyết sách của lãnh đạo: “Khi bàn và đưa ra các kiến nghị về bảo hiểm xã hội đa tầng, chúng ta phải có lý luận và giải thích ra sao về việc đưa nhóm an sinh xã hội vào lớp tầng thứ nhất. Trong khi đó, nhiều ngành cho rằng đây là bảo trợ chứ không phải là tầng an sinh? Bởi vậy nếu không nghiên cứu thấu đáo thì sẽ rất khó có cơ sở lý luận để đưa chính sách vào cuộc sống”.
Cần hình thành dự báo nghề trọng điểm
Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Lê Quân nhận định: Viện KHLĐXH là đơn vị chuyên môn đang đáp ứng những yêu cầu của các Cục, Vụ và đối tác quốc tế. Thời gian tới, Viện cần triển chủ động trong việc triển khai chiến lược phát triển lâu dài, định hướng nghiên cứu của ngành, hình thành 6 nhóm nghiên cứu từ các phòng có sẵn. Năm 2018, lãnh đạo Bộ LĐ-TB&XH “đặt hàng” Viện nghiên cứu và xây dựng báo cáo dự báo 10-20 nghề trọng điểm, báo cáo về bảo hiểm xã hội…
Hoàng Mạnh